Xã Lạc Sỹ: Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số từng bước đổi thay

Lạc Sỹ là xã vùng sâu của huyện Yên Thủy với hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống. Những năm qua, được sự hỗ trợ từ chính sách dân tộc, Lạc Sỹ đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển KT-XH. Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng ĐBDTTS.

Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lạc Sỹ (Yên Thủy) được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lạc Sỹ (Yên Thủy) được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Từ lồng ghép nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững, tình hình kinh tế của xã Lạc Sỹ có những chuyển biến tích cực, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Trong đó, CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi với mục tiêu chính là nâng cao đời sống ĐBDTTS đã hỗ trợ người dân về nhà ở, đất ở, đất sản xuất; xây dựng các mô hình sinh kế, hỗ trợ sản xuất cho hộ thuộc vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ giáo dục - đào tạo và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động...

Theo đồng chí Bùi Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Sỹ: Các chính sách dân tộc tiếp tục được triển khai trên địa bàn xã đạt những kết quả tích cực. Hạ tầng nông thôn, hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục được quan tâm, ưu tiên tập trung đầu tư, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân. Hệ thống công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nhiều chính sách đặc thù đối với miền núi, vùng ĐBDTTS đã, đang triển khai, như mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Lạc Sỹ đã tạo điều kiện rất lớn cho con em vùng sâu, vùng xa của xã được đến trường, hay chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trên địa bàn xã đã thành lập 1 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với 17 thành viên tham gia, mặt hàng sản xuất - kinh doanh chủ yếu là mật ong. Năm 2019, sản phẩm mật ong Lạc Sỹ của HTX nông nghiệp xã Lạc Sỹ được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ năm 2020 đến nay, HTX đã sản xuất, tiêu thụ 1.100 lít mật ong, tổng thu nhập 330 triệu đồng. Ngoài ra, sản phẩm lợn bản địa Lạc Sỹ được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đây là những mô hình kinh tế điển hình đang được chính quyền và Nhân dân xã Lạc Sỹ tiếp tục triển khai nhân rộng trên địa bàn nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Cùng với chăn nuôi, Lạc Sỹ tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Tổng diện tích khai thác trung bình hàng năm đạt 245 ha. Từ năm 2020 đến nay, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 29.703 triệu đồng.

Với những nỗ lực trong phát triển KT-XH, bộ mặt nông thôn xã Lạc Sỹ từng bước đổi thay, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới giảm hàng năm; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 33 triệu đồng năm 2022. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.

Phương Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/181291/xa-lac-sy-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tung-buoc-doi-thay.htm