Xã hội hóa đào tạo âm nhạc vẫn đang tự phát

Việc xã hội hóa việc dạy và học âm nhạc đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật của đất nước. Tuy nhiên, việc dạy và học vẫn đang tự phát.Việc xã hội hóa việc dạy và học âm nhạc đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật của đất nước. Tuy nhiên, việc dạy và học vẫn đang tự phát.Việc xã hội hóa việc dạy và học âm nhạc đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật của đất nước. Tuy nhiên, việc dạy và học vẫn đang tự phát.

Đây là nhận định của đa số đại biểu tại Hội thảo “Xã hội hóa đào tạo âm nhạc” do Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) phối hợp với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 24/8 tại Hà Nội.

Nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đào tạo âm nhạc, đại diện các trường đào tạo âm nhạc đã tham dự hội nghị.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh Hoàng Đức)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phan Đình Tân, Vụ trưởng Vụ Đào tạo cho biết: Hội thảo này góp phần đánh giá thực trạng những thuận lợi, khó khăn trong việc dạy và học âm nhạc. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp điều chỉnh, bổ sung văn bản quy định về việc xã hội hóa đào tạo âm nhạc phù hợp với tình hình thưc tế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đăng ký tổ chức dạy âm nhạc theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tổ chức dạy âm nhạc nhằm phát huy giá trị âm nhạc dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa âm nhạc thế giới, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất rằng: xã hội hóa trong đào tạo âm nhạc là xu hướng đúng và tất yếu nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia quản lý, đào tạo âm nhạc. Các đại biểu cũng chia sẻ nhiều ý kiến, kinh nghiệm cần thiết để xã hội hóa đào tạo âm nhạc đi đúng hướng, hạn chế bất cập và đem lại hiệu quả tích cực cho nền giáo dục…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phúc Linh (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đánh giá: Xã hội hóa đào tạo âm nhạc là một vấn đề đáng quan tâm trong những năm gần đây. Thành phố Hồ Chí Minh đã đi trước trong việc xã hội hóa đào tạo âm nhạc. Gần đây Hà Nội cũng đã phát triển xu hướng xã hội hóa đào tạo âm nhạc với tốc độ khá nhanh, quy mô mở rộng. Điều này xuất phát từ việc đời sống kinh tế của người dân Hà Nội đã được cải thiện nên công chúng quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần. Số lượng các trung tâm dạy nhạc ở Thủ đô đã lên tới vài chục, ngoài ra còn có đào tạo tại nhà, các trường dạy nhạc quốc tế. Những mô hình dạy nhạc này đã đạt được kết quả đáng khích lệ.

Số lượng trẻ em học nhạc, các cuộc thi ca hát, biểu diễn nhạc cụ, các tài năng nhí trong đời sống âm nhạc nước ta tăng nhanh trong những năm gần đây (ảnh minh họa hanoistar.edu.vn)

Theo nhạc sỹ Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Hiện các bậc phụ huynh ở thành phố lớn đều chịu khó đầu tư cho con học nhạc ngay từ nhỏ để con em mình được phát triển toàn diện. Nhưng khi thầy cô giáo phát hiện học sinh có năng khiếu thì gia đình không muốn cho con em theo học âm nhạc chuyên nghiệp mà chỉ học để cho biết. Các em theo học ngành âm nhạc chuyên nghiệp rất vất vả bởi quá trình khổ luyện qua các cấp học kéo dài khoảng 15 năm mới có thể ra trường. Đội ngũ giáo viên tâm huyết với nghề ngày càng giảm bởi chế độ đãi ngộ thấp. Các ngành liên quan đến âm nhạc truyền thống thực sự khủng hoảng bởi thí sinh đăng ký học giảm rõ rệt…

Số lượng trẻ em học nhạc, các cuộc thi ca hát, biểu diễn nhạc cụ, các tài năng nhí trong đời sống âm nhạc nước ta tăng nhanh trong những năm gần đây. Thế nhưng, việc xã hội hóa hiện nay vẫn đang mang tính chất tự phát, các cơ sở tự chủ tối đa từ giáo trình, giáo viên đến hình thức, phương pháp sư phạm…dẫn đến khó khăn trong đánh giá hiệu quả thực sự việc dạy âm nhạc trong cộng đồng. Do đó, các đại biểu đều cho rằng cần xem xét lại chính sách quản lý, đầu tư của Nhà nước để nền âm nhạc phát triển đúng hướng, không bị méo mó lệch lạc, đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Hoàng Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/xa-hoi-hoa-dao-tao-am-nhac-van-dang-tu-phat-207574.html