Xã Canh Nậu làm giàu từ nghề mộc truyền thống

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 35km, Canh Nậu được biết đến là một trong những làng nghề mộc truyền thống tiêu biểu ở huyện Thạch Thất, với sản phẩm đa dạng các mặt hàng nội thất gỗ như đồ thờ bằng gỗ, đồ gỗ nội thất gia đình, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, đồ giả cổ, sập gụ, tủ chè, bàn ghế gỗ phòng khách, sập thờ, tủ thờ, án gian, cửa võng, tủ - kệ tivi, bàn ăn ghế ăn, đóng tủ bếp, tủ quần áo, bàn trang điểm, giường ngủ, khung gương, khung tranh, cầu thang gỗ, cửa gỗ…

Các sản phẩm đồ gỗ của làng nghề mộc Canh Nậu chủ yếu sử dụng gỗ tự nhiên như gụ, hương, sồi, tần bì… Làm khuôn cửa cầu thang thường được sử dụng gỗ lim Lào, lim Nam Phi, gỗ gõ. Làm tủ bếp, giường, bàn trang điểm, tủ áo thường làm bằng gỗ xoan đào, óc chó, sồi Nga, sồi Mỹ, gỗ dâu, gỗ công nghiệp MDF được chế tác theo kiểu gỗ mỹ nghệ truyền thống.

Nếu như trước đây, các công đoạn từ pha gỗ, tạo phôi đến chạm khắc hoàn thiện đều chủ yếu được làm thủ công, phụ thuộc vào sức lao động chân tay thì ngày nay, các xưởng mộc trong làng Canh Nậu, đặc biệt là các chủ xưởng trẻ tuổi, đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để hỗ trợ sản xuất. Vẫn còn đó những “bàn tay nghệ nhân vàng” khéo léo nhưng đã được giải phóng khỏi các công việc nặng nhọc để tập trung vào những công đoạn hoàn thiện sản phẩm cần tới độ tinh xảo cao, tạo sự khác biệt. Những nhà xưởng mới mở rộng rãi hơn, hoạt động sản xuất được bố trí bài bản, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Khác với các làng nghề mộc truyền thống nổi tiếng như làng nghề Vạn Điểm (huyện Thường Tín, Hà Nội), làng nghề Liên Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) chuyên sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp được chạm khắc tinh xảo, làng nghề mộc Canh Nậu được biết đến hướng tới tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập ở mức trung bình với các sản phẩm thông dụng trong gia đình và văn phòng như: Giường, tủ, kệ, bàn ghế làm từ gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp… và do các cá nhân, doanh nghiệp đến đặt trực tiếp với chủ xưởng nên mỗi sản phẩm lại có nét đẹp, nét đặc trưng riêng.

Các sản phẩm đồ gỗ được sản xuất ở làng nghề mộc truyền thống Canh Nậu.

Các sản phẩm ở đây vừa đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, giá cả hợp lý lại đảm bảo chất lượng. Nhờ phát huy được nguồn nhân lực tại chỗ và các địa phương lân cận, hằng năm làng nghề đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, vừa góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình, vừa thúc đẩy nền kinh tế làng nghề phát triển bền vững.

Anh Nguyễn Văn Ngọc, 29 tuổi, chủ một xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất tại đường Đại Lợi, khu công nghiệp thôn 3 xã Canh Nậu cho biết, thu nhập bình quân của gia đình là gần 2 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, gia đình anh còn tạo việc làm cho khoảng 7-10 lao động với mức lương trung bình là 10-15 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Ngọc, xu hướng của người tiêu dùng ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Nếu như trước kia, ưu tiên hàng đầu của khách hàng khi mua hàng là giá cả sản phẩm thì giờ đây họ quan tâm hơn đến chất lượng, tính đa dụng, tính bền vững và thiết kế của sản phẩm. Vì thế, gia đình anh Ngọc nói riêng và các chủ xưởng khác trong xã nói chung không những tập trung tạo ra số lượng sản phẩm mà còn liên tục cập nhật và sáng tạo ra nhiều mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Đối tượng khách hàng của xưởng nhà anh Ngọc cũng như nhiều gia đình trong xã giờ đây không chỉ là tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập cao mà hiện tại gia đình anh tập trung hướng tới phân khúc thị trường bình dân. Với xu hướng chung cư hóa như hiện nay, những không gian nhà thiết kế hiện đại của giới trẻ cũng dẫn đến xu hướng dịch chuyển từ đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống sang các đồ nội thất hiện đại làm từ các nguyên liệu công nghiệp như gỗ công nghiệp, nhựa… cũng được ưu tiên hơn gỗ tự nhiên.

Các sản phẩm gỗ công nghiệp được sản xuất ở làng nghề mộc truyền thống Canh Nậu.

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện tại, nhiều chủ xưởng trẻ đã tích cực tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn thay đổi, đầu tư máy móc và thiết bị tân tiến để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt và mẫu mã hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Không chỉ bán hàng tại xưởng cho khách lẻ hay đổ hàng cho các mối buôn tới làng nghề, họ còn chủ động tìm đầu ra, nhận làm các công trình và mở thêm các cửa hàng ở những thành phố khác để tiêu thụ sản phẩm làm ra. Nhiều xưởng sản xuất ở xã Canh Nậu là nơi phân phối chính cho các cửa hàng đồ gỗ nội thất ở phố Đê La Thành, Minh Khai, Lê Duẩn (Hà Nội) và nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Cũng theo anh Ngọc chia sẻ, hiện nay thị trường nội thất rất đa dạng và phong phú, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các xưởng sản xuất. Điều này giúp cho khách hàng có nhiều sự chọn lựa hơn, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu đối với các nhà xưởng phải tự làm mới mình, sáng tạo hơn trong kinh doanh.

Sản phẩm được đóng gói cẩn thận trước khi vận chuyển đến khách hàng.

Khi thị trường có sự cạnh tranh cao thì các chủ xưởng cũng cần phải thay đổi để phát triển có chiều sâu hơn. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian thi công đồng thời phải tạo dựng nhiều mối quan hệ tốt hơn với các chủ đầu tư và tạo điểm nhấn riêng cho doanh nghiệp so với thị trường. Trong tương lai, các nhà xưởng đang nhắm đến việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường nhằm hạn chế sự ô nhiễm và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là xu thế mới hướng tới sự phát triển bền vững. Ngoài ra anh Ngọc cũng đang đưa ra thị trường ở các tỉnh chưa có các xưởng làm nội thất để phát triển thị trường, đưa sản phẩm đến với nhiều vùng trên cả nước.

Trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, thị trường ngày càng đặt ra những yêu cầu cao hơn đòi hỏi các thế hệ trên mảnh đất Canh Nậu cần phải nỗ lực hơn nữa để giữ lửa nghề truyền thống, áp dụng các phương pháp mới để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần khẳng định uy tín thương hiệu làng nghề mộc Canh Nậu.

Bài và ảnh: PHẠM LANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/xa-canh-nau-lam-giau-tu-nghe-moc-truyen-thong-732013