Xây dựng các chuỗi nông sản an toàn

Cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất bền vững, các địa phương trong tỉnh rất chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.

Thời gian qua, huyện Bát Xát đã triển khai nhiều giải pháp như tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chọn lọc các cây trồng (lúa, rau, củ, quả) phù hợp với nhu cầu của thị trường để mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản an toàn. Huyện Bát Xát phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sử dụng biểu mẫu ghi chép, lưu trữ hồ sơ, hỗ trợ kiểm soát, giám sát chất lượng sản phẩm và dán tem truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đẩy mạnh đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

Vườn cà chua của gia đình chị Phan Thị Hưởng.

Năm 2022, huyện Bát Xát có 14 chuỗi nông sản (7 chuỗi sản phẩm từ thịt và 7 chuỗi sản phẩm từ rau) được cấp giấy chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Gia đình chị Phan Thị Hưởng (tổ 5, thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát) là hộ kinh doanh cá thể thường xuyên cung ứng thịt, rau cho thị trường huyện và thành phố Lào Cai. Để có đủ sản phẩm cung ứng cho đối tác, chị hợp tác sản xuất với nhiều hộ trong xã, trong huyện. Mặc dù sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm nhưng sản phẩm thịt, rau của chị Hưởng vẫn bị một số đối tác từ chối. Năm 2022, được các ngành chức năng của huyện hướng dẫn, chị đã nộp hồ sơ và được công nhận 2 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (chuỗi sản phẩm trứng, cá, thịt, giò, chả; chuỗi sản phẩm rau, củ, quả). Có chứng nhận trong tay, sản phẩm của cơ sở chị Hưởng dễ dàng có mặt tại các trường học, nhà máy, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh với số lượng lớn. Hiện chị Hưởng đang cung ứng khoảng 2 - 3 tạ thịt (gia súc, gia cầm)/ngày, 6 - 7 tạ rau xanh cho 30 trường học, cơ sở, nhà máy trên địa bàn huyện Bát Xát và thành phố Lào Cai.

Chị Hưởng cho biết: Chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là “tấm vé” giúp chúng tôi tăng uy tín và có cơ hội mở rộng thị trường. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng liên kết với các hộ để sản xuất đa dạng sản phẩm, cung ứng tốt hơn cho các đối tác, đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho các hộ tham gia liên kết.

Tại Bảo Thắng, những năm qua, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo các xã nâng cao kiến thức cho người dân về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, xây dựng các chuỗi cung ứng rau, quả, thịt (lợn, gia cầm), thủy sản… an toàn; kết nối các hộ và cơ sở kinh doanh tạo thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Đồng thời, huyện đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân sản xuất nông sản an toàn; tổ chức ký cam kết, xác nhận nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Với cách làm hiệu quả, nhiều chuỗi nông sản an toàn của huyện Bảo Thắng đã khẳng định được thương hiệu, phát triển và trở thành các sản phẩm OCOP uy tín trên thị trường, như các sản phẩm thịt sấy của Hợp tác xã chế biến thực phẩm sạch Gia Phú, bưởi Múc của Hợp tác xã bưởi Múc xã Thái Niên…

Ngoài huyện Bát Xát và huyện Bảo Thắng, các địa phương khác trong tỉnh cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân và các cơ sở sản xuất đẩy mạnh xây dựng các chuỗi nông sản an toàn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa. Năm 2022, Lào Cai có 34 chuỗi nông sản an toàn được xác nhận, nâng tổng số chuỗi nông sản an toàn được công nhận lên 125 chuỗi.

Toàn tỉnh có 667 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP (130 ha chè, 215 ha chuối, 10 ha dứa, 212 ha quýt, 100 ha rau), 210 ha dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, gần 4.200 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ (hơn 3.500 ha quế và 696 ha chè).

Thu hoạch cá chép tại hộ anh Đỗ Văn Quyền, xã Xuân Giao (Bảo Thắng).

Từ chuỗi sản xuất nông sản an toàn được công nhận đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ atiso tại thị xã Sa Pa của Công ty TNHH MTV TraphacoSapa (quy mô 50 ha với 150 hộ tham gia, giá trị liên kết tiêu thụ đạt hơn 13 tỷ đồng); mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ chè hữu cơ tại huyện Bắc Hà của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà (quy mô 730 ha với 310 hộ tham gia, giá trị liên kết tiêu thụ đạt hơn 70 tỷ đồng); mô hình liên kết sản xuất gạo Séng cù tại huyện Mường Khương của Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Mường Khương (quy mô 300 ha với 526 hộ tham gia, giá trị liên kết tiêu thụ đạt hơn 22 tỷ đồng); mô hình liên kết cá tầm, cá hồi tại thị xã Sa Pa của Công ty TNHH MTV Song Nhi (quy mô 10 ha với 38 hộ tham gia, giá trị liên kết tiêu thụ đạt hơn 15 tỷ đồng)…

Việc xây dựng các chuỗi nông sản an toàn ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, khẳng định hiệu quả kinh tế. Năm 2023, ngành nông nghiệp Lào Cai xác định tiếp tục quy hoạch, phát triển tạo thành vùng sản xuất hàng hóa đối với 6 ngành hàng chủ lực (sản xuất chè, dược liệu, dứa, chuối, quế và chăn nuôi lợn), kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương. Cùng với đó là phát triển thêm 20 chuỗi nông sản an toàn được xác nhận, 100% chuỗi sản phẩm được quản lý bằng phần mềm Hệ thống thông tin quản lý chuỗi nông sản an toàn.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365691-xay-dung-cac-chuoi-nong-san-an-toan