Xây dựng chính sách bù đỡ hỗ trợ người lao động, hạn chế rút BHXH một lần

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra các phương án, thứ nhất, làm sao đảm bảo cho người lao động trong trường hợp cần thiết thật sự, họ sử dụng quyền rút BHXH 1 lần, nhưng phải hài hòa nhất. Thứ hai, để đảm bảo cho người lao động có thể không cần rút BHXH một lần, nhưng vẫn có chính sách khác để bù đỡ, hỗ trợ, người lao động qua đó không phải rút BHXH nữa...', Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn Người Lao động năm 2023

Diễn đàn Người lao động năm 2023 với chủ đề ''Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn'' lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu đại diện cho người lao động cả nước, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tham dự và tham gia đối thoại, giải đáp các câu hỏi của đại biểu.

Cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề đặc biệt

Việc tổ chức diễn đàn nhằm tạo điều kiện để đại diện cử tri là đoàn viên công đoàn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mọi quyết sách của Quốc hội đều lấy người dân và doanh nghiệp đặt ở vị trí trung tâm. Công nhân và người lao động vừa là công dân, vừa là chủ thể rất quan trọng cho quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

“Vì vậy, có thể nói công nhân, viên chức và người lao động là đối tượng điều chỉnh của hầu hết các luật trong hệ thống pháp luật của nước ta", ông Huệ nói, đây là dịp để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của công nhân, người lao động, cán bộ công đoàn các cấp để hoàn thiện hệ thống pháp luật”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc này rất cần thiết và ý nghĩa, coi đây là một “cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt”, để Quốc hội và đại biểu Quốc hội được lắng nghe nhiều ý kiến của công nhân, viên chức, lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tham gia đối thoại, trả lời các quan tâm của 500 đại biểu là người lao động đại diện cho hơn năm mươi triệu người lao động cả nước các vấn đề liên quan đến lĩnh vực Bộ LĐ-TB&XH

Tại diễn đàn, đại diện đoàn viên, người lao động cả nước là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động và cán bộ công đoàn đã phát biểu, nêu các đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với những vấn đề được đông đảo đoàn viên, người lao động quan tâm.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch CĐCS Công ty Taekwang Vina, tỉnh Đồng Nai bày tỏ quan tâm vấn đề bảo hiểm xã hội (BHXH), vấn đề nóng mà công nhân rất quan tâm. Trong lần sửa đổi Luật BHXH tới đây, ông Phúc đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành các quy định để không làm suy giảm quyền lợi của người lao động; tạo sự linh hoạt, hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.

Chung mối quan tâm, chị Lương Thị Tho (công nhân Xí nghiệp Quản lý và Xử lý chất thải Đình Vũ, TP.Hải Phòng) cho biết, công nhân lao động chúng tôi rất lo lắng, bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.

Liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, chị Đặng Hồng Thêm, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La “đề nghị Quốc hội xem xét sửa luật theo hướng giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tăng quyền lợi cho người lao động như hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề; nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm, do thiên tai, dịch bệnh từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp như chính sách Quốc hội đã từng ban hành trong đợt dịch COVID-19 vừa qua…”

Chị Lê Thị Hà, Chủ tịch CĐCS Công ty May Minh Anh, tỉnh Nghệ An nêu các câu hỏi

Trả lời các câu hỏi của các đại biểu, trước hết về Quỹ An toàn lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Quỹ này là quỹ vừa ngắn hạn nhưng lại có những nội dung dài hạn. Trong thực tiễn thời gian qua quỹ kết dư tương đối tốt. Đây là điều đáng mừng. Những nội dung cơ bản trong mục tiêu của quỹ đặt ra đều đã đạt được.

“Tuy nhiên, trong Luật đặt ra những phạm vi chi cho Quỹ này hẹp quá. Mức chi thấp. Do đó, muốn sửa đổi thì phải sửa Luật”, ông Dung nói.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian vừa qua, theo quy định, chúng ta thu 1% nhưng thấy rằng kết dư quá lớn như vậy, nên Bộ LĐTBXH báo cáo Chính phủ, sau khi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng đã giảm tỉ lệ thu từ 1% xuống còn 0,5%.

Thứ hai là vừa qua, đại dịch COVID-19 đã sử dụng một phần kết dư cho những công việc này.

Thứ nữa là sẽ tập trung khuyến khích 2 việc, 1 là mục tiêu tập trung vào khuyến khích các đơn vị phòng ngừa. Những đơn vị nào phòng ngừa tốt thì được ưu tiên, khuyến khích giảm tỉ lệ này; Và tăng cường để phòng ngừa, đồng thời giúp cho người lao động trong quá trình phục hồi, điều dưỡng.v.v….

Về vấn đề sửa luật, Bộ trưởng cho biết sẽ đăng ký vào kế hoạch năm 2025.

Toàn cảnh Diễn đàn

Tăng quyền lợi cho người lao động chứ không hạn chế quyền lợi

Về việc sửa Luật BHXH, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo tinh thần trong tháng 8 này, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc sửa luật. Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 7, Chính phủ đã họp và cho ý kiến về Luật BHXH.

“Với tinh thần chung, tiếp thu kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn, việc sửa đổi luật lần này tập trung chỉnh sửa, điều chỉnh những vấn đề bất cập, mở theo hướng tạo sự phát triển BHXH Việt Nam linh hoạt, hiện đại, đa tầng, hội nhập. Và tăng quyền lợi cho người lao động chứ không hạn chế quyền lợi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đặc biệt, sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính và 12 nội dung theo Nghị quyết 28. Trong đó có 5 vấn đề quan trọng: thứ nhất, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng. hạn chế tối đa việc rút BHXH một lần, vừa đảm bảo ổn định an sinh xã hội vì BHXH là một trong hai trụ cột căn bản nhất của an sinh xã hội;

Thứ hai, việc này cũng phải để đảm bảo cho người lao động khi cần thiết thực sự thì họ có quyền được hưởng; Thứ ba, đảm bảo người lao động có thể không cần rút BHXH một lần nhưng vẫn có chính sách khác bù lại.

Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu đại diện cho người lao động cả nước

Theo đó, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội theo các phương án khác nhau nhằm ổn định an sinh xã hội, vì BHXH là 1 trong 2 trụ cột căn bản nhất của an sinh xã hội. Các phương án, làm sao đảm bảo cho người lao động trong trường hợp cần thiết thật sự, họ sử dụng quyền rút BHXH 1 lần, nhưng phải hài hòa nhất. Thứ nữa, để đảm bảo cho người lao động có thể không cần rút BHXH một lần, nhưng vẫn có chính sách khác để bù đỡ cho nhu cầu của người lao động.

Bộ trưởng đơn cử: “Ví dụ người lao động cần 1 khoản tiền này, nhưng họ sẽ không cần rút BHXH nữa, mà có chính sách khác hỗ trợ, họ không phải rút nữa", ông nhấn mạnh và thông tin thêm, trong tháng 8 sẽ trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến cuối cùng.

Vấn đề nữa, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đặc biệt quan trọng, là làm sao đẩy nhanh nhiều giải pháp ngăn chặn trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng BHXH. Các giải pháp trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ hài hòa nhất, đảm bảo khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp.

“Vừa qua, hơn 200.000 lao động nợ đóng, chậm đóng BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng BHXH Việt Nam đã được khoanh vùng, tập trung giải quyết chính sách cho người lao động”, ông cho biết.

Với nội dung về bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Bộ xác định BHXH là “bà đỡ” cho thị trường lao động, do đó việc này sẽ tiến hành đồng thời với sửa Luật Việc làm vào năm 2025.

“Hiện nay kết dư của quỹ đang ở mức an toàn. Trước đó quỹ bảo hiểm thất nghiệp có khoảng 100.000 tỉ đồng và đã được sử dụng 41.000 tỉ đồng trực tiếp hỗ trợ người lao động trong Covid-19. Vì vậy, hiện nay, công lao động khó khăn sử dụng quỹ tăng lên, kết dư chỉ đảm bảo ở mức an toàn, không còn nhiều”, Bộ trưởng thông tin đến 500 đại biểu tham dự.

Năm 2030 - Việt Nam là quốc gia tiên phong về an sinh xã hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, phấn đấu đến 2030, Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia tiên phong về chính sách xã hội và việc làm khá; dự kiến lựa chọn 3 khâu đột phá liên quan nhiều đến công nhân.

Thứ nhất, tạo thị trường lao động ổn định, trọng tâm là sinh kế và việc làm bền vững; Thứ hai, tập trung vào những thiết chế tối thiểu về y tế, giáo dục; Thứ ba, tập trung phát triển hệ thống nhà ở. Năm 2025, phấn đấu xóa khoảng 100.000 căn nhà cho người nghèo; năm 2030, phấn đấu giải tỏa khu nhà tạm khu vực nông thôn. Tập trung hỗ trợ xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân.

Về vấn đề cải cách tiền lương, Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian 3 năm dịch COVID-19, khu vực công nhân, viên chức không được tăng lương nhưng đối tượng là công nhân, người lao động vẫn được tăng lương tối thiểu vùng. Hai đối tượng được điều chỉnh trợ cấp xã hội là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội khác.

“Bên cạnh đó, từ 1/7/2023, tất cả đối tượng liên quan đã đều được điều chỉnh. Ngày 8/8 tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ họp Hội đồng tiền lương Quốc gia cùng với các cơ quan liên quan xem xét, đánh giá, đánh giá thực trạng, mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng, thu nhập của người lao động… để tính toán có điều chỉnh mức lương tối thiểu vào năm 2023 hay không? Nếu điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào? Việc này sẽ được đánh giá một cách căn cơ, bài bản sau đó mới có phương án cụ thể trên tinh thần hài hòa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì mới tạo công ăn, việc làm cho người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/xay-dung-chinh-sach-bu-do-ho-tro-nguoi-lao-dong-han-che-rut-bhxh-mot-lan-20230728172355.htm