Xây dựng biên giới Lào Cai 'hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển'

Trong suốt 33 năm sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ đối ngoại và 32 năm tái lập tỉnh, Lào Cai đã thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, linh hoạt, từng bước nâng tầm hợp tác toàn diện với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Qua đó xây dựng biên giới Lào Cai trong môi trường 'hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển', tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy giao thương hai bên biên giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức tại Lào Cai tháng 8/2022.

Cơ sở quan trọng để tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện, cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, đối ngoại Nhân dân, khoa học, quốc phòng và an ninh là Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thuộc hành lang kinh tế của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) viện trợ về tài chính và kỹ thuật.

Đây là việc cụ thể hóa sáng kiến của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt - Trung về hợp tác xây dựng “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung”, trong đó tỉnh Lào Cai đóng vai trò cầu nối của hành lang giữa hai quốc gia.

Về chính trị, sau khi thiết lập quan hệ, hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) đã duy trì mỗi năm nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu, hợp tác.

Dấu mốc quan trọng nhất là tháng 4 năm 2004, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Bùi Quang Vinh nhận lời mời sang thăm và hội đàm với đồng chí Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) Từ Vinh Khải tại Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và hai người đứng đầu chính quyền, chính phủ hai tỉnh tiếp tục hội đàm tại thị xã Sa Pa (Lào Cai) sau đó 2 tháng.

Việc hợp tác đã mở đường để tháng 6 năm 2004, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Giàng Seo Phử nhận lời mời sang thăm và hội đàm với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) Bạch Ân Bồi tại thành phố Côn Minh. Đến tháng 9 năm này, đồng chí Tỉnh trưởng Vân Nam (Trung Quốc) Từ Vinh Khải cùng đoàn đại biểu tới Thủ đô Hà Nội để hội đàm với các tỉnh, thành phố trên tuyến hành lang kinh tế, trong đó có đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Lào Cai.

Những năm 2000, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thức và thống nhất rằng, tỉnh chỉ có thể phát triển khi biên giới hòa bình, hữu nghị, mọi người mới yên tâm phát triển kinh tế, sinh sống, đến tham quan, du lịch... Vì vậy, vấn đề đối ngoại với tỉnh Vân Nam, tư tưởng xây dựng Lào Cai trở thành cửa ngõ, điểm trung chuyển hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Tây Nam Trung Quốc và ngược lại, lâu dài sẽ là một tuyến đường quốc tế nối ASEAN với Trung Quốc cũng bắt đầu hình thành từ đây.

Năm 2001, với chức danh Chủ tịch UBND tỉnh tham gia tọa đàm trực tiếp trên sóng truyền hình của Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh với tiêu đề: “Lào Cai - cầu nối với thị trường Tây Nam Trung Quốc” tôi đã trả lời rất nhiều câu phỏng vấn về vai trò kết nối của Lào Cai. Thời gian sau đó có rất nhiều doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh ra Lào Cai hợp tác, tìm hiểu cơ hội đầu tư bên Vân Nam, Trung Quốc.

Khi tôi là Bí thư Tỉnh ủy, Lào Cai đã có nhiều báo cáo với Chính phủ và được đồng ý phát triển mối quan hệ hợp tác thành hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Bắt đầu từ đây, Lào Cai từng là ngõ cụt, “điểm cuối đường hầm” trở thành điểm kết nối, cửa ngõ thông thương giữa vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc với Việt Nam

Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT

Sáng kiến ngoại giao gần đây nhất mà tỉnh Lào Cai tham gia là hội đàm giữa Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) với 4 tỉnh biên giới của Việt Nam, gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang. Năm 2023 lãnh đạo 5 tỉnh tổ chức hội đàm lần thứ 3, hội đàm trực tiếp (sau 2 lần hội đàm trực tuyến do Covid - 19) tại tỉnh Hà Giang (Việt Nam).

Hợp tác về chính trị đã mở đường cho đẩy mạnh hợp tác về thương mại, xuất - nhập khẩu hàng hóa giữa tỉnh Lào Cai với Vân Nam (Trung Quốc). Kim ngạch xuất - nhập hàng hóa (không kể những năm Covid - 19) giữa hai tỉnh liên tục tăng trưởng, có thời điềm mức tăng duy trì trung bình 20%/năm.

Ngoài đẩy mạnh xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, từ năm 2001 đến nay, tỉnh Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) đã duy trì luân phiên các kỳ hội chợ thương mại biên giới, qua đó góp phần thúc đẩy thương mại 2 chiều, thu hút các doanh nghiệp, mở rộng quy mô thị trường hàng hóa. Đối với hợp tác đầu tư, môi trường thông thoáng, hấp dẫn của tỉnh Lào Cai đã thu hút trên 10 dự án FDI vốn từ Trung Quốc (chủ yếu là tỉnh Vân Nam) với tổng nguồn vốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Điển hình là Dự án khai thác, chế biến quặng sắt Quý Sa, Nhà máy gang thép Việt Trung và dự án Nhà máy Thủy điện Séo Choong Hô…

Về kinh tế, tỉnh Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) còn đẩy mạnh hợp tác, kết nối giao thông, hợp tác về sản xuất nông nghiệp, du lịch và mở rộng giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Ngoài ra còn là sự hợp tác trong công tác quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu, phòng chống tội phạm giữa các lực lượng chuyên trách của hai tỉnh.

Thời kỳ Pháp thuộc, năm 1887 chính quyền Pháp ở Đông Dương và nhà Thanh đã ký kết Công ước hoạch định biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc trên cơ sở đường biên giới lịch sử vốn có giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Năm 1895, chính quyền Pháp và nhà Thanh ký tiếp Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc. Trong thời kỳ này, trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc được Pháp và nhà Thanh tiến hành xác định và đánh dấu trên thực địa với tổng số 314 vị trí mốc với 341 cột mốc.

Ông Đào Mạnh Cơ, nguyên Trưởng Ban ngoại vụ và Biên giới (nay là Sở Ngoại vụ) thời kỳ từ 1991 đến năm 2003 cho biết: Năm 1999, Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được ký kết, tạo điều kiện cho hoạt động phân giới cắm mốc biên giới.

Ông Cơ cho biết thêm, khó khăn lớn nhất trên tuyến biên giới Lào Cai khi triển khai phân giới cắm mốc (PGCM) là địa hình hiểm trở, phức tạp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt; nhiều đoạn biên giới được thể hiện trên Bản đồ hiệp ước không phù hợp với thực địa, có một số điểm phải đàm phán nhiều lần để thống nhất vị trí cắm mốc.

Sáng tạo của tỉnh Lào Cai là UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phân giới cắm mốc do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, giao cho Ban Ngoại vụ và Biên giới (nay là Sở Ngoại vụ) là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo. Cũng trong thời điểm này, tỉnh Lào Cai xác định công tác PGCM là trọng điểm, cần ưu tiên đặc biệt cả về nhân lực và vật lực.

Trong quá trình triển khai, Ban chỉ đạo PGCM của tỉnh thường xuyên giữ mối liên hệ với Nhóm liên hợp, Ủy ban liên hợp của Ủy ban Biên giới quốc gia và của Chính phủ, nhất là trong việc xin ý kiến chỉ đạo xây dựng các phương án giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, vướng mắc trong đàm phán để đi đến thống nhất thực hiện giữa hai bên.

Trong đàm phán, Ban chỉ đạo PGCM của tỉnh luôn giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, mềm dẻo, cương quyết, khéo léo trên nguyên tắc đảm bảo giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Phương châm thực hiện là nơi nào dễ làm trước, khó làm sau, không nhất thiết phải tuần tự.

Ông Đào Mạnh Cơ, nguyên Trưởng Ban ngoại vụ và Biên giới, nay là Sở Ngoại vụ

Nỗ lực hơn 5 năm (từ tháng 9/2002 đến tháng 12/2007), Nhóm liên hợp số 3 đã hoàn thành công tác PGCM trên thực địa tại biên giới tỉnh Lào Cai với tổng số mốc giới được cắm gồm 124 mốc chính và 4 mốc phụ. Trên các sông, suối biên giới đã thống kê và quy thuộc tổng số 56 cồn bãi.

Ngày 30/12/2007, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tổ chức “Lễ mừng công tỉnh Lào Cai hoàn thành công tác PGCM”. Lào Cai trở thành tỉnh biên giới phía Bắc đầu tiên hoàn thành công tác PGCM, khích lệ các tỉnh khác thi đua, tạo điều kiện để Chính phủ hai quốc gia đi đến thống nhất và ký kết 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc vào ngày 18/11/2009.

Đó là: Nghị định thư phân giới cắm mốc; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc và Hiệp định cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Các văn kiện là văn bản pháp lý cao góp phần trực tiếp xây dựng tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Một sáng đầu tháng 9/2023, chúng tôi gặp ông Giàng Chúng, thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương khi ông vừa làm thủ tục nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai trở về nhà sau 3 ngày sang tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để thăm người thân và giúp đỡ 1 gia đình trong dòng họ lo việc hiếu.

Trước đây khi chưa xảy ra Covid - 19, việc đi lại, thăm thân qua biên giới của các hộ dân tại thôn Cốc Phương như hộ ông Chúng và người dân ở tổ Tam Bình Bá (Trung Quốc) khá thuận lợi, nay phải đi vòng qua Cửa khẩu quốc tế nhưng điều đó cũng không thành trở ngại lớn.

Do yếu tố lịch sử, như nhiều hộ ở thôn Cốc Phương, gia đình ông Giàng Chúng có một số người thân cùng họ Giàng, cùng dân tộc Mông là công dân Trung Quốc đang sinh sống tại tổ dân cư biên giới Tam Bình Bá. Về mặt địa lý, thôn Cốc Phương (Việt Nam) và tổ Tam Bình Bá (Trung Quốc) chỉ cách nhau một con suối nhỏ, bà con hai bên biên giới có nhiều năm vẫn qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất.

Ông Giàng Chúng và những hộ dân ở thôn Cốc Phương đều hiểu rằng, những vườn chuối cấy mô, những nương dứa Cay-en bạt ngàn trải dọc các thôn biên giới xã Bản Lầu, Bản Phiệt, Nậm Chảy kia chính là kết quả của quá trình trao đổi giống, kỹ thuật sản xuất của nhân dân hai bên biên giới. Rồi cũng chính sự trao đổi thường xuyên của nhân dân hai bên biên giới mà có nhiều năm, hầu hết sản phẩm chuối, dứa được xuất khẩu với giá ổn định qua thị trường Trung Quốc.

Người quen ở tổ Tam Bình Bá giúp bà con ở thôn Cốc Phương giống tốt, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, kết nối, trao đổi thông tin để các hộ trong thôn Cốc Phương tiêu thụ nông sản sang bên kia biên giới. Việc trồng dứa giúp nhiều gia đình trong thôn thành triệu phú, nhiều hộ đổi đời.

Ông Giàng Chúng, thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương

Thôn Cốc Phương (Việt Nam) và tổ dân cư Tam Bình Bá (Trung Quốc) là cặp thôn - thôn kết nghĩa đầu tiên trên tuyến biên giới đường bộ Việt Nam – Trung Quốc, việc kết nghĩa đến nay tròn 10 năm (từ tháng 8/2013).

Thôn Cốc Phương hiện có 49 hộ dân, trong khi Tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo (Trung Quốc) có 19 hộ dân. Đa phần người dân 2 bên đều là dân tộc Mông, tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa, trang phục, tín ngưỡng và phong tục, tập quán.

Đến nay, bai bên đã thành lập được đội văn nghệ, thường xuyên biểu diễn nghệ thuật quần chúng, giao lưu văn hóa nhân các sự kiện do hai bên phối hợp tổ chức. Khi các gia đình trong thôn, trong tổ có công việc, nhất là việc hiếu, việc hỷ thì những già làng, người có uy tín trong cộng đồng hai bên biên giới thường tới thăm hỏi, trò chuyện và giúp thực hiện các nghi lễ truyền thống. Việc qua lại đều tuân thủ các quy định luật pháp của 2 quốc gia, quy chế biên giới. Ngoài ra, các dịp lễ, tết hai bên đều có trao đổi, gửi thư, hoa chúc mừng. Người dân 2 bên biên giới cũng đoàn kết, cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống cháy rừng; chủ động dọn vệ sinh khu vực đường biên giới mỗi bên.

Khi có dịch bệnh xảy ra đối với người và vật nuôi, hai bên đều chủ động, kịp thời cung cấp thông tin để người dân phòng, tránh. Hằng năm, Cốc Phương (Việt Nam) và tổ Tam Bình Bá (Trung Quốc) định kỳ tổ chức tổng kết công tác kết nghĩa, địa điểm tổ chức luân phiên tại 2 thôn (ngoại trừ thời điểm xảy ra dịch Covid - 19). Sau mỗi lần gặp gỡ như thế, các đại biểu lại giao lưu văn nghệ, thể thao và dự “bữa cơm đoàn kết”.

Thiếu tá Lê Ngọc Quang, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bản Lầu cho biết: Ngoài trao đổi, hỗ trợ lao động, sản xuất, cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, người dân thôn Cốc Phương (Việt Nam) và tổ Tam Bình Bá (Trung Quốc) còn chung tay bảo vệ biên giới, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Người dân 2 thôn cam kết không làm hư hại mốc giới, không làm thay đổi dòng chảy suối biên giới, không tiếp tay tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu hàng hóa và hành vi vi phạm pháp luật.

Mối quan hệ gắn bó, hữu hảo và tình cảm thắm thiết, nồng ấm của người dân thôn Cốc Phương (Việt Nam) và tổ Tam Bình Bá (Trung Quốc) thông qua mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới” được xem là hình mẫu về ngoại giao nhân dân, theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại mà lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã khẳng định, vun đắp.

Hiện tuyến biên giới Lào Cai có 6 cặp thôn - thôn kết nghĩa qua biên giới thuộc huyện Mường Khương, Bát Xát (Việt Nam) với huyện Hà Khẩu và Kim Bình (tỉnh Vân Nam - Trung Quốc). Mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới” là một sáng tạo của Bộ đội Biên phòng Lào Cai thực hiện đối ngoại Nhân dân. Hiện mô hình đang được phát triển, nhân rộng ra các tỉnh trên tuyến biên giới phía Bắc.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Đồn Biên phòng Cửa khẩu) có nhiệm vụ quản lý 17,2 km đường biên giới, trải dài địa bàn 4 xã, phường thuộc thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng.

Đây lại là khu vực trọng điểm về hoạt động xuất - nhập cảnh, xuất - nhập khẩu hàng hóa, là trọng điểm của dòng chảy hàng hóa trong hành lang kinh tế Vân Nam (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Những năm qua, Đồn Biên phòng Cửa khẩu đã làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả việc điều tiết phương tiện xuất – nhập khẩu hàng hóa và phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra, kiểm soát, giám sát hàng hóa thông quan tại khu vực cửa khẩu.

Điểm nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu thời gian qua là đã vận dụng và thực hiện đúng quy định về đối ngoại biên phòng, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất - nhập khẩu, xuất - nhập cảnh qua các cửa khẩu.

Hoạt động đối ngoại biên phòng đã góp phần rất lớn vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đặc biệt, trong những năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, mặc dù hoạt động xuất – nhập cảnh phải tạm dừng nhưng đơn vị vẫn thường xuyên giữ liên lạc và duy trì các hoạt động đối ngoại với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới bên phía nước bạn Trung Quốc, thông qua đường dây nóng, hội đàm trực tuyến…

Trung tá Bùi Hồng Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai

Sau khi cửa khẩu hoạt động trở lại, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai cũng là đơn vị đầu tiên trên tuyến biên giới của Lào Cai thúc đẩy, xúc tiến mời lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới bên phía đối diện của nước bạn hội đàm trực tiếp, nâng cao tình cảm gắn bó giữa 2 lực lượng quản lý biên giới 2 bên.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cũng thường xuyên phối hợp với các lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tổ chức tuần tra liên hợp, tuần tra song phương với trạm biên phòng phía đối diện của nước bạn. Tổ chức hội đàm về tuyên truyền chấp pháp, thi hành pháp luật trên biên giới; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm và quản lý, bảo vệ biên giới.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai còn chủ động tham mưu cấp trên tiến hành hoạt động đối ngoại với các lực lượng bảo vệ biên giới phía nước bạn. Điển hình là việc bình bầu “sứ giả hữu nghị”, bình chọn “đảng viên xuất sắc” đối với cán bộ của 2 bên thực hiện tốt nhiệm vụ.

Thông qua đó, công tác trao đổi thông tin giữa hai bên khi có vấn đề liên quan đến cửa khẩu được nhanh chóng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động xuất - nhập khẩu, xuất - nhập cảnh qua cửa khẩu.

Thống kê của Trạm Biên phòng Cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành (Trạm Biên phòng Kim Thành), sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, bình quân mỗi ngày có khoảng 400 đến 500 xe xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu.

Cách làm mới thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thương mại, Trạm Biên phòng Kim Thành đã thống nhất với các lực lượng làm việc tại cửa khẩu, hằng ngày làm việc trước giờ quy định 30 phút giải quyết các thủ tục cần thiết để khi mở cửa khẩu là hàng hóa có thể thông quan tức thì. Nhờ cách làm này mà tính từ đầu năm đến đầu tháng 8/2023 đã có 21.213 phương tiện từ Việt Nam xuất cảnh và hơn 39.800 phương tiện từ Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Một ví dụ khác, tại thời điểm hàng hoa quả của phía Việt Nam có các hợp đồng xuất khẩu lớn, như đối với xe chở quả vải thiều diễn ra dịp thời tiết nắng nóng gay gắt, nếu không nhanh chóng thông quan sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Do việc kiểm soát dịch bệnh bên phía Trung Quốc đang rất chặt chẽ, nhiều lái xe người Việt Nam không thạo tiếng Trung nên mất nhiều thời gian khai báo các thông tin. Nắm được tình hình, Trạm Biên phòng Kim Thành đã trực tiếp trao đổi với lực lượng quản lý bên bạn tạo điều kiện cho các lái xe khai báo thông tin trước trên phần mềm. Cách làm này đã rút ngắn rất nhiều thời gian thông quan hàng quả vải thiều tươi vào thị trường Trung Quốc.

Theo Đại tá Nguyễn Phi Khanh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, những năm qua Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã xác định công tác đối ngoại biên phòng là bộ phận quan trọng của đối ngoại quốc phòng.

Đối ngoại biên phòng nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh khu vực biên giới.

Thực tế công tác đối ngoại biên phòng của Bộ đội Biên phòng Lào Cai những năm qua cho thấy, hoạt động này đã tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác; tạo sự tin cậy, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau; góp phần thúc đẩy công tác phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới 2 bên; tuyên truyền, giáo dục nhân dân hai bên biên giới nâng cao ý thức pháp luật, tự giác chấp hành các quy định, chính sách về biên giới quốc gia.

Thông qua hoạt động đối ngoại, lực lượng quản lý biên giới hai bên đã trao đổi kịp thời, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc xảy ra trên biên giới; tạo điều kiện để lực lượng biên phòng hai bên trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý biên giới, cửa khẩu; kịp thời thông báo tình hình các loại tội phạm có liên quan 2 bên biên giới để phối hợp đấu tranh; góp phần giữ vững ổn định về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới; chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Hoạt động đối ngoại biên phòng tạo cơ sở để ngành chức năng tham mưu với chính quyền hai bên biên giới thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh khu vực biên giới. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã sáng tạo, phát triển 8 mô hình, cách làm hay, đó là:

Ngoài các mô hình điểm, cách làm được phía đối diện hưởng ứng, Bộ đội Biên phòng Lào Cai còn tích cực hợp tác với các lực lượng trên tuyến biên giới của Trung Quốc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tăng cường công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm trên biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã triển khai, thực hiện nghiêm kế hoạch của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về “Tổ chức thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam – Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người” và các kế hoạch phòng, chống tội phạm liên quan.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị duy trì quan hệ đối ngoại biên phòng với các lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới phía bạn thông qua nhiều hoạt động. Nổi bật, các đơn vị biên phòng trên tuyến biên giới duy trì thường xuyên, hiệu quả các hoạt động tuần tra song phương, tuần tra liên hợp phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới; kết nghĩa “đồn - trạm” với các đồn, tổ, trạm công an, biên phòng phía bạn.

Lực lượng chức năng 2 bên cũng tổ chức giao lưu, tọa đàm; thiết lập đường dây nóng liên lạc để thường trực nhận, xử lý kịp thời thông tin về công tác quản lý, bảo vệ và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên biên giới.

Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã chủ động nắm, trao đổi với lực lượng chức năng phía bạn về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; kịp thời thông báo cho các đơn vị để làm tốt công tác phòng ngừa và chủ động đấu tranh; tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới.

Trong đó, tập trung ở các khu vực cửa khẩu, đường mòn, đường tắt qua lại biên giới tại địa bàn trọng điểm. Lực lượng chức năng hai bên cũng phối hợp chặt chẽ giữa kiểm soát cố định với lưu động; tuần tra định kỳ và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm. Trong các hoạt động tuần tra, kiểm soát biên giới, lực lượng chức năng 2 bên cũng phối hợp tổ chức công tác tuyên truyền cho người dân địa phương các văn bản pháp lý về quản lý, bảo vệ biên giới, đồng thời kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ đường biên giới, phối hợp giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới.

Lực lượng chức năng 2 bên cũng tích cực tham gia đề xuất với cấp có thẩm quyền trong xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm trên biên giới; phối hợp làm tốt công tác quản lý an ninh trật tự, tạm trú, tạm vắng, quản lý chặt chẽ các dịch vụ kinh doanh có điều kiện, giúp hạn chế thấp nhất điều kiện hoạt động của tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn biên giới.

Đặc biệt, lực lượng chức năng phía bạn đã phối hợp rất tốt với bộ đội biên phòng giải cứu nạn nhân mua bán người, đưa ra biên giới và trao trả cho phía ta. Từ năm 2014 đến hết năm 2022, Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã tiếp nhận 321 nạn nhân mua bán người do lực lượng bảo vệ biên giới phía bạn trao trả.

Từ năm 2015 đến nay, hai bên đã thực hiện tuần tra song phương được 58 lần với 6.625 lượt cán bộ, chiến sĩ mỗi bên tham gia. Trong tuần tra liên hợp, đến nay đã phối hợp tổ chức được 57 lần với 570 lượt cán bộ, chiến sĩ mỗi bên tham gia. Ngoài ra còn cùng nhau diễn tập phòng chống khủng bố 2 lần với 350 cán bộ, chiến sĩ mỗi bên tham gia.

Từ 2015 đến nay, lực lượng biên phòng hai bên đã giao lưu hữu nghị 163 đoàn với 2.770 đại biểu, tổ chức kết nghĩa 10 đồn biên phòng (Việt Nam) với 15 đơn vị lực lượng cơ sở quản lý biên giới tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Lực lượng chuyên trách hai bên cũng trao đổi 4.825 thư tín, trao đổi 1.631 cuộc điện thoại và bình chọn 18 “Sứ giả hữu nghị” và 18 “Đảng viên đảng cộng sản xuất sắc”.

Cách đây 32 năm, ngày 7/11/1991, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết các công việc trên vùng biên giới; ngày 30/12/1999, Chính phủ hai nước tiếp tục ký Hiệp ước biên giới trên đất liền, tạo điều kiện cho tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có thêm những bước tiến trong quan hệ đối ngoại, nâng tầm hợp tác, hướng tới mục tiêu xây dựng đường biên giới Lào Cai - Vân Nam “hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

Trên cơ sở 16 chữ mà lãnh đạo hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã nêu: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và quan điểm 4 tốt: “Bạn bè tốt, láng giềng tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) trong hơn 3 thập kỷ qua đã liên tục củng cố, xây dựng mối quan hệ truyền thống và tăng cường sự hợp tác ngày càng toàn diện trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nhau, cùng bảo vệ biên giới, xây dựng đường biên hữu nghị, ổn định, cùng phát triển. Lãnh đạo hai tỉnh và các cơ quan chức năng, các địa phương giáp biên giới thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và phối hợp giải quyết các vụ việc trên biên giới, do đó trên toàn tuyến biên giới nhìn chung không có những sự kiện và vụ việc lớn xảy ra.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, thực hiện đường lối đối ngoại, Đảng bộ tỉnh tiếp tục coi trọng hợp tác toàn diện, đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Điều này được thể hiện rất rõ trong buổi hội đàm song phương giữa đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và người đồng cấp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là đồng chí Vương Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy vào tháng 3 năm 2023 tại tỉnh Hà Giang.

Tại buổi hội đàm này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong đề nghị tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tiếp tục quan tâm, củng cố nhận thức chung trên tinh thần các thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc” trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyên Phú Trọng tới Trung Quốc vào tháng 10/2022.

Tỉnh Lào Cai đề xuất hai tỉnh tiếp tục ưu tiên vun đắp quan hệ hai tỉnh theo hướng toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, ngày càng hiệu quả hơn. Trong đó có việc sớm đạt được thỏa thuận thiết lập các cặp chợ biên giới; mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu trên biên giới; thực hiện mô hình cửa khẩu kiểu mẫu; tạo điều kiện thuận lợi cho mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Đề nghị tỉnh Vân Nam tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh thông quan hàng hóa qua cặp cửa khẩu quốc tế đường sắt; sớm khởi công xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng; triển khai hợp tác xây dựng đoạn đường sắt tiêu chuẩn kết nối giữa Lào Cai và Hà Khẩu (Trung Quốc).

Tại buổi hội đàm, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Ninh đề nghị Lào Cai tiếp tục tăng cường hợp tác với tỉnh Vân Nam về giao thông vận tải, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, thúc đẩy hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa, thể thao và các hoạt động xã hội. Lãnh đạo tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác với tỉnh Lào Cai (Việt Nam) trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, trong đó ưu tiên phát triển cửa khẩu số, du lịch.

Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Ninh cũng đề xuất hai tỉnh tiếp tục củng cố tin cậy chính trị, tăng cường mối quan hệ hữu nghị sâu sắc giữa hai cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc (Chính hiệp), Hội đồng nhân dân và các đoàn thể chính trị của hai tỉnh và hợp tác, giao lưu trên nhiều lĩnh vực khác.

Cuộc hội đàm nói trên nói riêng và việc duy trì hội nghị hằng năm giữa nhóm hợp tác liên hợp giữa 4 tỉnh biên giới (trong đó có Lào Cai) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là cơ sở, nền tảng quan trọng để tỉnh Lào Cai tiếp tục hiện thực hóa chủ trương xây dựng biên giới Lào Cai 8 “chữ vàng” là: Hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Lào Cai được biết đến là cầu nối giao thương của các tỉnh miền Bắc Việt Nam với vùng Tây Nam của Trung Quốc. Những năm tới, Lào Cai tiếp tục ưu tiên phát triển Khu kinh tế cửa khẩu theo hướng tạo dựng cơ sở hạ tầng và logistics (phát triển hệ thống logistics, khu vực kho cảng cạn, bến bãi tập kết hàng hóa), đầu tư xây dựng đô thị - công nghiệp tập trung (các cụm công nghiệp, khu vui chơi giải trí, các khu chức năng khác và hình thành Khu thương mại tự do giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)…

Cụ thể hóa nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xuất phát từ vị trí địa chính trị, địa kinh tế, với mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục xây dựng Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc”.

Hiện đề án đã được các bộ, ngành Trung ương cho ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án xác định 5 quan điểm xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc, đó là:

1. Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc tuân thủ các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với yêu cầu và sự phát triển chung của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và cả nước; phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các Điều ước, Hiệp định quốc tế.

2. Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế đặt trong mối quan hệ tổng thể; tạo không gian mở cho các giai đoạn phát triển; đảm bảo kết nối chặt chẽ với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, các nước ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc.

3. Phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội để trở thành nguồn lực phát triển; phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong kết nối hạ tầng, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, giao thương kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

4. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

5. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo việc làm tại chỗ, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền trong tỉnh, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Đề án, Lào Cai có chức năng là trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc; cửa ngõ quan trọng, đầu mối kết nối giao thông và kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc; nơi hội tụ và thu hút các hoạt động giao thương kinh tế gắn với phát triển dịch vụ tài chính, du lịch, tổ chức sự kiện mang tầm khu vực và quốc tế.

Mục tiêu đặt ra là xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên kết cả nước và quốc tế; phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là đầu mối trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics lớn trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS); phát triển Lào Cai trở thành trung tâm dịch vụ về tài chính, du lịch, thương mại, tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế; góp phần đưa tỉnh Lào Cai đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển của vùng Trung du miền núi phía Bắc và là tỉnh phát triển khá của cả nước; văn hóa - xã hội - đời sống Nhân dân khá giả, hạnh phúc. Đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Với tầm nhìn chiến lược và mục tiêu xác định cụ thể được đặt trong quy hoạch tổng thể của đất nước, kỳ vọng Đề án sẽ tiếp tục mở ra những bước phát triển vượt bậc cho tỉnh Lào Cai.

Lào Cai – một trung tâm giao thương kinh tế mang tầm khu vực trong tương lai sẽ là động lực, đưa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lên một tầm cao mới.

Nội dung: Cao Cường – Thành Phú – Lan Hương
Trình bày:Khánh Ly

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/xay-dung-bien-gioi-lao-cai-hoa-binh-huu-nghi-hop-tac-va-phat-trien-post377028.html