Xã hội hóa hạ tầng hàng không: 10 năm vẫn 'khó'

Sau nhiều năm bàn luận về chuyện huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng hàng không, đến nay nhà đầu tư vẫn chưa biết rõ về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các địa phương không biết đường đi để thực hiện đề án xã hội hóa.

Chưa có đường đi

Tại tọa đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không”, chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng, khó khăn vướng mắc của việc xã hội hóa hạ tầng hàng không nằm ở 4 chữ: "Chưa có đường đi". Cả nhà đầu tư và các địa phương đều chưa biết đi như thế nào, làm như thế nào để bắt tay thực hiện đề án xã hội hóa.

Dẫn chứng cụ thể là sau khoảng 10 năm bàn luận với nhiều diễn đàn, cuộc họp được tổ chức và nhiều chỉ đạo được ban hành. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có một sân bay xã hội hóa hoàn toàn theo hình thức PPP là sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), còn lại 21 sân bay do doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý và khai thác. Ngoài ra, có hai dự án nhà ga được xã hội hóa là nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng và nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh.

Theo vị chuyên gia này, những nhà đầu tư muốn đầu tư vào sân bay Vinh, sân bay Thành Sơn... đều "kêu" khó về thủ tục nên dừng lại. Hay có nhà đầu tư là doanh nghiệp bất động sản muốn đầu tư vào sân bay Phù Cát lại vừa trải qua "cơn bão" khủng hoảng nên rút lui.

Thêm vào đó, "thói quen" quy hoạch sân bay giai đoạn đầu rất nhỏ, các sân bay địa phương thường được quy hoạch ở công suất 200.000 khách/năm, lớn hơn có thể đến 500.000 khách/năm và hiện nay quy hoạch đến 1 - 1,5 triệu khách/năm. Hay việc quy hoạch dự án sân bay Thành Sơn là sân bay nội địa, nhà đầu tư không muốn tham gia, bởi đầu tư rất nhiều nhưng chỉ bay nội địa thì cầm chắc thua lỗ.

Thừa nhận những khó khăn trong quá trình triển khai xã hội hóa hạ tầng sân bay, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), cho biết, việc xã hội hóa bắt đầu nghiên cứu và thực hiện từ năm 2013, 2014.

“Đầu tư cảng hàng không mới thì không có nhiều khó khăn, vướng mắc, ví dụ như xây dựng sân bay Vân Đồn. Nhưng xã hội hóa và đầu tư lại các cảng hàng không đã có những doanh nghiệp Nhà nước rồi, thậm chí có cả các hoạt động quân sự quốc phòng, thì khó vô cùng” - ông Nguyễn Anh Dũng nhận định.

Sau khi đưa ra phân tích thực tế, ông Nguyễn Anh Dũng cho rằng, thứ nhất, xử lý vấn đề đất đai rất phức tạp. Theo Luật Đất đai, cơ chế chuyển từng phần đất đai quân sự cho hàng không dân dụng khá phức tạp. Bộ Quốc phòng dù rất ủng hộ nhưng cũng phải sắp xếp, có cơ chế bồi thường đất đai tài sản, khá nhiều việc phải làm.

Thứ hai, hạ tầng khu bay. Sau khi cổ phần hóa, tài sản kết cấu hạ tầng cảng hàng không được bàn giao cho ACV quản lý, sử dụng, khai thác theo phương thức không tính thành phần vốn Nhà nước của doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn có tài sản chung sử dụng vào mục đích khác. Trước mắt đang thí điểm giao cho ACV quản lý còn sau đó, xử lý tài sản này như thế nào vẫn chưa rõ.

"Đây là một chủ trương rất lớn, không thể một sớm một chiều làm được ngay. Không riêng gì Việt Nam, các quốc gia khác cũng vậy, đều phải có lộ trình để đi, kèm theo đó là một loạt chính sách" - ông Nguyễn Anh Dũng khẳng định.

Giải pháp gỡ vướng

Theo chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam, thế giới đã làm và có rất nhiều mô hình xã hội hóa đầu tư cảng hàng không. Với Việt Nam, cần phải xác định rõ mô hình và phải xử lý các vấn đề phát sinh của mô hình mà chúng ta lựa chọn. Đặc biệt, có 3 vấn đề cần phải làm rõ. Đó là quan hệ về đất đai; Quan hệ về hạ tầng khu bay; Xử lý tài sản của ACV hiện nay đối với các sân bay tới đây sẽ thực hiện xã hội hóa như thế nào.

Bên cạnh đó, ông Lương Hoài Nam lo ngại việc nếu các nhà đầu tư không được quyền tham vấn, không được đề xuất về quy hoạch sẽ rất khó tìm kiếm được nhà đầu tư. Từ đó, cần có cơ chế cho các nhà đầu tư có quyền tham gia đề xuất vào quy hoạch của sân bay có ý định thực hiện xã hội hóa.

Ông Lương Hoài Nam cũng lưu ý tới việc đơn giản hóa thủ tục hành chính với nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư vào hệ thống sân bay. “Với nhà đầu tư tư nhân, điều quan trọng là cần “trải thảm” về thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính phải đơn giản, mạch lạc, và không có những rủi ro cho nhà đầu tư. Nếu chúng ta làm được điều này thì sẽ tạo ra được sự đột phá. Một số nhà đầu tư trước đây đã bỏ đi rồi, nhưng nếu thủ tục đơn giản thì họ sẽ quay trở lại” - ông Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng, nhiều cơ chế, chính sách hiện nay về thu hút đầu tư còn chưa theo kịp với thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời, khiến nhà đầu tư "bó buộc" cũng như tác động đến vấn đề "hài hòa lợi ích" giữa Nhà nước, nhà đầu tư, ông Phạm Ngọc Sáu - nguyên Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn nêu quan điểm, vấn đề quan trọng nhất hiện tại là làm sao đẩy nhanh việc đầu tư vào hạ tầng sân bay.

Hạ tầng cảng hàng không hiện nay có 2 hạ tầng chính, không chỉ là các sân bay mới, sân bay hiện hữu mà cần đầu tư cơ sở hạ tầng của sân bay như nhà ga hàng hóa, nhà ga hành khách và công trình phụ trợ. "Rất nhiều công trình đó chúng ta phải tìm cách đầu tư càng sớm càng tốt. Vấn đề chính ở đây là làm thế nào để tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi, có tiếng nói giữa nhà đầu tư và Nhà nước. Hai yếu tố đó nếu “khớp” nhau được thì chúng ta sẽ giải quyết được các vấn đề đặt ra" - ông Phạm Ngọc Sáu nói.

Ngoài ra, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi (cung cấp cơ sở hạ tầng phù hợp, giảm bớt các hàng rào pháp lý...) cho các hãng hàng không và công ty vận tải. Nếu chỉ thu hút nhà đầu tư đầu tư vào sân bay mà quên mất việc tạo điều kiện cho các hãng hàng không và công ty vận tải thì hiệu quả của sân bay đó sẽ không cao. Bởi khi có sân bay, có hành khách sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho chính quyền, cho địa phương.

Đầu tư hơn 400.000 tỷ đồng phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030

Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định: nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đối với cảng hàng không mới sẽ huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư theo phương thức PPP.

Đối với cảng hàng không hiện đang khai thác: Nghiên cứu xây dựng cơ chế đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không theo phương thức PPP/nhượng quyền và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với các cảng hàng không quan trọng quốc gia, các cảng hàng không có hoạt động quân sự và các cảng hàng không khu vực biên giới, hải đảo sẽ ưu tiên sử dụng nguồn lực của Nhà nước (ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước) để đầu tư các công trình thiết yếu.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xa-hoi-hoa-ha-tang-hang-khong-10-nam-van-kho.html