Xã Cầu Bà: Từng bước kéo giảm hộ nghèo

Tuy tiếp giáp với thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh), có tuyến Quốc lộ 27C nối liền hai tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng đi qua, nhưng do trình độ dân trí thấp, sinh kế của người dân chủ yếu làm nương rẫy nên xã Cầu Bà vẫn có tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao. Thời gian tới, mục tiêu của xã là từng bước đưa người dân thoát nghèo bằng những mô hình, cách làm phù hợp.

Cần sự nỗ lực của người dân

Xã Cầu Bà có 2 thôn (Đá Bàn và Đá Trắng) với 7 dân tộc chung sống là Raglai, T’rin, Ê đê, Tày, Mường, Chăm và Kinh. Nhìn chung, trình độ dân trí của người dân nơi đây còn thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, tâm lý trông chờ vẫn còn hiện hữu trong một bộ phận nhân dân. Chính vì thế, để giải quyết được bài toán giảm nghèo ở xã, yếu tố then chốt chính là sự nỗ lực, ý thức vươn lên trong cuộc sống của từng hộ dân. Hiện nay, tuy trên địa bàn xã chưa có mô hình kinh tế tiêu biểu, gương nông dân sản xuất, chăn nuôi điển hình, nhưng vẫn có những hộ gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) chăm chỉ làm ăn để tự chủ được cuộc sống.

Gia đình ông Mang Khánh (bên trái) tạo dựng được nguồn sinh kế từ hoạt động chăn nuôi bò.

Điển hình là vợ chồng ông Hà Nghiệp (dân tộc T’rin, thôn Đá Trắng). Năm 2017, từ 1 con dê ban đầu được bố mẹ cho, vợ chồng ông đã tìm được hướng làm ăn phù hợp với điều kiện gia đình. Năm 2020, khi được Nhà nước hỗ trợ 3 con dê, vợ chồng ông rất vui mừng và quyết tâm gầy dựng đàn dê. Đến nay, đàn dê đã tăng lên 23 con và trở thành nguồn sinh kế quan trọng của gia đình. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng 6 sào mì; bản thân ông Hà Nghiệp hàng ngày cũng đi làm công cho người khác. Nhờ đó, năm 2023, gia đình ông Hà Nghiệp là một trong những hộ thoát khỏi hộ nghèo. Hay gia đình ông Mang Khánh (dân tộc Raglai, thôn Đá Bàn) thuộc diện hộ cận nghèo. Từ chỗ đi đổi công nuôi bò cho gia đình khác sau thời gian được chia lại 1 con bê, đến nay, ông đã có được đàn bò 9 con với giá trị kinh tế cao. Gia đình ông đang quyết tâm để thoát nghèo trong thời gian tới.

Theo bà Mấu Thị Nay - Trưởng thôn Đá Trắng, điều kiện trong thôn rất phù hợp cho hoạt động chăn nuôi, trồng trọt của người dân. Nhiều gia đình đã biết cách làm ăn như: Nuôi dê, bò, trồng keo, điều… Trong năm 2023, những hộ thoát nghèo đều là những gia đình chăm chỉ làm ăn, biết nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Cùng quan điểm, ông Hà Khánh - Trưởng thôn Đá Bàn cho biết, điều quan trọng để giảm hộ nghèo chính là phải nâng cao nhận thức, mỗi người dân phải biết cách làm ăn, biết nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Có như vậy, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước mới phát huy hiệu quả. Chính những gia đình biết chăm chỉ làm ăn, thoát được tâm lý trông chờ là các hộ sớm thoát diện hộ nghèo trong thôn.

Cố gắng kéo giảm hộ nghèo

Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, từ đầu năm, UBND xã Cầu Bà đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo và các hội, đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, hướng dẫn các hộ dân cách làm ăn để thoát nghèo. Địa phương cũng tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; phối hợp với Phòng Dân tộc huyện triển khai các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp người dân thoát nghèo bền vững như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nguồn lực của các cơ quan, đơn vị đỡ đầu cho địa phương. Các ban, ngành, đoàn thể trong xã vận động, tuyên truyền các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững... Năm 2023, UBND xã kiên quyết chỉ đạo trong việc bình xét hộ nghèo đối với các hộ đồng bào DTTS chây lười lao động, không chịu thoát nghèo, vay vốn sử dụng không đúng mục đích.

Đầu năm 2023, toàn xã có 484/736 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 65,76%), 103/736 hộ cận nghèo (chiếm 13,99%). Kết quả sau khi rà soát cuối năm, xã còn 330 hộ nghèo (chiếm 45,02%), 98 hộ cận nghèo (chiếm 13,36%), giảm được 154 hộ nghèo (mục tiêu đặt ra từ đầu năm là giảm 90 hộ nghèo). Đây là một nỗ lực rất lớn của toàn thể hệ thống chính trị xã trong năm qua.

Theo bà Cao Thị Ngọc Thúy - Quyền Chủ tịch UBND xã Cầu Bà, thực hiện công tác giảm nghèo, địa phương đã nhận được sự quan tâm của cơ quan chuyên môn cấp trên; cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể. Qua đó, phần nào động viên các đối tượng và gia đình giảm phần khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, công tác phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nghèo chưa được thực hiện thường xuyên; một bộ phận người nghèo chưa phát huy tính tự chủ đăng ký vươn lên thoát nghèo; một số hộ còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể chưa thật sự sâu sát, linh hoạt, dẫn tới công tác đánh giá, đề ra giải pháp giảm nghèo chưa được kịp thời. Chính vì vậy, thời gian tới, bên cạnh tiếp tục vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân tự nỗ lực vươn lên, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, trong đó có chế độ chính sách hỗ trợ mô hình cây trồng, giống vật nuôi phù hợp để các hộ nghèo, hộ cận nghèo thực sự thoát nghèo một cách bền vững.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202311/xa-cau-batung-buoc-keo-giam-ho-ngheo-c74196d/