Xả hơi sau chiến dịch

Thế là bọn tôi đã trở về Củng Sơn. Gọi là trở về vì cách đây khoảng nửa tháng, tôi và đồng đội tôi đã chiến đấu và giải phóng quận lỵ Củng Sơn này, và bạn tôi – liệt sĩ Phí Văn Minh đã hi sinh tại nơi đây.

Sau khi giải phóng Phú Yên, mọi người tưởng nhiệm vụ sẽ là theo đường 1 vượt Đèo Cả vào Nha Trang – Khánh Hòa, nhưng không, gần như ngay lập tức được lệnh bàn giao chiến trường cho địa phương, hành quân bộ ngược theo đường số 7 về Củng Sơn. Hành quân quay ngược lại Tây nguyên, khác trước là được hành quân ban ngày. Của đáng tội, gian khổ hành quân đêm quen rồi, bây giờ sướng hơn, được hành quân ban ngày lại sinh ra cái khổ, cái ngại khác. Trời nắng, cứ dọc theo sông máng mà đi, rõ là chán…

Bọn tôi được đưa trở lại đúng cái khu rừng cách đây nửa tháng chúng tôi giấu quân, trung đội thông tin vẫn cùng tiểu đoàn bộ ở ngay bìa rừng, cạnh một con suối đá, nước trong vắt, chảy xiết. Đơn vị thì tổ chức họp hành rút kinh nghiệm và bình công; cá nhân thì tắm rửa, vá quần áo và viết thư. Lạ quá, từ đầu chiến dịch, sốt rét của tôi và của mọi người hầu như biến đâu mất. Bây giờ tạm gọi là nghỉ ngơi, đề phòng nó trỗi dậy đây. Quân y nhắc mọi người uống Phòng II, Qui-nin để đề phòng. Biết thân biết phận, tôi làm một vốc cho yên tâm.

Ăn uống thì không lo đói nữa. Gạo chiến lợi phẩm vô tư. Buổi tối, các đơn vị đi săn chả ai bị nhắc, đêm nào các phân đội đều có thú rừng cải thiện. Nhiều thật: cầy, hoẵng, cheo…đủ hết. Cá nữa, 1 trái lựu đạn cả tiểu đội nhòe. Rừng hoang dã mà. Tôi cũng góp công, tôi bắn được 1 con đại bàng đất, phải đến vài cân. Hơi dai và hôi nhưng được cái chắc thịt.

Ban ngày là họp hành rút kinh nghiệm. Anh Thuyết, trung đội trưởng gần như mô tả lại từng trận đánh, nhiệm vụ đã phân công cho từng người và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Gớm, cái lão Vương Đắc Thuyết này nhớ dai thật!

Năm 2005, lúc làm NCS, có nhiều thời gian, tôi có đến thăm lại anh ấy ở Xóm Giếng, xã Cộng Hòa, Quốc Oai thì anh cho xem lại cuốn sổ tay anh vẽ lại sơ đồ tổ chức thông tin và diễn biến từng trận đánh, cả trận thắng và trận không thắng của tiểu đoàn tôi. Tôi xin anh được phô tô lại làm tài liệu viết sử và giảng dạy. Bây giờ tôi vẫn lưu giữ bản photo cuốn sổ này như một báu vật. Tổng kết chiến dịch, rút kinh nghiệm, tôi được biểu dương: “trưởng thành nhanh, dũng cảm, sáng tạo”. Trận Cheo Reo, tôi được chia thành tích bắt sống 2 thằng tù binh, thu 1 súng, 1 máy thông tin và được coi là diệt vài địch khác. Với thành tích giữ vững liên lạc trong trận đánh tăng ở Củng Sơn, kịp thời bắt liên lạc với bộ đội địa phương Phú Yên và bảo đảm thông tin vô tuyến khi bị chia cắt trong trận Đèo Cả… tôi được đề nghị tặng Bằng khen. Sau này thủ trưởng tiểu đoàn bảo, thành tích như của cậu xứng đáng đề nghị Huân chương chiến công. Nhưng lần này ta thắng to quá, ai cũng có thành tích cả. Phải nhường nhau. Thôi, chả quan trọng, chả thiết, sống mới là quan trọng. Cả trung đội tôi được đề nghị Huân chương cho cả tập thể. Thêm nữa, tôi còn được chi bộ thông báo viết lý lịch để xếp vào diện “Đối tượng Đảng”. Tôi vẫn xác định, đánh nhau không mong gì được khen, không mong gì vào Đảng, quan trọng hơn là phải giữ được mạng sống và hoàn thành nhiệm vụ. Đối với tôi, thế là quá đủ ...!.

Họp hành, cấp trên thông báo, ta đang tiến công tuyến phòng thủ Ninh Thuận – Phan Rang. Thế là chỉ còn Nam Bộ (cả miền Đông miền Tây) và thành phố Sài gòn. Ta thắng lớn quá, thông báo là loại ra khỏi vòng chiến đấu cả chục vạn quân, xóa sổ Quân khu 1, 2, quân đoàn 1, 2… và quan trọng nhất là lực lượng cơ động chiến lược của đối phương bị tiêu hao, tiêu diệt gần hết rồi (sư đoàn thủy quân lục chiến bị diệt trên Trị Thiên; Sư đoàn dù bị đánh thiệt hại nặng ở đèo Phượng Hoàng, đường 21 Khánh Hòa). Tây nguyên và toàn bộ miền Trung đã được giải phóng. Quốc hội Mỹ đã chính thức từ chối đưa quân chiến đấu Mỹ quay lại miền Nam, viện trợ quân sự nhỏ giọt và quốc hội Mỹ từ chối các khoản viện trợ…

Các đơn vị chủ lực được phổ biến: tranh thủ từng giờ từng phút, một ngày bằng hai mươi năm…Nghe thông báo khí thế quá. Ấy nhưng những lúc thế này mới chợt thấy sợ, bắt đầu thấy sợ… sắp thắng lợi rồi, liệu có cố mà sống được không? Không ai nói ra nhưng ai cũng đoán, chắc đơn vị sẽ hành quân vào tham chiến ở Nam Bộ, không lâu nữa đâu, chắc thế. Tôi tự hỏi, liệu Mỹ có quay lại không? Nếu quay lại, sẽ là tác chiến đường không hay quân chiến đấu trên bộ. Nếu cuộc chiến tranh sẽ lại kéo dài thì sao nhỉ? Với cái tư duy ấu trĩ, non nớt của mình, tôi chỉ mong sao chiến tranh chấm dứt, càng hạn chế thương vong cho cả hai bên càng tốt. Và theo linh cảm, tôi luôn hi vọng rằng, tin Mỹ sẽ không quay trở lại!

Nằm trên võng đu đưa, tôi đọc đi đọc lại gần chục cái thư mới nhận. Chủ yếu là thư viết từ cuối mùa mưa năm ngoái, ách tắc đâu đó bây giờ mới vào tới nơi. Gần nhất là có lá thư của bố tôi viết trước tết âm lịch. Mau nước mắt, tôi lén khóc thầm vì được bố báo tin vui của gia đình: em gái tôi được đi học đại học. Bố tôi phấn khởi lắm, qua ý tứ trong thư, ông mong có ngày thắng lợi để tôi được đi học đại học cho thỏa lòng mong mỏi của ông. Tôi biết, vẫn chỉ là ước mơ thôi. Vì bây giờ mới giải phóng được gần một nửa miền Nam, chắc còn nhiều hi sinh ác liệt lắm, chả biết mình có qua nổi không? Tôi vội vàng viết thư trả lời mọi người, trong thư tôi cố gắng mô tả những vùng đất tôi đã qua để bố tôi đánh dấu trên bản đồ. Ông viết trong thư là ông cập nhật hàng ngày lên bản đồ, theo dõi địa điểm nhận viết thư ở đâu… (Quả thực thế, sau giải phóng. ông cho tôi xem 1 tấm bản đồ đánh dấu tất cả những địa danh mà tôi ghi trong thư – gần đúng như nhật ký chiến đấu của đơn vị tôi trong chiến tranh - thật đúng là tình cảm mênh mông của bố mẹ).

Lục tục có lệnh để hết đồ đạc, ba lô nặng lại, hậu cần sẽ mang theo sau, gọn nhẹ sẵn sàng cơ động: ưu tiên vũ khí, máy móc, tăng võng và đồ đi trận. Đích đến xa lắm, nghe nói hành quân cơ giới. Nói ra xấu hổ, nhưng hồi đó cứ đi ô tô là tôi bị say xe. Thanh niên mà bị say xe thì có hèn không nhỉ? Nhưng kệ, còn hơn phải hành quân bộ. Chắc rồi cũng quen, hi vọng thế. Sáng nay, nhóm tiền trạm, trinh sát đã lên đường rồi, bọn tôi cũng đã sẵn sàng vào Nam bộ, chắc sẽ ngược đường 7 lên Đắc Lắc rồi dọc theo đường Hồ Chí Minh men theo biên giới Căm Pu Chia vào miền Đông, tôi đoán thế…

Trái tim người lính

CCB Giang Cao Phương

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/xa-hoi-sau-chien-dich-a18401.html