Xàm ngôn của kẻ tiểu nhân

'Thật khó để tổ chức một đại hội thể thao lớn giữa lúc còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 như vậy. Để làm được điều đó, Việt Nam đã cho thấy họ ở đẳng cấp cao. Tôi có trao đổi với các vận động viên và thành viên đoàn Singapore, họ cảm thấy mọi thứ đều ổn, đặc biệt là tình cảm nồng ấm, hữu nghị và thân thiện'. Đó là phát biểu của ông Tan Chuan Jin, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Singapore được tờ báo Straits Times đăng tải ngày 20-5-2022.

Đó là sự thật được đánh giá khách quan bởi những người ngoài cuộc. Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 đã diễn ra trong 17 ngày tranh tài sôi động giữa các đoàn vận động viên. Đây được coi là một kỳ SEA Games thành công, để lại dấu ấn không thể quên với các vận động viên, bạn bè quốc tế và nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, như thường lệ, cứ mỗi khi đất nước tổ chức sự kiện lớn, các thế lực thù địch lại tìm mọi cách để phát tán tin giả, thông tin bịa đặt, chống phá, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể thấy, các thế lực thù địch chống phá trước, trong và sau đại hội thể thao bằng những chiêu trò ngớ ngẩn và nực cười nhất có thể.

Cụ thể: Trước thềm SEA Games thì chúng cho rằng Việt Nam đang là tâm điểm của dịch Covid-19. Dịch đang hoành hành như vậy mà lại tổ chức đại hội thể thao, tụ tập đông người, rồi lại khổ dân… Và rồi chúng khuyến cáo đoàn thể thao các nước không nên đến Việt Nam thời điểm này. Chưa dừng lại ở đó, một số đối tượng còn cắt ghép hình ảnh băng-rôn cổ động cho SEA Games 31 bị in sai chính tả, từ đó chúng cho rằng công tác chuẩn bị của nước chủ nhà có vấn đề. Trong quá trình tổ chức SEA Games, ngoài những “mưu hèn, kế bẩn” nhằm “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết” trong công tác tổ chức, điều hành của ban tổ chức, chúng còn tranh thủ cập nhật bảng tổng sắp huy chương từng ngày của các đoàn vận động viên. Từ đó, chúng cho rằng trọng tài thiên vị các đội thể thao của đoàn chủ nhà. Sau khi SEA Games kết thúc, với sự tức tối, hằn học vì những chiêu trò đã sử dụng không có hiệu quả, với vị thế vượt trội nhất toàn đoàn, bỏ xa các đối thủ khác trên bảng xếp hạng huy chương của đoàn thể thao Việt Nam, chúng cho rằng đây là giải ao làng. Việt Nam đứng nhất toàn đoàn là nằm trong kế hoạch đã được sắp xếp từ trước. Chúng lấy thành tích của đoàn Việt Nam trong các lần tham dự Olympic để so sánh với các nước Đông Nam Á. Và tất cả luận điệu nêu trên đều đến từ những cái tên rất nổi tiếng về xuyên tạc, chống phá, thù địch Việt Nam ở nước ngoài như: tổ chức khủng bố Việt Tân, Đài Á Châu tự do (RFA), BBC tiếng Việt, Chân trời mới Media… Những tổ chức này làm việc theo kiểu một phần tử mở lời là tất cả nhao nhao hùa theo mà không cần trau chuốt, chỉnh sửa. Bởi vậy, hiệu quả thì chưa thấy đâu nhưng có khi chúng còn cắn lộn lẫn nhau.

Việt Nam hiện giờ còn dịch Covid-19 không? Dịch Covid-19 tất nhiên vẫn còn, nhưng đã được kiểm soát hoàn toàn bằng những chính sách đúng đắn, hiệu quả của Đảng, Chính phủ và sự đồng lòng của nhân dân… Hiện nay, đất nước ta đã mở cửa và thực hiện chính sách “bình thường mới” trong phòng, chống dịch Covid-19. Việt Nam hiện là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 cao nhất, được Tổ chức Y tế thế giới công nhận. Bởi thế, không thể có chuyện Việt Nam là điểm nóng về dịch Covid-19 như chúng xuyên tạc. Đối với những băng-rôn cổ động viết sai chính tả nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của nước chủ nhà về công tác tổ chức, chủ nhân của nó đã bị cơ quan công an xử lý theo pháp luật.

SEA Games 31 được tổ chức có 40 môn và 526 nội dung thi đấu diễn ra tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đến nền thể thao nước nhà, nhiều công trình, hạng mục được đầu tư, nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ tập luyện, thi đấu đạt chuẩn thế giới được các chuyên gia, bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Ở SEA Games 31, hơn 3.000 trọng tài tham gia điều hành các nội dung thi đấu. Trong số đó, Việt Nam đã mời hơn 1.000 trọng tài quốc tế để điều hành các trận đấu bảo đảm tính khách quan và đúng điều lệ. Tất cả đều nhằm mục đích nâng tầm thể thao Đông Nam Á, vì tinh thần thể thao cao thượng. Lấy một ví dụ điển hình, ở chung kết môn bơi nội dung 4x100m tiếp sức tự do nam, đầu tiên, Ban tổ chức công bố đội Singapore giành huy chương vàng (HCV), đội Malaysia giành huy chương bạc (HCB), còn đội chủ nhà Việt Nam giành huy chương đồng (HCĐ). Nhưng sau đó, tổ trọng tài đã quyết định trao HCV cho đội bơi Việt Nam do vận động viên Singapore và Malaysia xuất phát bị phạm quy, buộc phải hủy thành tích. Dưới con mắt của đội bơi và khán giả Singapore thì đây có thể là sự việc nhạy cảm. Nhưng đối với Ban tổ chức và tổ trọng tài, quyết định đó bảo đảm chính xác và công bằng. Và phán quyết đó cũng rất khách quan vì tổ trọng tài môn bơi, người đưa ra quyết định tước HCV của đội Singapore cũng là trọng tài người Singapore.

Còn nếu lấy thành tích toàn đoàn ra để so sánh với đẳng cấp Olympic thì xin thưa: Trong 205 HCV đoàn thể thao Việt Nam đoạt được, có 119 chiếc trong chương trình thi đấu Olympic. Như vậy, đoàn thể thao Việt Nam vẫn dẫn đầu. Lấy thành tích Olympic ra để so sánh hơn thua giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á thì có lẽ những cái “loa rè” kia quên vài điều: Thứ nhất, số lần tham dự Olympic của Việt Nam chưa bằng một nửa các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia hay Philippines. Thứ hai, Indonesia hay Thái Lan có thế mạnh đặc thù từ cầu lông, boxing. Năm 1992 và 1996, Olympic đưa 2 nội dung này vào thi đấu, các nước khác chưa kịp đầu tư, vì vậy 2 nước nêu trên có HCV. Thứ ba, Singapore phát triển như vậy nhưng đến năm 2016 mới có 1 HCV từ môn bơi; Philippines năm 2020 mới có 1 HCV từ môn cử tạ. Malaysia đầu tư cho tay vợt cầu lông số 1 thế giới Lee Chong Wei nhưng mãi vẫn chưa có HCV nào. Nói chung, bất cứ sự so sánh nào cũng khập khiễng. Nhưng không hiểu biết mà đem ra so sánh kiểu đó người ta gọi là “xàm ngôn của những kẻ tiểu nhân”.

Hình ảnh những lần Quốc kỳ Việt Nam tung bay kiêu hãnh trên sân thể thao, tiếng hát Quốc ca Việt Nam được đồng thanh vang lên trên các khán đài, nhà thi đấu tại SEA Games 31 đã cho thấy sự vươn lên đầy mạnh mẽ, nỗ lực của đoàn thể thao Việt Nam. Một hình ảnh Việt Nam với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, người dân hiền hòa, hiếu khách, thân thiện. Đó là minh chứng rõ ràng của một kỳ đại hội thể thao thành công cả về công tác tổ chức và chuyên môn. Đó cũng là sự khẳng định của chúng ta trước những kẻ thiếu thiện chí, xàm ngôn.

Đỗ Thành

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/134032/xam-ngon-cua-ke-tieu-nhan