Xách nước đêm trăng

Chuyện xách nước sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu hôm ấy, ánh trăng không sáng vằng vặc như thế!

Ðang ngủ say, tự dưng giật mình tỉnh giấc, nhìn ra khe cửa, sáng trưng! Tôi lọ mọ với tay tìm chiếc đồng hồ báo thức, mới 4 giờ sáng mà cứ tưởng đã 6, 7 giờ rồi. Không dám ngủ nữa, bước chân xuống giường nhẹ nhàng, rửa vội cái mặt cho tỉnh, tôi xách gàu ra giếng nước, bắt đầu công việc hằng ngày trước khi chuẩn bị sách vở đến trường.

Cái giếng này là giếng đào, là công sức của ba, của các cậu và hàng xóm láng giềng cùng nhau đào. Miệng giếng khá rộng, sâu tầm mấy chục thước. Có nó, cả xóm được nhờ. Ba tôi chọn cây trúc thẳng thớm vừa nắm tay và khá dài làm cây sào để xách nước, quan trọng là cái móc phải chắc và kỹ thuật lấy nước sao cho không bị rớt gàu.

Giếng làng. Ảnh minh họa: Đ.H.T

Giếng làng. Ảnh minh họa: Đ.H.T

Nhờ trăng soi đường mà những bước di chuyển của tôi dễ dàng hơn. Với tay lấy cây sào, tôi móc cái gàu vào và thả xuống giếng. Tuy lúc này, trên đầu trăng sáng như gương nhưng phía dưới giếng chỉ một màu tối om. Tất cả chỉ nhờ vào kinh nghiệm của người xách nước.

Bằng cảm giác của mình, tôi cảm nhận gàu đã chạm nước, di chuyển qua lại cái gàu, cho nước vào vừa đủ. Một chân trụ, một chân đỡ cho tay kéo cây sào lên, phải nhịp nhàng để nước không rớt ra ngoài. Một gàu rồi hai gàu nước đầy ắp! Hai tay xách hai gàu nước sóng sánh ánh trăng, tôi đi nhanh về phía lu chứa nước rồi đổ vào. Một lu nước như vậy, chừng năm lần xách, tổng cộng mười gàu là đầy. Mỗi sáng, tôi xách nước đổ đầy ba lu như vậy để cả nhà sử dụng trong ngày.

Mới đầu, giếng nước cứ để vậy, cho các nhà xung quanh, ai chưa đào được giếng cứ đến xách nước mang về xài. Khổ nỗi, do miệng giếng không được che đậy mà có lần, con heo nhà tôi sổng chuồng, lao luôn xuống giếng khiến cả xóm chật vật lắm mới đem nó lên được.

Ðó là chưa kể, mấy con gà hàng xóm rơi tõm xuống giếng, tới hồi bốc mùi lên mới biết. Dĩ nhiên, lúc đó, cái giếng bị “phong tỏa”, khử trùng cho đến khi nào hết hôi mới sử dụng lại được. Sau đó, ba tôi đi tìm mấy tấm ván về đóng nắp giếng, vừa bảo đảm an toàn cho tất cả, vừa bảo vệ nguồn nước.

Mà chuyện đâu chỉ có vậy, mấy bữa trời chưa có trăng, mà xách nước bị rớt gàu, căng mắt ra cùng với ánh đèn pin để vớt gàu là cả một câu chuyện. Chúng tôi lớn lên với cái giếng ấy, với chuyện xách nước và rớt gàu như cơm bữa. Chẳng còn những tiếng réo gọi ba đến vớt lên giùm, tự tôi có thể vớt được gàu ngay khi nó vừa rời khỏi cái móc sắt và chưa kịp chìm.

Rồi chúng tôi lớn lên. Giếng nước ngày ấy đã bị lấp tự bao giờ, thay vào đó là cái giếng khoan, cho nguồn nước mát lành hơn và an toàn hơn. Chuyện xách nước trở thành quá khứ, mà có lẽ ai đã từng trải qua mới cảm thấy nhớ.

Nhớ từng lóng cây trúc bóng lưỡng do bàn tay xách nước chà xát. Còn bàn tay thì nổi u nổi sần do chai sạn.

Và… tôi nhớ rõ ánh trăng tỏa sáng mỗi khi đến rằm. Trăng theo chân tôi xách nước, theo chân tôi và ba tôi đi thu hoạch sớm những vụ trồng trọt cho kịp chuyến chợ đầu. Trăng làm bạn với tôi, xoa dịu những vất vả mà bất cứ đứa trẻ quê nào cũng trải qua, để từ đó mà trưởng thành…

X.V

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/xach-nuoc-dem-trang-a147100.html