Xấu chàng hổ ai

Không ít lần chị muốn tung hê, vứt bỏ tất cả để tìm cho mình lối thoát.

Nhưng rồi chị lại không nỡ, chị thấy tiếc cho hạnh phúc mà mình đã vun đắp bấy lâu nay. Chị chỉ ước rằng anh đủ tỉnh táo để nhận ra gia đình đang tan nát bởi chính những cơn say không dứt.

Lại một buổi sáng, chị dắt xe ra đi làm với khuôn mặt tím bầm, những người cùng xóm thấy thế vội hỏi: “Mặt chị làm sao thế kia, tím bầm hết cả rồi. Chị đã bôi thuốc gì chưa”. Không dám nhìn vào mắt người hỏi, chị vội trả lời: “Tại em tối hôm qua không cẩn thận, ngã ở cầu thang, đập mặt vào cái lan can đấy mà”.

Ảnh minh họa.

Nói rồi, chị vội vàng lên xe phóng đi. Vừa đi chị vừa nghĩ đến trận đòn tủi nhục tối qua của chồng. Chỉ vì chị sống chết không cho anh uống rượu mà anh nỡ vác cả cái ghế phăng vào mặt chị. Còn những người trong xóm nhìn theo chị mà chua xót: “Người hiền lành như thế mà khổ quá. Ngã gì đâu, chắc anh chồng say rượu lại đánh đấy mà. Nhưng cái cô này cũng lạ ghê, không bao giờ mở lời phàn nàn một câu, cứ cam chịu như vậy”

“Xấu chàng thì hổ ai”, chị Nhàn cũng biết là những người hàng xóm lân cận không ai lạ gì chồng chị và những cơn say của anh. Bởi cứ mỗi trận say là anh lại làm cho nhà cửa rối tung lên bởi những tiếng đập phá, bởi những câu quát mắng. Rồi tiếng khóc của con, tiếng hét của chồng, dù để giữ thể diện cho gia đình, cũng để các con không xấu hổ vì bố, chị làm mọi cách cũng không thể giữ những âm thanh ấy trong bốn bức tường của mình cũng khó. Chị chỉ còn biết cố gánh hết những tủi nhục đắng cay, không phàn nàn nửa lời, cũng chỉ mong có ngày anh hiểu ra mà tỉnh lại.

Họ đến với nhau bằng tình yêu, cùng nhau xây đắp nên mái ấm này. Những năm tháng hạnh phúc trôi qua êm đềm và giản dị. Anh đường đường là một người đàn ông giỏi giang, yêu vợ, thương con. Nhưng rồi công việc không được như ý, cuộc sống có nhiều bất trắc nảy sinh, chán nản, anh mượn rượu để giải sầu. Từ chỗ uống có chừng mực đến khi mất kiểm soát, rồi thành ra nghiện bao giờ chính chị cũng không còn nhớ nữa. Bây giờ, anh có muôn vàn lý do để uống, vui cũng uống, buồn cũng uống, người anh lúc nào cũng sực nức mùi rượu. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, anh trở thành một con người bê tha và bệ rạc. Rồi rượu lấn át tâm trí, làm cho anh không còn là mình nữa, anh cũng không thiết gì đến việc làm ăn. Ma men đã khiến anh không còn xứng đáng là người đàn ông trong nhà, bổn phận của một người chồng, người cha trong gia đình anh cũng không thể làm tròn...

Vì tương lai của con, chị đã nhiều lần thủ thỉ khuyên chồng quyết tâm tránh xa rượu, bởi nó là thứ tàn phá sức khỏe khốc liệt, với hy vọng anh sẽ nhận ra sai phạm, sẽ sửa đổi để vợ chồng cùng nhau vun đắp hạnh phúc. Sau những lần như thế, anh cũng hứa, cũng sửa đổi, nhưng chỉ được dăm bữa lại chứng nào tật nấy. Anh còn tự biện minh cho mình bằng câu “tửu lượng chính là thước đo bản lĩnh, phong độ, giá trị của người đàn ông”. Chính vì vậy, những cơn say bất tận của anh đã là khởi nguồn cho bi kịch gia đình chị. Chị phải âm thầm chịu đựng sự hành hạ của anh, đứng mũi chịu sào lo toan kinh tế, tần tảo nuôi các con ăn học. Nhưng hễ cứ lúc nào không vừa ý, anh lập tức lôi chị ra đánh đập không thương tiếc, mặc cho sự can ngăn, gào thét của các con.

Từ chỗ yêu bố, kính trọng bố, những đứa con đang chấp chới giữa trẻ con và người lớn hiểu rõ rằng nguyên nhân của cái cảnh nhà không mấy hạnh phúc chính bởi do bố. Nên dù chị có lựa lời thế nào, vỗ về các con ra sao, chúng vẫn thể hiện sự sợ hãi và có những hành động phản kháng để chống lại bố, bảo vệ mẹ. Không muốn con cứ phải chứng kiến mãi cảnh cảnh không đáng ấy, những lúc chị “tức nước vỡ bờ”, dũng cảm đưa đơn ly dị để giải thoát cho mình. Nhưng rồi cái tâm của người phụ nữ lại không nỡ. Buông tay thì không khó, nhưng liệu chị buông tay rồi anh có trượt dài trên con dốc thê thảm của cuộc đời không. Cái suy nghĩ ấy cứ níu kéo chị không dứt. Chị thấy mình phải mạnh mẽ hơn nữa, kiên quyết hơn nữa, dù gì phải giúp chồng bỏ được rượu, giữ cho con cái một gia đình. Nhưng chị chỉ không biết mình phải làm gì, nên bắt đầu từ đâu.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xau-chang-ho-ai-272122.html