Xã Chi Lăng: Hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồngTin khácDoanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng vượt qua đại dịchLinh hoạt hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật

Người dân thôn Quán Bầu, xã Chi Lăng chăm sóc bưởi

– Trong hơn 5 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.

Năm 2015, toàn xã Chi Lăng có 480 ha cây ăn quả các loại, đến tháng 10/2021, diện tích cây ăn quả toàn xã đã đạt 622 ha. Nếu như trước đây, người dân chủ yếu trồng cây ăn quả, đặc biệt là na trên các sườn núi cao thì từ năm 2016, bà con đã mạnh dạn trồng cây ăn quả trên các chân ruộng một vụ, không chủ động được nước nên hiệu quả kinh tế thấp.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, nhiều hộ dân trên địa bàn đang dần phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Đơn cử như ông Phan Văn Hội, thôn Làng Ngũa, là một trong những hộ điển hình chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng na cho thu nhập cao. Ông Hội chia sẻ: Nhà tôi có một mẫu ruộng, trước đây, tôi chủ yếu trồng lúa, thời tiết nắng hạn ruộng thường xuyên bị cạn, lúc mưa nhiều, lúa bị gãy đổ nên năng suất thấp dẫn đến thu nhập kém. Năm 2016, qua tìm hiểu trên truyền hình và định hướng của UBND xã, tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng na và cam. Qua quá trình chăm sóc, cây thích nghi với khí hậu rất tốt, sau 3 năm cho thu hoạch quả. Hiện trung bình mỗi năm, tôi thu được 3 tấn na và 4 tấn cam, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng.

Cùng với ông Hội, hộ ông Lành Văn Lôi, thôn Làng Đồn cũng là điển hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao. Ông Lôi cho biết: Năm 2016, tôi bắt đầu chuyển sang trồng cây cam Vinh, cam đường Canh trên ruộng cạn và đất vườn tạp với diện tích 1,4 ha. Đây là năm thứ ba, vườn cam của ông cho thu hoạch. Năm 2020, thu nhập của gia đình đạt trên 300 triệu đồng. Theo tính toán của ông, năm nay, sản lượng thu được khoảng 27 tấn cam, giá trị thu được từ 380 đến 400 triệu đồng.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả cao. Theo thống kê của UBND xã Chi Lăng, từ năm 2016 đến nay, nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả với diện tích 144 ha. Giá trị từ cây ăn quả năm 2021 ước đạt khoảng 100 tỷ đồng (tăng 20 tỷ đồng so với năm 2015)… Nhờ vậy, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17% (năm 2016) xuống còn 1,03% (năm 2020), thu nhập bình quân đạt 49,3 triệu đồng/người/năm.

Để có được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền xã đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã định hướng tuyên truyền trực tiếp cho bà con về thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; thực hiện quy hoạch vùng sản xuất như: đối với khu vực núi đá, tiếp tục duy trì phát triển cây na, còn đối với diện tích trồng lúa một vụ, không chủ động được nước, năng suất thấp chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.

Đồng thời, năm 2016, UBND xã đã tổ chức cho 45 cán bộ xã, thôn và người dân đi tham quan học tập mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây ăn quả và xây dựng nông thôn mới tại thị trấn Kép (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) để học tập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế của xã. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã chủ động đi tham quan, học tập các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, kỹ thuật chăm sóc, ghép cành cây ăn quả tại một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Quảng Ninh… Cùng với đó, trung bình mỗi năm, UBND xã phối hợp với phòng chuyên môn của huyện tổ chức 2 lớp tuyên truyền, tập huấn cho bà con tại tất cả các thôn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, toàn xã đã có 55 ha na và 20 ha bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, dự kiến hết năm 2021, xã sẽ mở rộng thêm 75 ha cây ăn quả theo hướng VietGAP.

Ngoài ra, xã còn chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, hướng dẫn người dân vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng sản xuất. Từ năm 2016 đến tháng 10/2021, toàn xã có 447 hộ dân vay vốn với dư nợ trên 16 tỷ đồng.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền xã cùng với sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của bà con Nhân dân đã góp phần thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp các hộ dân phát triển kinh tế. Hiện nay, xã Chi Lăng là điểm đến tham quan điển hình của huyện. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm, xã đón trên 30 đoàn trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, đặc biệt là trồng na.

PHƯƠNG DUNG

TRANG NINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/460836-xa-chi-lang-hieu-qua-trong-chuyen-doi-co-cau-cay-trong.html