Xác chồn 'zombie' tiếp tục ám ảnh dân Đan Mạch

Lo ngại về việc một đột biến mới của virus corona phát hiện trên chồn, chính phủ Đan Mạch đã quyết định tiêu hủy toàn bộ đàn chồn nước này, nhưng hàng loạt vấn đề nảy sinh sau đó.

Khi thủ tướng Đan Mạch thông báo rằng toàn bộ đàn chồn của nước này phải bị tiêu hủy để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, Kim Christensen nhanh chóng thực hiện quyết định.

6 giờ sáng hôm sau, người nông dân nuôi chồn 53 tuổi bắt đầu đi vào chuồng, bắt những con chồn ra, thả chúng vào một buồng kín rồi bơm khí CO vào đó.

Chistensen và nhân viên của mình đã tiêu hủy toàn bộ 23.000 con chồn ở trang trại. Ông hiểu rằng điều đó cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt hoạt động kinh doanh. Nhưng ông cũng tin rằng mình đang làm điều tốt - ngăn chặn virus tiến hóa thành chủng mới kháng vaccine.

Các chuồng nhốt chồn bị bỏ không và chất đống tại một trang trại ở Đan Mạch, sau khi chính phủ quyết định tiêu hủy toàn bộ đàn chồn. Ảnh: Bloomberg.

Những câu hỏi xuất hiện

Giả định đó giờ đây đã bị hoài nghi, và cách xử lý của chính phủ với đàn chồn đang ám ảnh giới lãnh đạo đất nước theo nhiều cách khác nhau.

Những con vật của ông Christensen nằm trong số 15 triệu con chồn đã bị tiêu hủy và chôn cất vội vàng trong những hố khổng lồ. Xác của chúng đang phân hủy và có thể trồi lên khỏi mặt đất từ những cái mộ nông này, điều mà truyền thông đang gọi là "zombie chồn". Những ngôi mộ khác cũng có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Không chỉ vậy, có tới 4.700 tấn chồn đã bị tiêu hủy nhưng "mất tích" và không được thống kê trong hồ sơ chính thức, theo các quan chức Đan Mạch.

Không chỉ vậy, hóa ra quyết định của Thủ tướng Mette Frederiksen hoàn toàn phạm pháp, vì chính phủ không có thẩm quyền ra lệnh tiêu hủy đàn chồn mà không có sự chấp thuận của quốc hội. Điều chưa rõ vào lúc này là liệu bà Frederiksen có ý thức được mình đang làm sai khi đưa ra quyết định vào lúc đó.

Thủ tướng Đan Mạch đã bật khóc và xin lỗi về "những sai lầm", nhưng vẫn tiếp tục kế hoạch tiêu hủy toàn bộ đàn chồn. Chính phủ đang cố gắng đưa ra một dự luật để hợp pháp hóa việc tiêu hủy đàn chồn, dự kiến sẽ được quốc hội thông qua vào ngày 21/12.

"Họ đang thực hiện cuộc lùi xe lớn nhất thế giới", ông Christensen nói. Cha ông thành lập trang trại này từ năm 17 tuổi, tại đoạn cuối của một con đường đất của Jylinge, thị trấn cách Copenhagen 45 km về phía tây bắc.

"Không ai muốn chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm. Chúng tôi nên gửi họ đến Thế vận hội và họ sẽ giành huy chương vàng cho Đan Mạch trong môn lùi xe. Thật là điên rồ", ông Christensen phàn nàn.

Sự thất bại của chiến dịch tiêu hủy chồn cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín chính trị của bà Frederiksen, người được ca ngợi mạnh mẽ vì những biện pháp xử lý đại dịch.

Một số chuyên gia cũng băn khoăn về bức tranh toàn cảnh, rằng liệu niềm tin vào chính phủ giảm sút sau "chiến dịch giết chồn" có làm giảm sự hiệu quả của các biện pháp chống dịch khác hay không. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Đan Mạch đã tăng gấp đôi trong vòng 2 tuần qua.

Các ý kiến chỉ trích cho rằng quyết định tiêu hủy toàn bộ chồn của chính phủ Đan Mạch là không cần thiết và gây ra sự hoảng loạn quốc tế. Câu chuyện đã nêu bật thế khó khăn của các chính phủ khi tìm cách ngăn chặn một đại dịch đã khiến hơn 1,5 triệu người tử vong trên toàn thế giới.

Nuôi chồn lấy lông là một ngành có lịch sử lâu đời ở Đan Mạch, nước hiện là nhà sản xuất khăn choàng lông thú lớn nhất thế giới.

Nuôi chồn lấy lông là ngành có lịch sử cả thế kỷ ở Đan Mạch, nơi có số chồn bằng 3 lần dân số. Ảnh: Bloomberg.

Các cuộc đấu giá thu hút người mua từ Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác. 25 triệu bộ lông chồn đã được bán từ các nhà sản xuất ở Đan Mạch trong năm 2019. Trước khi việc tiêu hủy bắt đầu, nước này có số chồn nhiều gấp 3 lần dân số.

Ngành này đã tồn tại qua hàng thập kỷ bất chấp sự sụt giảm nhu cầu lông thú, cũng như sự chỉ trích từ các nhóm bảo vệ quyền động vật, vốn cho rằng chồn bị nuôi trong điều kiện vô nhân đạo. Đó cũng là điều khiến loài này có nguy cơ lớn trong đại dịch, theo các chuyên gia.

"Chồn được nuôi với nhau trong mật độ rất cao. Chúng không thể giữ 'khoảng cách xã hội' và cũng không thể 'rửa tay'. Cái cách mà những con vật này được nuôi nhốt cũng như số lượng lớn khiến chúng là mối quan ngại đặc biệt", ông Allan Randrup Thomsen, giáo sư về virus học thực nghiệm tại Đại học Copenhagen, nhận định.

Mối nguy từ chồn bị phóng đại?

Virus corona cũng được tìm thấy trên chồn ở các trang trại tại Mỹ, Tây Ban Nha và Hà Lan - nơi đầu tiên phát hiện chủng đột biến của virus corona từ chồn trên người. Tây Ban Nha và Hà Lan cũng thực hiện tiêu hủy một phần, nhưng ít kịch tính hơn so với chiến dịch của Đan Mạch.

Tại Hà Lan, 5 đột biến của virus corona trên chồn không lây lan ra ngoài những người làm việc ở trang trại, theo ông Arjan Stegeman, nhà dịch tễ học động vật tại Đại học Utrecht, người đang nghiên cứu sự lây lan của virus tại các trang trại ở nước này.

"Chúng tôi đã thực sự xem xét rất kỹ lưỡng", ông Stegeman nói.

Nhưng ở Đan Mạch, Viện Huyết thanh Quốc gia nói rằng hàng nghìn người có thể đã nhiễm các chủng virus corona liên quan đến chồn, và ít nhất 12 người nhiễm chủng "cluster-5" được cho là sẽ kháng các loại vaccine hiện tại.

Kể từ đó, viện cho biết các đột biến "cluster-5" đã không còn lây lan sang người.

Ông Kaare Molbak, người đứng đầu sắp về hưu của viện, đã từng xuất hiện cùng Thủ tướng Mette Frederiksen để cảnh báo người dân rằng một số vùng của Đan Mạch có thể trở thành điểm khởi đầu của đại dịch mới. Mới đây, trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình nhà nước, ông thừa nhận rằng mình đã nghiêm trọng hóa vấn đề.

Ông Molbak cho rằng viện đơn giản là bị áp lực và "không có thời gian" để xem xét kỹ lưỡng dữ liệu của họ, trong bối cảnh virus corona đang lây lan nhanh chóng trong các trang trại nuôi chồn.

Tuy vậy, các chuyên gia trong đó có cả giáo sư Thomsen vẫn cho rằng việc tiêu hủy là hành động thận trọng một cách hợp lý để loại bỏ "ổ dịch" có khả năng thúc đẩy đột biến và tái nhiễm bệnh ở người, ngay cả khi những đột biến trên chồn có ít khả năng lây lan giữa người với người hơn.

Anh Povilas Kopica, một lao động thời vụ người Lithuania, xếp xác các con chồn lên kệ trước khi chúng bị đem đi tiêu hủy. Ảnh: Reuters.

Mặc dù đột biến "cluster-5" có thể ít nghiêm trọng hơn suy nghĩ ban đầu, các nhà virus học cho rằng các biến thể trên chồn có thể trở nên nguy hiểm hơn khi vaccine được phổ cập lại nhắm vào các chủng khác.

Điều đó không làm giảm bớt sự nhức nhối với các nông dân nuôi chồn, trong đó có ông Christensen.

Mắt ông ngấn lệ khi chào tạm biệt nhóm công nhân thời vụ người Latvia khi họ trở về nước sớm hồi đầu tháng 12.

"Bảo trọng! Tôi yêu các bạn", ông Christensen nói và ôm lấy họ.

Còn rất nhiều việc phải làm trong khi các khoản tiền đền bù chưa tới, ông Christensen vẫn chưa lên kế hoạch cho tương lai. Mặc dù vậy, ông tính sẽ cho thuê trang trại của mình để làm nhà kho.

Những con chồn, ông nghĩ, sẽ không bao giờ quay trở lại.

Sơn Trần

Theo Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xac-chon-zombie-tiep-tuc-am-anh-dan-dan-mach-post1165093.html