Wushu Việt Nam: Không nhanh chân, dễ tụt hậu

Giành 5 HCV tại Giải vô địch wushu thế giới năm 2023 mới kết thúc ở Mỹ có lẽ chưa phải là 'thu hoạch' duy nhất của các nhà quản lý, HLV đội tuyển wushu Việt Nam. Ở đó, còn cho thấy, nếu không đầu tư liên tục, wushu Việt Nam dễ rơi vào cảnh tụt hậu, ngay cả với những đội tuyển ở Đông Nam Á.

Dấu mốc mới

Tại Giải vô địch wushu thế giới năm 2023, với 13 VĐV tham dự, đội tuyển Việt Nam đã giành tới 5 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ và xếp vị trí Nhì toàn đoàn, sau Trung Quốc. Đây là kết quả tốt nhất từ trước đến nay của wushu Việt Nam khi tham dự các Giải vô địch thế giới. Cũng phải kể thêm, 5 HCV của đội tuyển wushu Việt Nam cùng ở nội dung biểu diễn cũng như đối kháng. Trong đó, võ sĩ Đặng Trần Phương Nhi giành 2 HCV ở nội dung biểu diễn, còn các võ sĩ Huỳnh Đỗ Đạt (70kg nam), Nguyễn Thị Lan (48kg nữ), Nguyễn Thị Thu Thủy (60kg nữ) giành HCV nội dung đối kháng. Riêng nội dung đối kháng vốn rất khó lường và ngày càng giàu tính cạnh tranh, việc các võ sĩ Việt Nam giành 3 HCV cũng được xem là thành tích ấn tượng.

Đội tuyển Việt Nam tại Giải vô địch wushu thế giới năm 2023.

Đặc biệt cả 3 võ sĩ giành HCV nội dung đối kháng cũng như Đặng Trần Phương Nhi ở nội dung biểu diễn mới ở độ tuổi trên dưới 20, còn có thể cống hiến nhiều năm cho thể thao Việt Nam trong vai trò VĐV. Đó cũng là cơ sở để các nhà quản lý, HLV đội tuyển tiếp tục mạnh dạn trẻ hóa đội tuyển. Ngay trong lần dự giải vô địch thế giới này, trong 13 VĐV của đội tuyển Việt Nam, có tới 9 VĐV sinh năm 2004. Nhiều người trong số họ được cử đi cọ xát nhưng rồi khi “cờ đến tay” thì cũng kịp “phất” để mang về thành tích tốt nhất cho wushu Việt Nam trong một kỳ giải thế giới.

Tất nhiên, người trong cuộc cũng hiểu rằng, Giải vô địch wushu thế giới có nhiều bộ huy chương hơn hẳn so với những sân chơi như ASIAD, thậm chí là SEA Games. Cũng vì thế, cơ hội giành nhiều HCV mở ra nhiều hơn cho các đoàn, trong đó có Việt Nam. Thế nên, ở phần thi biểu diễn, dù có thể giành HCV thế giới ở một nội dung nhưng cũng chưa chắc giành huy chương ở ASIAD hay SEA Games, nơi thường cộng điểm 2 nội dung để tính tổng điểm, qua đó xếp hạng chung cuộc VĐV. Vì thế, chính các HLV đội tuyển Việt Nam cũng thừa nhận, chỉ nên xem tấm HCV thế giới lần này như động lực để VĐV tiếp tục hành trình nâng cao trình độ nhằm có thể giành huy chương ở những sân chơi giàu tính cạnh tranh như ASIAD chẳng hạn.

Tất nhiên, như Phụ trách bộ môn wushu (Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Văn Trung kể thì giành tới 5 HCV tại sân chơi thế giới cũng là dấu mốc đáng kể cho các VĐV wushu Việt Nam. Từ đó, để thấy wushu Việt Nam vẫn đang có nguồn lực về con người để có thể hoàn thành những nhiệm vụ khác trong tương lai.

Những nỗi lo có thật

Giành nhiều HCV như vậy và chỉ xếp sau đoàn Trung Quốc tại Giải vô địch thế giới 2023 nhưng những nhà quản lý, HLV đội tuyển wushu Việt Nam vẫn không vơi nỗi lo. Nỗi lo bắt đầu từ yếu tố con người khi ngay ở nội dung biểu diễn cũng có khoảng trống về thế hệ kế thừa. Những Dương Thúy Vi, Hoàng Phương Giang vẫn miệt mài thi đấu ngay sau họ, cũng không có VĐV kế thừa xứng đáng và giờ đến luôn lứa của Đặng Trần Phương Nhi, người kém Dương Thúy Vi đến hơn chục tuổi. Và để chinh phục những mục tiêu ở ASIAD hay SEA Games, đương nhiên không thể mãi trông vào sự tỏa sáng, chuyên nghiệp của những VĐV kỳ cựu, trong đó có Dương Thúy Vi hay chỉ Đặng Trần Phương Nhi.

Như một HLV kỳ cựu đã tâm sự rằng, lý tưởng nhất là lúc nào cũng phải có vài VĐV cho đến chục VĐV ở trình độ như Dương Thúy Vi. Nhưng đáng tiếc, hiện tại wushu Việt Nam chưa có số lượng VĐV như vậy. Trong khi đó, dù vô địch thế giới nhưng Đặng Trần Phương Nhi vẫn cần phải hoàn thiện thêm rất nhiều để đạt sự ổn định liên tục trong các bài thi

Và từ giải vô địch thế giới, khi tiếp xúc nhiều đội tuyển khác, trong đó có các đội tuyển từ Đông Nam Á như Indonesia, Singapore, Thái Lan…, các HLV Việt Nam đều giật mình trước cách đầu tư cho VĐV wushu. “Ngay ở Đông Nam Á, đơn cử là đội tuyển Indonesia. Các võ sĩ Indonesia còn trẻ nhưng những năm vừa qua đã liên tục được đi tập huấn nước ngoài, dự các giải đấu trong hệ thống thi đấu wushu thế giới, châu lục. Đấy là điều cần thiết để các võ sĩ Indonesia có thể vươn xa trong tương lai, hoàn toàn là đối trọng của đội tuyển Việt Nam tại các sân chơi quốc tế” – HLV đội tuyển wushu Việt Nam Phan Quốc Vinh kể.

Trong khi đó, được tham dự một số giải quốc tế trong năm cũng đã là quá tốt với VĐV Viêt Nam. “Văn ôn, võ luyện”, nếu võ sĩ Việt Nam suốt ngày chỉ tập luyện trong nước và “năm thì mười họa” mới thi đấu quốc tế thì khả năng bị các đối thủ bắt kịp hoặc bỏ lại về trình độ hoàn toàn có thể xảy ra. “Chúng tôi dự định đề xuất với Ban lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, lãnh đạo Cục TDTT đầu tư cho một số VĐV trẻ đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc và chuyên dự các giải đấu quốc tế. Với các giải trong nước, trường hợp không cần thiết thì không cần để các em dự giải”, ông Phan Quốc Vinh nói.

Câu chuyện giờ lại quay về vấn đề kinh phí phục vụ tập huấn, thi đấu quốc tế của Cục TDTT cũng như các địa phương, đơn vị chủ quản của VĐV. Ngay như Hà Nội dù có kinh phí để VĐV wushu tập huấn dài hạn nhưng cơ chế hiện tại khiến việc tập huấn cả năm như từng diễn ra trong quá khứ và mang lại nhiều “quả ngọt” lại khó xảy ra. Chỉ riêng điều này cũng đã khiến nhà quản lý, các HLV phải đau đầu xử lý.

Thực tế, những người tâm huyết với môn wushu ở Hà Nội cũng tính đến phương án mở thêm sân chơi chủ yếu ở Thủ đô để các võ sĩ đối kháng có cơ hội cọ xát. Đây cũng sẽ là nơi giúp các nhà tuyển trạch lựa chọn các tài năng trẻ cho đội tuyển để đầu tư cho tương lai. Tất nhiên, muốn mở thêm sân chơi cũng phải có nguồn kinh phí xã hội hóa.

Phụ trách bộ môn wushu (Cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Văn Trung chia sẻ, nhiều quốc gia trên thế giới (đặc biệt là các đội tuyển ở khu vực châu Á) đang đầu tư mạnh mẽ cho môn wushu, từ đó có nhiều vận động viên đạt trình độ thế giới. Vì thế, nếu wushu Việt Nam không thay đổi sẽ bị tụt hậu, khó hoàn thành nhiệm vụ ngay ở 2 sân chơi quan trọng gần nhất trong thời gian tới là SEA Games 33 (năm 2025) hay ASIAD 20 (năm 2026).

Biết rõ nguy cơ tụt hậu, nhưng giải quyết như thế nào mới là vấn đề đáng bàn với các nhà quản lý, HLV wushu Việt Nam.

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/wushu-viet-nam-khong-nhanh-chan-de-tut-hau-i715451/