Xăng dầu có minh bạch?

TT - Gần đây, dư luận lại bàn về câu chuyện thị trường xăng dầu VN đã minh bạch hay chưa? Vấn đề này xuất phát từ việc lãnh đạo Bộ Công thương và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định giá xăng dầu đã minh bạch.

Tuy nhiên, sự minh bạch ở thị trường xăng dầu vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Sở dĩ tồn tại thực trạng này là do thị trường xăng dầu đang vận hành theo một nghị định đã quá lạc hậu và nhiều điểm bất hợp lý là nghị định 84.

Minh bạch ở thị trường xăng dầu không chỉ là thông tin về cách tính giá, điều hành giá, các quy định về những yếu tố cấu thành giá, quỹ bình ổn giá... như cách nói của cơ quan điều hành giá xăng dầu, mà còn cần phải công khai giá mua theo hợp đồng gốc, minh bạch lỗ - lãi của doanh nghiệp theo thực tế kinh doanh chứ không phải theo giá giao dịch trên thị trường thế giới. Ngoài ra, cần phải công khai các báo cáo giải trình chi phí kinh doanh xăng dầu, có kiểm toán xác nhận đúng - sai.

Điều quan trọng là công khai xu hướng và mức tăng giảm giá xăng dầu theo sát mức tăng giảm giá chung của thế giới. Trên thực tế, hiện nay chỉ một số ít người trong ngành xăng dầu nắm được giá xăng dầu thành phẩm vì đây là thông tin phải mua với giá rất cao.

Trong khi đó, nghị định 84 có nhiều điểm đã cản trở sự phát triển theo hướng thị trường của ngành xăng dầu. Nếu chỉ có một loại sở hữu nhà nước và không có cạnh tranh với các mức giá khác nhau thì không thể gọi là thị trường đầy đủ và đúng nghĩa. Khi người tiêu dùng không được lựa chọn người cung cấp sản phẩm tốt hơn, giá rẻ hơn thì không thể có thị trường. Do đó, sửa nghị định 84 theo hướng lâu dài cần phải tăng tính cạnh tranh. Một trong những biện pháp là tự do hóa cung cấp trước khi tự do hóa giá cả để tránh độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp.

Nghị định 84 cũng quy định doanh nghiệp được tự do quyết định tăng giảm giá trong khoảng 7%. Không nên coi như vậy là có tính thị trường và đây chính là điểm cần thay đổi khi thực hiện sửa nghị định 84.

Một điểm bất hợp lý nữa trong điều hành giá xăng dầu hiện nay là nghị định 84 chưa có quy định cụ thể nào tạo sức ép buộc doanh nghiệp giảm giá khi giá thế giới giảm. Nghĩa là cần chờ doanh nghiệp tự giác chủ động làm đơn xin giảm giá, nếu doanh nghiệp chưa giảm thì cũng chưa bị thu hồi lợi nhuận hay chưa có chế tài...

Việc sửa nghị định 84 được bàn nhiều về khoảng thời gian tính giá cơ sở theo giá nhập khẩu trung bình trong 30 ngày. Có nên rút xuống hay không? Cơ quan quản lý đưa ra cái khó là nhiệm vụ dự trữ lưu thông. Để giải quyết sự mù mờ và khó tách bạch giữa nhiệm vụ dự trữ xăng dầu quốc gia với tính chất kinh doanh của doanh nghiệp, cần tăng thu lãi từ kinh doanh xăng dầu nộp ngân sách nhà nước để có nguồn vốn đủ bảo đảm trích lập dự trữ xăng dầu quốc gia và tách biệt nhiệm vụ dự trữ này khỏi dự trữ thương mại của doanh nghiệp. Đồng thời, nên đưa quỹ bình ổn xăng dầu về Bộ Công thương để bảo đảm chỉ dùng cho hoạt động dự trữ xăng dầu quốc gia này, không để tất cả cho doanh nghiệp đảm nhận như hiện nay.

Ngoài ra, nên viết lại công thức tính giá xăng dầu cơ sở theo hướng bỏ tất cả các khoản thu thuế, phí và lợi nhuận ra khỏi giá cơ sở và buộc doanh nghiệp tăng giảm giá theo đúng giá trung bình thế giới trong khoảng thời gian quy định hợp lý nhất (từ 7-10 ngày chẳng hạn). Còn giá bán ra là giá cơ sở đó cộng với tất cả những khoản thuế, phí, lợi nhuận định mức doanh nghiệp do Bộ Tài chính quy định. Khi đó, sẽ không còn tình trạng doanh nghiệp than phải bán dưới giá cơ sở, luôn kêu lỗ. Đồng thời tính thị trường trong kinh doanh xăng dầu cũng sẽ tăng lên.

NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/527014/xang-dau-co-minh-bach.html