Xây dựng chợ văn minh, không chỉ là nâng cấp cơ sở vật chất

Theo kế hoạch, giai đoạn 2023-2025 sẽ có 12 ngôi chợ nằm trong danh mục chợ hoàn thiện, bổ sung yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định.

Chợ Long Hoa, thị xã Hòa Thành.

Theo kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và chợ theo hướng văn minh, hiện đại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025, tập trung xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ đạt tiêu chuẩn văn minh thương mại gắn với sử dụng và ứng dụng rộng rãi các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là các chợ trung tâm huyện, thị xã, thành phố và chợ trung tâm xã, phường, thị trấn. Thực tế, đây là một vấn đề không hề dễ khi thanh toán tiền mặt vẫn là hình thức được ưa chuộng tại các chợ hiện nay.

Chuyện niêm yết giá

Theo kế hoạch, giai đoạn 2023-2025 sẽ có 12 ngôi chợ nằm trong danh mục chợ hoàn thiện, bổ sung yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định. Tỉnh sẽ xây dựng 3 chợ đầu mối gồm: chợ đầu mối nông sản Lộc Hưng (khu phố Lộc Thành, phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng) sẽ được đầu tư xây dựng mới; chợ đầu mối nông sản Phước Bình (ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) sẽ được xây dựng trên khu đất công có diện tích hơn 3 ha; chợ cầu K13 (khu vực cầu K13, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) sẽ được di dời xây dựng mới. Ngoài ra, trong giai đoạn này còn nhiều chợ được đưa vào kế hoạch đầu tư, xây dựng, nâng cấp.

Mạng lưới chợ được sắp xếp, phân bổ phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của từng khu vực. Sửa chữa, nâng cấp, bổ sung các hạng mục cơ sở hạ tầng - vật chất thiết yếu như bãi xe, hệ thống cấp, thoát nước, nhà vệ sinh, bãi thu gom, trung chuyển và xử lý rác. Bố trí, sắp xếp các điểm kinh doanh trong chợ. Cung cấp đầy đủ dịch vụ bốc xếp, đo lường, thực hiện ghi nhãn hàng, niêm yết và bán đúng giá niêm yết.

Thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ quy định pháp luật về vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, cân, đong, đo, đếm chính xác, công tác an ninh trật tự; đoàn kết, tương trợ trong ngành hàng và những hộ kinh doanh lân cận... tiến tới xây dựng chợ văn minh thương mại.

Tuy nhiên, để từng ngôi chợ từng bước tiến lên chợ văn minh theo kế hoạch đã đề ra, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, còn khá nhiều vấn đề cần sự vào cuộc của chính quyền.

Đơn cử như tại chợ Long Hải, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành. Dù ngôi chợ có quy mô tầm trung, việc quản lý chợ được chính quyền địa phương quan tâm nhưng tiến tới một ngôi chợ văn minh quả thật là không phải chuyện đơn giản. Ở các cửa vào chợ, dù có điểm giữ xe nhưng tình trạng người đi chợ chạy xe mô tô vào bên trong vẫn diễn ra. Đây là hình ảnh không nên có ở một ngôi chợ đang từng bước tiến lên chợ văn minh. Các tiểu thương bày bán các mặt hàng hầu hết không niêm yết giá, ngoại trừ gạo.

Chợ văn minh không thể chấp nhận xe mô tô chạy trong chợ (ảnh chụp tại chợ Long Hải, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành).

Chợ Long Hoa (thị xã Hòa Thành) được xem là sầm uất nhất tỉnh, là đầu mối giao dịch hàng hóa, nơi nhiều du khách đến tham quan mua sắm. Thế nhưng bên trong chợ chỉ những gian hàng đặc sản của tỉnh như bánh tránh, muối ớt… có niêm yết giá, còn các gian hàng khác thì không niêm yết. Chưa kể tình hình vệ sinh môi trường ở khu A-B, tình trạng mua bán lấn chiếm lòng, lề đường dọc theo cửa 3, cửa 4 chợ Long Hoa chưa giải quyết dứt điểm.

Chợ Bình Minh, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh cũng khó tìm được các gian hàng kinh doanh có niêm yết giá để cho người tiêu dùng lựa chọn…

Phần lớn các tiểu thương cho biết, những mặt hàng như bún hay dưa mắm, quần áo may sẵn, rau, củ, khó có thể niêm yết giá. Còn những người đi chợ cho biết, hỏi giá nếu cảm thấy giá cả hợp lý thì mua chứ cũng chẳng quan tâm đến chuyện niêm yết giá từng mặt hàng.

Không thanh toán tiền mặt

Theo kế hoạch giai đoạn 2023-2025, có 84/99 chợ kiên cố, bán kiên cố (chiếm 84,85%) có thể thanh toán bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thế nhưng ghi nhận thực tế tại các chợ và qua trao đổi với các tiểu thương thì vấn đề thanh toán không dùng tiền tiền mặt gần như các tiểu thương lẫn khách hành chưa nghĩ đến.

Một tiểu thương kinh doanh thực phẩm ở chợ Long Hoa cho biết, thời gian qua, chị kinh doanh các loại muối ớt, bánh tráng cho nhiều du khách đến tham quan mua về làm quà tặng. Có những du khách mua số lượng lớn với số tiền triệu nhưng chị vẫn thích việc mua bán trao đổi trực tiếp bằng tiền mặt. Người mua không thích thanh toán bằng hình thức điện tử. Cả chợ này chắc tìm máy Pos để quẹt thẻ ngân hàng thanh toán rất hiếm, thậm chí là những tiểu thương kinh doanh thực phẩm, các loại hàng hóa khác cũng không nghĩ đến việc sử dụng loại máy thanh toán này. Hơn nữa, đối với những mặt hàng như thực phẩm, rau củ… việc mua bán chỉ vài chục ngàn thì cả người bán lẫn người mua cũng không mặn mà sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tình trạng chưa có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ xảy ra ở chợ Long Hoa, tại các chợ phường Hiệp Ninh, phường 3… thành phố Tây Ninh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Gần như hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở các chợ truyền thống vẫn chưa được tiểu thương và người dân quan tâm đến.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền lợi ích việc thanh toán không dùng tiền mặt trên các nền tảng do Sở quản lý. Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân địa phương. Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch thương mại điện tử. Vận động, hỗ trợ các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không phải là ngân hàng phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong tiểu thương tại các chợ.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn phối hợp với các đơn vị có liên quan, hiện đại hóa hệ thống thanh toán, bảo đảm an ninh, an toàn và thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân trong sử dụng; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan vận động, hướng dẫn tiểu thương kinh doanh tại các chợ để sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Riêng UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng, ban quản lý các chợ phối hợp với các ngân hàng thương mại trong vận động, hỗ trợ, hướng dẫn tiểu thương sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Như vậy, chuyện nâng cấp cơ sở vật chất các chợ để tiến lên xây dựng chợ văn minh vẫn đơn giản hơn việc nâng cao nhận thức của tiểu thương và người dân trong việc xây dựng hình ảnh chợ văn minh, trong có có thể thấy vấn đề khó khăn là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ.

Do đó, việc đưa các chợ truyền thống trong tỉnh trở thành chợ văn minh phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội không phải là trách nhiệm riêng của cấp sở, ngành nào mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cấp cơ sở trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của tiểu thương và người dân, đó mới là vấn đề cần triển khai ngay bởi từ nay đến năm 2025, thời gian không còn nhiều.

Tầm Hoan

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/xay-dung-cho-van-minh-khong-chi-la-nang-cap-co-so-vat-chat-a163803.html