Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm và thời hạn tháo gỡ ngay những vướng mắc

Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Đoàn giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021', các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời yêu cầu cần tiếp tục rà soát lại các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, trong đó, phải xác định rõ trách nhiệm và thời hạn hoàn thành cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Điện sản xuất nhưng không tiêu thụ có gây lãng phí?

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, vì đây là một chuyên đề giám sát khó, phạm vi rộng, chuyên sâu, mang tính kỹ thuật, trong khi, an ninh năng lượng quốc gia là cơ sở hết sức quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của nước ta trong giai đoạn hiện nay cũng như trong giai đoạn tới.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Làm rõ hơn một số vấn đề trong Báo cáo kết quả giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Đoàn giám sát, cho biết, qua giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong giai đoạn 2016 – 2021 nổi lên một số vấn đề lớn:

Một là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng chưa thực sự đảm bảo ổn định, toàn diện, đồng bộ và thống nhất. Báo cáo kết quả giám sát đã đưa ra 22 nhóm vấn đề, trong đó, cần phải xem xét sửa đổi 21 văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất 2 bộ luật mới để điều chỉnh trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Hai là, việc triển khai quy hoạch về năng lượng đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong huy động vốn, ứng dụng, phát triển công nghệ, nguồn nhân lực và cơ chế quản lý.

Ba là, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức, các nguồn cung trong nước chưa đáp ứng yêu cầu và có nguy cơ thiếu điện trong ngắn hạn, giai đoạn 2024-2025 và cả trong dài hạn, giai đoạn 2030-2050. "Hiện cũng đã có nhiều thông tin của các nhà chuyên môn, nhà khoa học về việc chúng ta sẽ thiếu điện trong ngắn hạn nên cũng là một cảnh báo phải hết sức quan tâm", Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Bốn là, các điều kiện tiên quyết để hình thành thị trường điện lực chậm được triển khai. Chính sách giá điện, giá than, giá khí và xăng, dầu chưa hoàn thiện. Năm là, cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu, một số dự án năng lượng chậm tiến độ.

Đặc biệt, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Báo cáo kết quả giám sát đã chỉ ra những bất cập, hạn chế chính trong chính sách, pháp luật cũng như trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng, từ đó, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong ngắn hạn và trung hạn nhằm đảm bảo cung cấp năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, chuyển dịch năng lượng, thay thế dần các nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ của thế giới và giảm nhanh phát thải khí nhà kính, cũng như đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến công tác quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, chuyên đề giám sát cần đánh giá thêm về việc ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch năng lượng quốc gia), Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa qua. Bởi, đáng lẽ quy hoạch tổng thể phải ban hành trước và quy hoạch phân ngành sau, nhưng ở đây quy hoạch phân ngành trước, quy hoạch tổng thể sau. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, đánh giá về tính kết nối, liên thông giữa các phân ngành trong lĩnh vực điện và trong tổng thể của ngành năng lượng như thế nào.

Qua tiếp xúc cử tri, theo dõi dư luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, có tình trạng các dự án điện gió, điện mặt trời đã đi vào hoạt động nhưng có dự án được hưởng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ), có dự án không được hưởng, thậm chí ngay trong một dự án cũng có tình trạng một phần được hưởng giá FIT, có phần nằm ngoài không được hưởng. Cùng với đó là tình trạng điện gió, điện mặt trời sản xuất ra rồi nhưng do thiếu lưới truyền tải nên không truyền tải được, gây thừa cục bộ trong khu vực, các nhà đầu tư không bán điện được lên trên lưới.

“Đoàn giám sát cũng phải làm rõ xem nguyên nhân, trách nhiệm từ ban hành giá FIT như thế có đúng hay không? Việc hưởng giá FIT cho các doanh nghiệp này có công bằng, có đúng nguyên tắc, có đúng tiêu chí hay không? Việc điện sản xuất ra rồi nhưng không tiêu thụ, sử dụng được có gây thất thoát, lãng phí của xã hội, doanh nghiệp không?”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị.

Phải cụ thể hóa trách nhiệm

Nhấn mạnh đây là chuyên đề giám sát lớn và rộng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chuyên đề giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm và tạo ra chuyển biến gì sau giám sát, làm rõ thực trạng, làm rõ trách nhiệm, làm rõ tồn tại, hạn chế khách quan, chủ quan, những trách nhiệm trong ban hành văn bản pháp luật, thực thi chính sách và tổ chức thực hiện.

Trong các vấn đề trọng điểm, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, cần tập trung về an ninh năng lượng, trong đó quan trọng nhất là điện, xăng dầu, vì than chỉ đáp ứng nhu cầu nguyên nhiên liệu cho sản xuất điện. Và, trong điện thì tập trung đánh giá thật sâu về Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VIII.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đối với việc ban hành chính sách, pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chuyên đề giám sát cần chỉ rõ các hạn chế, tồn tại của chính sách, pháp luật để cơ quan chức năng nhận rõ vấn đề. Nếu không chỉ ra được chính sách bất cập nhất hiện hành là gì, nội dung nào là nội dung chính, không gỡ được điểm đó thì khó có thể bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như bảo đảm cân đối điện tới đây.

Đặt vấn đề trước bối cảnh nguồn cung năng lượng khó khăn hiện nay thì giải pháp trọng tâm nào cần quan tâm trước mắt, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Báo cáo kết quả giám sát cần yêu cầu Chính phủ nghiên cứu xây dựng chính sách tiết kiệm năng lượng rõ ràng hơn và đưa ra những giải pháp mạnh hơn. Theo ông, cần dùng cả các chính sách khuyến khích, dẫn dắt để tiết kiệm năng lượng, cũng như các chính sách mang tính chất "cưỡng bức", thậm chí đưa vào quy định luôn yêu cầu bắt buộc tiết kiệm.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Báo cáo kết quả giám sát cần có những đề xuất cụ thể hay đưa ra khuyến cáo Chính phủ nghiên cứu áp dụng những chính sách tiết kiệm năng lượng phù hợp. Tiết kiệm năng lượng trong cả sản xuất và tiêu dùng cần phải trở thành một quốc sách.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, cần cụ thể hóa trách nhiệm, khu trú hóa trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng vừa qua, trong đó, làm rõ trách nhiệm của Quốc hội ban hành luật thế nào, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát như thế nào, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty lớn (như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam)… "Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đều cần được nói rõ thì mới gọi là giám sát", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Qua ý kiến tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ, tiếp tục rà soát và hoàn thiện báo cáo đầy đủ, báo cáo tóm tắt, dự thảo Nghị quyết về giám sát chuyên đề này, nêu bật những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, đặc biệt là làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị, nhiệm vụ, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Trong đó, phải tiếp tục rà soát lại nhiệm vụ, giải pháp trước mắt để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc với nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm và thời hạn hoàn thành cụ thể. Đối với các nhiệm vụ, giải pháp lâu dài cần hoàn thiện để mang tầm chiến lược hơn nhằm phát triển năng lượng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/xac-dinh-ro-nhiem-vu-giai-phap-trach-nhhiem-va-thoi-han-thao-go-ngay-nhung-vuong-mac-i346194/