Xã Vĩnh Thới vươn mình sau hành trình xây dựng nông thôn mới

Hơn 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao, diện mạo nông thôn của xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung có sự thay đổi, chuyển dịch tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đây là kết quả của sự đoàn kết, một lòng quyết tâm xây dựng quê hương đẹp giàu của người dân và chính quyền địa phương...

Mô hình trồng quýt hồng kết hợp với du lịch cộng đồng giúp nhà vườn xã Vĩnh Thới nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị sản xuất

HOÀN CHỈNH HỆ THỐNG HẠ TẦNG, TẠO SỨC BẬT CHO NỀN KINH TẾ

Là một trong những xã khó khăn của huyện Lai Vung khi kinh tế của người dân địa phương chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp. Thế nhưng, khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, chính quyền và Nhân dân xã Vĩnh Thới có nhiều cách làm hay, sáng tạo, từ đó dần khắc phục được những khó khăn, từng bước phát triển. Sau 13 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Vĩnh Thới đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng lên hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo được rút ngắn. Theo UBND xã Vĩnh Thới, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 68,230 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã là 2,48%.

Để tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế phát triển, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa vùng nông thôn, xã Vĩnh Thới xác định giao thông là tiêu chí đột phá để thúc đẩy các tiêu chí còn lại “về đích”. Do đó, địa phương tranh thủ các nguồn lực từ tỉnh, huyện, vận động các nguồn lực xã hội, sự đóng góp của người dân để hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Gần 14 năm, xã Vĩnh Thới đầu tư 16 tuyến giao thông trọng điểm bao gồm: đường xã, đường ấp, đường liên ấp, các trục đường nội đồng với tổng chiều dài gần 26km. Các tuyến đường được đầu tư cứng hóa bằng bê tông cốt thép, mặt đường rộng rãi, đảm bảo nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện nông thôn, hệ thống thủy lợi được xã Vĩnh Thới đặc biệt quan tâm đầu tư. Đến nay, hệ thống điện trên địa bàn xã được đầu tư đồng bộ, với 24,791km đường trung thế và 42,234km đường dây hạ thế đạt chuẩn theo yêu của ngành điện, phục vụ tốt nhu cầu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.

Nhằm đảm bảo nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, hệ thống thủy lợi được xã quan tâm đầu tư. Theo đó, hiện Vĩnh Thới có 100% công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được bảo trì hằng năm, đảm bảo nhu cầu tưới tiêu và chống lũ, bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái, lúa và hoa màu của người dân.

Mô hình trồng na hoàng hậu giúp nông dân xã Vĩnh Thới tăng thu nhập

LINH HOẠT TRONG CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG

Từng được biết đến là một trong những xã có diện tích canh tác cây có múi lớn của huyện Lai Vung, tuy nhiên, vào những năm 2019 - 2020, khi dịch bệnh tấn công mạnh trên cây có múi, nhà vườn phải chịu tổn thất kinh tế khá nặng nề. Trước tình hình đó, nhiều nhà vườn xã Vĩnh Thới nhạy bén trong việc chuyển đổi sang một số loại cây trồng mới như: na hoàng hậu, mít ruột đỏ, thanh long, sầu riêng, mận... Bước đầu, các mô hình chuyển đổi trên nền diện tích cây có múi đều cho thu nhập tốt, giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững.

Là một trong những Tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả nhờ phát triển mô hình trồng na hoàng hậu theo tiêu chuẩn VietGAP, THT na hoàng hậu Vĩnh Thới, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung hiện đang là một trong những nhà cung cấp sản phẩm na hoàng hậu lớn cho thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với tổng diện tích sản xuất của THT là 12ha, trung bình đơn vị cung cấp cho thị trường trên 120 tấn na hoàng hậu/năm. Nhờ thị trường có nhu cầu lớn nên nông sản này hầu như có giá tốt quanh năm. Theo thống kê của THT, với giá bán tại vườn trung bình từ 40.000 - 45.000 đồng/kg như hiện nay, nhà vườn có doanh thu từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha.

Anh Phạm Văn Đức - Tổ Trưởng THT na hoàng hậu Vĩnh Thới, xã Vĩnh Thới, tâm sự: “Na hoàng hậu là loại cây trồng mới được nhà vườn xã Vĩnh Thới chuyển đổi từ diện tích cây có múi kém hiệu quả trước đây. Do cây trồng mới nên giai đoạn đầu, nhà vườn cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kỹ thuật trồng và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, để tháo gỡ những điểm nghẽn trong chuỗi sản xuất, bà con trong THT cùng ngồi lại để chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn... Từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản. Nhờ vậy, sản phẩm na hoàng hậu của THT được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ ổn định, kinh tế của nhiều hộ thành viên được nâng lên đáng kể”.

Ông Phạm Quan Dự - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung chia sẻ, với thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, những năm qua, Vĩnh Thới rất quan tâm đến việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững nhằm giúp nông dân địa phương nâng cao thu nhập. Hiện tại, Vĩnh Thới có trên 600ha sản xuất nông nghiệp, trong đó, diện tích canh tác cây ăn trái lên tới 550ha, với nhiều loại như: sầu riêng, mít, cây có múi, na hoàng hậu, mận... Nhằm nâng cao chất lượng cho các sản phẩm trái cây của địa phương, những năm qua, xã Vĩnh Thới phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp tỉnh, huyện triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, được cấp chứng nhận mã số vùng trồng. Hiện, xã Vĩnh Thới xây dựng 7 mã số vùng trồng các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Newzealand... với diện tích trên 200ha cho các loại cây ăn trái chủ lực của xã. Bên cạnh các giải pháp hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, địa phương cũng khuyến khích người dân khai thác chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị như: mô hình trồng quýt hồng gắn với du lịch cộng đồng, mô hình canh tác mãng cầu gắn với chế biến, mô hình THT dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp... Các mô hình trên đã góp phần giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, từ đó nâng cao tiêu chí thu nhập của người ở khu vực nông thôn...

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/xa-vinh-thoi-vuon-minh-sau-hanh-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-121695.aspx