Xăm hình trốn nghĩa vụ quân sự: Sửa luật để bảo đảm công bằng

Cần có quy định chế tài đối với những trường hợp xăm hình để trốn thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Mới đây, Bộ Quốc phòng có trả lời cử tri tỉnh Hà Tĩnh về kiến nghị cấm xăm hình với thanh niên trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự (NVQS).

Vào cuối năm 2022, bộ này đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa cũng với nội dung đề nghị Bộ Quốc phòng tham mưu trình Chính phủ có quy định cụ thể đối với việc một số thanh niên trong độ tuổi thực hiện Luật NVQS lợi dụng kẽ hở để xăm trổ trên cơ thể nhằm thực hiện ý đồ cá nhân trốn tránh NVQS.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về hình xăm trên cơ thể.

Xăm mình không đi NVQS là không công bằng

Anh Nguyễn Chí Tâm (ngụ tỉnh Long An) cho biết bản thân anh đã hoàn thành NVQS mấy năm nay và cảm thấy rất tự hào với khoảng thời gian trong quân ngũ. Anh cho biết khi được bước chân vào quân ngũ, anh đã dần trưởng thành hơn trong suy nghĩ và cách rèn luyện bản thân để có cuộc sống lành mạnh hơn.

Anh Tâm chia sẻ: “Bạn bè tôi, không phải ai cũng có những suy nghĩ như tôi. Tôi có những người bạn khi bắt đầu rời giảng đường đại học đã có những suy nghĩ làm cách nào để không bị gọi nhập ngũ. Dù đủ sức khỏe và trình độ nhưng lại cố tình tìm mọi cách để bị đánh rớt, không tham gia NVQS là không thể chấp nhận được. Thậm chí có những người sẵn sàng xăm mình để không trúng tuyển NVQS. Nếu vì hoàn cảnh gia đình, sức khỏe không cho phép mà miễn, hoãn nhập ngũ theo luật định thì có thể chấp nhận được. Còn những người đầy đủ điều kiện mà tìm mọi cách đối phó để không đi NVQS thì quả thật không công bằng. Theo tôi, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét sửa luật để có chế tài đối với những trường hợp này”.

Anh TMH (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết anh không kỳ thị những người xăm mình. Theo anh, đây là sở thích của từng người và luật không cấm nên người dân có quyền làm. Tuy nhiên, hành vi xăm hình để trốn tránh NVQS là một việc cần lên án và có biện pháp chế tài.

“Theo tôi, đối với những người trong độ tuổi tham gia NVQS nếu có hình xăm thì vẫn phải đi NVQS bình thường. Nhưng khi vào quân ngũ, họ sẽ không được tham gia một số hoạt động có thể gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh, lễ tiết, tác phong của người lính. Riêng đối với những người đang trong tuổi tham gia NVQS mà cố tình xăm hình kỳ dị, trái với thuần phong mỹ tục, có nội dung chống phá Nhà nước… thì không cho đi và cần phải có chế tài nghiêm khắc” - anh H nêu ý kiến.

Thanh niên TP.HCM lên đường nhập ngũ. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Xăm hình để trốn NVQS có thể bị phạt hành chính

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 148/2018 của Bộ Quốc phòng, tiêu chuẩn tuyển quân phải đảm bảo bốn tiêu chí.

Thứ nhất, về độ tuổi thì không quá 25 tuổi, trường hợp được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo, của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Thứ hai, về tiêu chuẩn chính trị thì áp dụng Thông tư liên tịch số 50/2016 của bộ trưởng Bộ Quốc phòng - bộ trưởng Bộ Công an.

Thứ ba, về tiêu chuẩn sức khỏe phải đạt loại 1, 2, 3 theo Thông tư liên tịch số 16/2016 của bộ trưởng Bộ Y tế - bộ trưởng Bộ Quốc phòng và một số tiêu chuẩn riêng của Bộ Quốc phòng ở một số vị trí đặc biệt.

Thứ tư, về tiêu chuẩn văn hóa, công dân phải có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên. Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là cấp THCS trở lên.

Cũng tại khoản 9 Điều 5 Thông tư liên tịch số 50/2016 quy định không tuyển chọn vào phục vụ trong quân đội những trường hợp trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực.

Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở vị trí lộ diện như mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên.

“Như vậy, những người có hình xăm như mô tả trên không đủ tiêu chuẩn tuyển chọn vào phục vụ trong quân đội. Ngoài ra, hiện pháp luật không cấm xăm hình” - luật sư Hoan nói.

Theo luật sư Hoan, theo quy định hiện nay, người đến tuổi gọi khám sức khỏe nhập ngũ mà có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh NVQS thì có thể bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, theo điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 120/2013 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 37/2022), phạt 15-20 triệu đồng đối với người được khám sức khỏe, có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh NVQS.

Đối với trường hợp đã có kết quả khám tuyển sức khỏe NVQS, đủ điều kiện nhập ngũ nhưng có hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ thì bị phạt tiền 40-50 triệu đồng (khoản 2 Điều 7 Nghị định 120/2013; sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 37/2022).

“Như vậy, hành vi xăm hình để trốn NVQS cũng được xem là hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ, sẽ bị phạt hành chính” - luật sư Hoan cho hay.•

Những trường hợp được miễn gọi nhập ngũ

Tại khoản 2 Điều 41 Luật NVQS có quy định những trường hợp miễn gọi nhập ngũ.

Trường hợp miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.

- Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.

- Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân.

- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên. PV

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xam-hinh-tron-nghia-vu-quan-su-sua-luat-de-bao-dam-cong-bang-post742955.html