Xác định vật thể liên sao đầu tiên va chạm với Trái Đất

Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ (USSC) mới đây cho biết vật thể đâm xuống Papua New Guinea năm 2014 là một vật thể liên sao đầu tiên.

Vật thể liên sao là những tiểu hành tinh, sao chổi có nguồn gốc từ hệ sao khác bên ngoài Hệ Mặt Trời. Việc một vật thể liên sao xuất hiện trong Hệ Mặt Trời là điều hiếm xảy ra.

Trước đó, ông Amir Siraj và Abraham Loeb, hai nhà vật lý thiên văn tại Đại học Harvard, năm 2019 đã công bố nghiên cứu mang tính đột phá về vật thể phát nổ trên bầu trời gần đảo Manus ở Papua New Guinea vào tháng 1/2014.

Nghiên cứu năm 2019 nhận định tốc độ và đường bay của thiên thạch chứng minh vật thể có nguồn gốc ngoài Hệ Mặt Trời với xác suất 99%, theo Space.

Dù vậy, nghiên cứu này không được xuất bản trên tạp chí khoa học do một số thông tin cần thiết để xác minh các tính toán bị chính phủ Mỹ phân loại là tài liệu mật.

Đến ngày 7/4, John Shaw, Phó chỉ huy USSC, gửi thư đến ông Siraj, cho biết các nhà khoa học của cơ quan này đã xác nhận nghiên cứu năm 2019 đủ chính xác để xác nhận đây là đường bay liên sao.

“Tôi đã nghĩ rằng chúng ta sẽ không bao giờ biết được bản chất thật sự của thiên thạch này, do đó việc tôi nhận được bức thư là một khoảnh khắc đáng nhớ”, ông Siraj nói.

Trước đó, Oumuamua, được phát hiện năm 2017, là thiên thể nổi tiếng hình điếu thuốc bay nhanh đến mức giới nghiên cứu cho rằng nó là vật thể liên sao đầu tiên. Ảnh: Space.

Tuy vậy, cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn chưa chắc chắn về việc coi đây là một vật thể liên sao.

Trả lời USA Today, người phát ngôn NASA Joshua Handal nói rằng thiên thạch năm 2014 không rơi xuống đất (ở Papua New Guinea) vì nó có thể đã phát nổ khi va chạm với bầu khí quyển Trái Đất.

“Khoảng thời gian dữ liệu thu thập được ngắn hơn 5 giây, khiến việc xác định thiên thạch này là một vật thể liên sao rất khó khăn”, NASA cho biết trong tuyên bố ngày 7/4.

Hiện USSC chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của NASA.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xac-dinh-vat-the-lien-sao-dau-tien-va-cham-voi-trai-dat-post1309501.html