Xây dựng 5 dự án giao thông tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội

Sáng 6.6, tiếp tục phiên làm việc của Kỳ họp Quốc hội thứ ba, Quốc hội khóa XV thảo luận về các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc và chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, theo Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Đào Hồng Lan, những dự án giao thông trên tạo động lực lớn trong phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh Bắc Ninh và cả nước.

ĐBQH Đào Hồng Lan nhấn mạnh, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, có tác động tích cực kéo giãn mật độ dân cư, giảm áp lực giao thông cho 2 đô thị là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, kết nối 2 thành phố này với các tỉnh xung quanh, tạo nên liên kết vùng rộng mở cho không gian phát triển.

ĐBQH Đào Hồng Lan phát biểu ý kiến tại Kỳ họp Quốc hội thứ ba, Quốc hội khóa XV, sáng 6.6

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, đi qua địa phận TP. Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (25,6km). ĐBQH Đào Hồng Lan nhận định, trong bối cảnh khu vực Bắc sông Đuống cơ bản phát triển kín hết, đường Vành đai 4 đi qua khu vực Nam sông Đuống sẽ mở ra không gian phát triển, tạo động lực cho tỉnh Bắc Ninh phát triển công nghiệp trong thời gian tới. Tại Bắc Ninh với 15,6km đường vành đai 4 và 9,7km đường kết nối với đường cao tốc Nội Bài, đây là tuyến đường mở ra không gian phát triển lớn cho Bắc Ninh.

Đối với 3 dự án đường cao tốc, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhất trí với chủ trương, sự cần thiết đầu tư các tuyến đường này cho các giai đoạn tiếp theo, qua đó tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội cho các vùng trong cả nước. “Đối với đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, đây là công trình quan trọng của khu vực Tây Nguyên, là cơ sở để phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Tây Nguyên, vì vậy, cần tập trung triển khai để tạo động lực phát triển cho khu vực Tây Nguyên. Xây dựng đường cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng là cần thiết. Tuy nhiên, hạ tầng phát triển kinh tế của khu vực Tây Nam bộ chưa được quan tâm nhiều, đầu tư không lớn.

ĐBQH Đào Hồng Lan kiến nghị, Quốc hội cần quan tâm đến chính sách để thu hút đầu tư cho vùng này. Với Dự án đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao của khu vực Đông Nam bộ, việc xây dựng sẽ giúp kết nối giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không góp phần phát triển kinh tế, xã hội cả cả vùng Đông Nam bộ.

Về hình thức đầu tư, ĐBQH Đào Hồng Lan cho rằng hình thức đầu tư đối tác công tư PPP là biện pháp hiệu quả khi nguồn vốn ngân sách còn đang khó khăn. Hình thức đầu tư này, huy động tốt ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn lực tư nhân để cùng tạo ra sức mạnh phát triển các dự án. Tuy nhiên, theo luật PPP, còn có bất cập như chi phí đầu tư PPP luôn cao hơn đầu tư công khoảng 20-25% do cho phí lãi vay, chi phí quản lý. Ngoài ra, việc đảm bảo cơ cấu nguồn đầu tư là khó khăn lớn nhất hiện nay.

Về cơ chế, chính sách đặc thù, ĐBQH Đào Hồng Lan nhất trí với cơ chế đặc thì theo đề xuất của Chính phủ. Cụ thể là cơ chế, chính sách về nguồn vốn, tổ chức thực hiện, chỉ định thầu, khai thác khoáng sản đối với đường vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh… Đồng thời nếu Quốc hội cho phép cơ chế đặc thù, cũng đề nghị Chính phủ sớm dự thảo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn điều hành để khi Nghị quyết được thông qua sẽ sớm được triển khai.

Thảo Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-in/xay-dung-5-du-an-giao-thong-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-i291318/