Xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp

Việc xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp nhằm đa dạng hóa mô hình tổ chức Hội Nông dân ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả đã khắc phục những yếu kém của Hội. Xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp tạo những yếu tố thuận lợi tiến tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất hàng hóa tại địa phương.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5-8-2019 của Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, đến giữa tháng 10-2020, các cơ sở hội trong tỉnh đã thành lập được 77 chi hội, tổ hội nghề nghiệp về chăn nuôi, trồng trọt. Các chi, tổ hội nghề nghiệp do Ban Chấp hành Hội Nông dân các xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập. Mỗi chi, tổ hội nghề nghiệp có từ 5 đến 30 thành viên cùng cư trú tại cùng xã, phường, thị trấn.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan vườn cây ăn quả của hộ ông Phạm Văn Đắc,
thành viên Chi hội Sản xuất hữu cơ thôn Văn Lập, xã Thắng Quân (Yên Sơn).

Thực tế, chi hội nông dân có thể thành lập nhiều tổ hội nghề nghiệp hoặc tổ hội nghề nghiệp có thể có hội viên ở nhiều chi hội nông dân trong cùng xã, phường, thị trấn. Qua đánh giá bước đầu của Hội Nông dân tỉnh, các chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập theo tiêu chí các thành viên “5 cùng” (Cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi). 77/77 chi, tổ hội nghề nghiệp hiện tại đều được vay vốn nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, phát huy thế mạnh địa phương. Tiêu biểu như: Tổ hội sản xuất hữu cơ ở xã Thắng Quân, Tổ hội trồng cây ăn quả ở xã Phúc Ninh, xã Thái Bình, xã Lực Hành (Yên Sơn), Tổ hội nuôi trâu vỗ béo ở xã Phúc Ứng, Tổ hội sản xuất chè khô xã Minh Thanh, Tổ hội chăn nuôi dê ở xã Đông Lợi (Sơn Dương)…

Song song với triển khai dự án chăn nuôi trâu tại thôn Định Chung, Hội Nông dân xã Phúc Ứng (Sơn Dương) đã vận động, hướng dẫn thành lập Tổ hội nuôi trâu vỗ béo tại thôn Định Chung với 8 thành viên. Anh Triệu Văn Đô, Chủ tịch Hội Nông dân xã khẳng định, khi lợi ích được đảm bảo, nông dân cùng mục tiêu thì các thành viên tổ nuôi trâu vỗ béo đều tham gia hoạt động tích cực. Đây là cơ sở thuận lợi để Hội Nông dân xã tiếp tục hướng dẫn nâng cấp tổ hội thành lập Hợp tác xã nuôi trâu vỗ béo trong thời gian tới. Qua đó không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tại địa phương.

Ông Vi Văn Lích, thành viên Tổ hội nuôi trâu vỗ béo thôn Định Chung chia sẻ: “Tổ hội đã tạo môi trường thuận lợi để người nông dân có chung lợi ích và trách nhiệm được trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi. Mỗi tháng, tổ hội đều tổ chức sinh hoạt định kỳ cùng bàn kế hoạch sản xuất, tập trung vào cách phòng, chống dịch bệnh, ủ, tích trữ thức ăn cho đàn trâu; tiêm phòng vắc xin đồng loạt, chia sẻ thông tin giá cả thị trường. Sinh hoạt tại tổ hội đã phần nào đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên, thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ hơn trong chăn nuôi đạt hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm”.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập thêm các chi, tổ hội nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương. Phấn đấu đến hết năm 2020, tất cả 138/138 Hội Nông dân cấp xã đều thành lập ít nhất 1 chi, tổ hội nghề nghiệp thu hút được đông đảo thành viên tham gia. Trong đó, các cơ sở hội cần khảo sát cụ thể để nắm bắt nhu cầu tham gia của hội viên, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có sự chỉ đạo đồng bộ, đảm bảo thống nhất trong tổ chức thực hiện, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Hội ngày càng vững mạnh.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/xay-dung-chi-hoi-to-hoi-nong-dan-nghe-nghiep-138362.html