Xã Đông Hải nỗ lực mở rộng diện tích rừng

Thông tin từ Trạm Kiểm lâm xã Đông Hải, thuộc Hạt Kiểm lâm liên huyện Duyên Hải - thị xã Duyên Hải: tổng diện tích đất rừng sản xuất của xã Đông Hải 2.238ha, rừng phòng hộ 759ha. Về công tác giao rừng, xã Đông Hải (huyện Duyên Hải) có 891 hộ nhận khoán, diện tích 1.265,5ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên gần 29ha, rừng trồng gần 1.266ha, số hộ nhận giao khoán rừng đã hoàn thành hồ sơ 233/891 hộ, diện tích 777/1.265,5ha.

Mô hình trồng rừng kết hợp nuôi thủy sản của nông dân ấp Phước Thiện. Ảnh: HỮU HUỆ

Đồng chí Lữ Minh Tâm, Chủ tịch UBND xã Đông Hải cho biết: nhờ diện tích rừng sản xuất và rừng phòng hộ, cùng với rừng của nông dân trồng, duy trì rừng tự nhiên hiện hữu, đã góp phần giúp xã Đông Hải bảo vệ môi trường, phát triển nuôi thủy sản ổn định và hiệu quả.

Xã Đông Hải có diện tích tự nhiên hơn 6.178ha, có 2.922 hộ, 10.462 nhân khẩu, có 07 ấp: Đông Thành, Cồn Cù, Động Cao, Định An, Phước Thiện, Hồ Thùng, Hồ Tàu; tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 5.200ha; trong đó, diện tích đất nuôi thủy sản hơn 1.136ha.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong 08 tháng năm 2023, xã Đông Hải có 2.754 lượt hộ thả nuôi tôm sú, với 86 triệu con giống, diện tích 3.943ha. Có 521 lượt hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng, với 352 triệu con giống, diện tích 144ha; nuôi tôm thâm canh mật độ cao, có 510 lượt hộ thả nuôi, 1.086 ao, gần 348 triệu con giống, diện tích 139ha. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác, đánh bắt trong 08 tháng năm 2023 đạt 21.765 tấn, đạt 90,2% so kế hoạch năm. Đạt kết quả trên, nhờ những năm qua, Đông Hải tập trung bảo vệ, duy trì và phát triển rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng nuôi thủy sản.

Để bảo vệ rừng phòng hộ, UBND xã Đông Hải kết hợp với Trạm Kiểm lâm Đông Hải, các tổ quản lý, bảo vệ rừng, tổ kiểm lâm cộng đồng, Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Trà Vinh tổ chức tuần tra, kiểm soát 87 lượt, phát hiện 01 vụ vi phạm về hành vi phá rừng trái pháp luật, diện tích thiệt hại là 492m2. Trạm Kiểm lâm Đông Hải triển khai công tác vệ sinh thực bì rừng phi lao và vệ sinh rừng được 91/91ha, đạt 100% kế hoạch. UBND xã cùng Trưởng ban Nhân dân ấp Hồ Thùng, Phước Thiện, Hồ Tàu thường xuyên kiểm tra thẩm định sên cải tạo ao hồ theo tuyến rừng phòng hộ đối với hộ nuôi tôm. Qua đó, vận động Nhân dân ý thức bảo vệ rừng; kết hợp với Trạm Kiểm lâm thẩm định cho người dân cải tạo và tôn cao bờ bao khi vào mùa vụ mới; đồng thời, tuyên truyền giúp người dân giữ môi trường không bị ô nhiễm để duy trì vào vụ nuôi tới.

Ấp Phước Thiện là một minh chứng, toàn ấp có 315 hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng, hơn 634ha (rừng phòng hộ có 82 hộ, rừng sản xuất có 233 hộ); đã hoàn thành hồ sơ ký kết giao rừng cho 233/315 hộ, diện tích 313/634ha. Số hộ nhận giao khoán rừng đều có cuộc sống ổn định, nhờ thu nhập thủy sản tự nhiên từ rừng.

Đồng chí Trần Kiến Chúc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Hải cho biết: xã có thế mạnh nuôi tôm theo hướng hữu cơ và tự nhiên rừng - tôm, nên người dân luôn bảo vệ môi trường tự nhiên và đảm bảo lợi ích hài hòa trong bảo vệ môi trường, nhất là mô hình rừng - thủy sản. Theo đó, các cánh rừng phòng hộ xung yếu và “rừng đệm” của xã được cộng đồng gắn kết và bảo vệ môi trường sinh thái kết hợp với nuôi thủy sản, có trách nhiệm; vừa phát triển diện tích trồng mới rừng vừa nâng cao ý thức bảo vệ rừng… công tác trồng rừng hiện không chỉ được người dân nơi có rừng nêu cao ý thức, trách nhiệm mà còn đón nhận sự tham gia hưởng ứng của cả cộng đồng.

Đối với rừng - tôm, đồng chí Nguyễn Thị Kim Thi, Trưởng ban Nhân dân ấp Động Cao cho biết: từ khi có chủ trương bảo vệ rừng, trong nuôi thủy sản, khuyến khích nông dân áp dụng mô hình rừng - tôm, vừa bảo vệ môi trường, vừa an toàn trong quá trình nuôi, phù hợp với điều kiện kinh tế hộ. Qua đó, phong trào nuôi theo mô hình rừng - tôm được nông dân áp dụng hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Chủ, ngụ ấp Đông Thành, xã Đông Hải, là một trong những nông dân có kinh nghiệm với mô hình nuôi tôm gắn với rừng hiệu quả. Ông Chủ có 02ha đất nuôi thủy sản, để an toàn trong quá trình nuôi, ông quy hoạch theo nhiều hình thức nuôi: nuôi thâm canh mật độ cao, công nghiệp và thả lang trong diện tích rừng. Nhờ đó, hơn 05 năm qua, thu nhập chủ lực là nuôi theo mô hình rừng - tôm, bình quân lợi nhuận 400 triệu đồng/năm trở lên. Riêng các loại hình nuôi khác, có năm huề vốn; nuôi theo hình thức tôm - rừng tuy lợi nhuận không cao, nhưng luôn “ăn chắc”.

Với những kết quả đạt được, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Duyên Hải, xã Đông Hải đã triển khai những ấp giáp biển, phần lớn người dân được hưởng lợi từ các dự án khôi phục, phát triển rừng và đã phủ xanh đất bãi bồi ven biển, với hơn 500ha rừng ngập mặn. Nhờ đó, đã thiết lập vành đai rừng phòng hộ xung yếu ven biển, chắn sóng, bảo vệ đất sản xuất màu, dân cư và tuyến đê biển Hải - Thành - Hòa ngày càng kiên cố.

Thời gian qua, xã Đông Hải đã tích cực phối hợp cùng các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho người dân và tăng cường giám sát, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật. Xã đã triển khai đến các hộ nhận hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, xác định và nhận thức đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của người nhận giao khoán; đồng thời, góp phần cùng với chính quyền từng bước phủ xanh rừng ngập mặn, đây là một trong những giải pháp hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Thời gian tới, xã Đông Hải sẽ quyết liệt hơn nữa để hình thành thêm những vành đai rừng phòng hộ, nhằm tạo thêm sinh kế; những mô hình nuôi tôm - rừng hiệu quả, bền vững cho người dân trước diễn biến khí hậu ngày càng khắc nghiệt, khó lường…

TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/xa-dong-hai-no-luc-mo-rong-dien-tich-rung-31711.html