Xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế

Ngày nay, nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang được xem là 'mũi nhọn' trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Hợp tác đầu tư công- phát triển công nghiệp điện ảnh

Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam (15/3/1953-15/3/2023), tiền thân của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh ngày nay.

Luật Điện ảnh Việt Nam: Từ khung pháp lý đến thực thi

Chiều 14/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á.”

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đóng góp những ý kiến, đề xuất giải pháp hiệu quả, thiết thực để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh ở mỗi nước và cùng nhau tạo sự phát triển chung của điện ảnh khu vực.

Luật Điện ảnh được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên từ khung pháp lý, để luật đi vào cuộc sống cần có những cơ chế, chính sách phù hợp và hiệu quả

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam khẳng định công nghiệp điện ảnh là ngành mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa. Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà. Từ chỗ điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật, Luật đã xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, phát biểu: Nền văn hóa trong đó có nghệ thuật điện ảnh muốn phát triển và trở nên phong phú, đa sắc màu cần được xây dựng trên tinh thần vừa giữ gìn bản sắc độc đáo của dân tộc vừa cởi mở tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát huy văn hóa phong phú trong phát triển kinh tế-xã hội, coi phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng văn hóa con người Việt Nam thời kỳ mới.

Khung pháp lý đã có, nhưng để hiện thực hóa vào đời sống cần có những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp từ nhà nước để phát huy năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công - tư trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim để phát triển thị trường điện ảnh Việt và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh ngày càng lớn mạnh.

Ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, ngành công nghiệp điện ảnh của các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines… cũng được Chính phủ quan tâm và xây dựng không ít chính sách để ưu tiên phát triển. Trong khối ASEAN các nền điện ảnh ra đời trong những thời kỳ khác nhau, có lịch sử hình thành và phát triển không giống nhau, nhưng đến nay ghi nhận sự phát triển vượt trội và mạnh mẽ của nhiều nền điện ảnh. Đó không chỉ là sự trỗi dậy ở nội địa mà một số nền điện ảnh đã khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ khu vực châu Á, ghi dấu tại các Liên hoan phim uy tín của thế giới. Điện ảnh ASEAN, trong đó có Việt Nam đã và đang có các nhà hoạt động điện ảnh toàn cầu quan tâm đến bởi tiềm năng dồi dào và nhu cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Tìm nguồn đầu tư công phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia

Trong nhiều thập kỷ của thế kỷ trước, điện ảnh Việt Nam vốn được thế giới biết đến như một "nền điện ảnh chiến tranh". Điện ảnh Việt Nam là "nhân chứng" của từng giai đoạn lịch sử: Từ đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc đến thống nhất và tái thiết đất nước, rồi bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập. Đến nay cần nhìn nhận điện ảnh là một ngành, một nghề và tạo thương hiệu quốc gia.

Biên kịch, đạo diễn Phan Đăng Di, người có nhiều kinh nghiệm đưa phim Việt Nam ra thế giới, cho rằng: Việc tham gia các liên hoan phim, hội chợ phim quốc tế uy tín sẽ tạo nhiều cơ hội giới thiệu, hợp tác sản xuất phim. Nhưng hiện nay Việt Nam vẫn chưa thường xuyên tham gia các liên hoan phim, hội chợ phim quốc tế và khu vực. Đặc biệt, tại các sự kiện điện ảnh quốc tế đều chưa có gian hàng quốc gia giới thiệu về điện ảnh Việt Nam một cách chính thống và bài bản, cung cấp thông tin về tác phẩm điện ảnh Việt, các bối cảnh làm phim, điều kiện làm phim, chính sách ưu đãi trong hợp tác sản xuất phim… để các nhà làm phim nước ngoài biết đến và xúc tiến hợp tác

Đề xuất vấn đề tìm phim đạt tầm cỡ, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đỗ Duy Anh cho rằng: Cần phải mở rộng đề tài phim Nhà nước đặt hàng hằng năm. Nhất là những phim đề cập đến những vấn đề đang được xã hội quan tâm, phim vừa mang tính giải trí, vừa bảo đảm tính nhân văn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay. Bên cạnh đó, nên phát triển hệ thống rạp chiếu phim, trung tâm chiếu phim ở các địa phương dành riêng cho phim Việt Nam, phim mới sản xuất để đưa tác phẩm điện ảnh đến với đông khán giả, đồng thời, có chính sách khuyến khích phát hành phim Việt Nam tại nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng: Để triển khai hiệu quả, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng công nghiệp điện ảnh là rất cần thiết. Trong đó, việc hợp tác công tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực là vô cùng quan trọng và sẽ được các cơ quan quản lý xúc tiến, xây dựng, triển khai phù hợp.

Cũng tại hội thảo, các đại diện điện ảnh đến từ Đan Mạch, Indonesia, Thái Lan đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh của các nước ASEAN và thế giới, thu hút đầu tư quốc tế trong hoạt động điện ảnh, đào tạo và phát triển nhân lực điện ảnh, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, các quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trên thế giới.

Dương Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xac-dinh-dien-anh-cung-la-mot-nganh-cong-nghiep-mot-nganh-kinh-te-327308.html