World Cup 2022: Xử lý ban đầu chấn thương trong bóng đá

World Cup Qatar 2022 đang diễn ra, tuy nhiên, nhiều chấn thương 'khủng' đã xảy ra. Chuyên gia y học thể thao đã chỉ nguyên nhân và cách xử lý ban đầu.

Lượt đầu tiên của vòng bảng World Cup 2022 đã khép lại với các chấn thương nặng như thủ môn Ali Beiranvand của Iran, cầu thủ Yasser Al Shahrani của Saudi Arabia bị vỡ quai hàm, phải sang Đức phẫu thuật, hậu vệ Lucas Hernandez của đội tuyển Pháp bị chấn thương dây chằng chéo đầu gối phải sau trận đấu với Australia và phải chia tay World Cup 2022 trong tiếc nuối...

Cú va chạm giữa Ali Beiranvand và đồng đội. Ảnh: Fox News.

PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc BV Thể thao Việt Nam chia sẻ về cách xử lý ban đầu các chấn thương thường gặp trong bóng đá, cụ thể:

Trật khớp: Trật khớp xảy ra khi các đầu xương khớp bị lệch ra khỏi vị trí bình thường dẫn đến mất tương quan bình thường của diện khớp. Dấu hiệu trật khớp là đau, biến dạng khớp, mất hoặc giảm vận động.

Phương pháp xử lý tại chỗ: phải tuyệt đối không vận động, không di chuyển, không cố gắng nắn bóp. Cố định khớp bằng băng hoặc bằng một tấm vải, chườm lạnh để giảm đau và di chuyển nhẹ nhàng.

Chấn thương dây chằng: Đây là chấn thương phổ biến trong bóng đá do một hoặc nhiều dây chằng bị giãn hoặc bị rách. Dấu hiệu nhận biết là cầu thủ sẽ bị đau, sưng, tím bầm, khó khăn trong cử động và di chuyển.

Khi bị chấn thương dây chằng cần hạn chế vận động và di chuyển để tránh gây thêm tổn thương. Tuyệt đối không chườm nóng, bóp dầu, bóp rượu hay thuốc sẽ làm tình trạng bong gân nặng hơn. Bắt buộc chườm đá liên tục 15 – 20 phút/lần.

Gãy xương: Gãy xương không thường xảy ra trong bóng đá. Nhưng khi bị lại rất nguy hiểm với cầu thủ. Gãy xương là tình trạng mất tính liên tục của xương, chỉ có thể là một vết rạn nứt, gãy một phần hay hoàn toàn xương. Dấu hiệu đau, sưng nề, giảm mất vận động, có thể nhìn hoặc sờ thấy.

Cần dừng hoặc hạn chế mọi hoạt động di chuyển để tránh làm tổn thương thêm. Băng nẹp cố định bằng hai tấm gỗ, hoặc bìa cứng. Di chuyển trên cáng cứng hoặc một tấm gỗ cứng, bằng phẳng.

Rách cơ: Rách cơ xảy ra khi số cơ bị rách chiếm 25-75% bó sợi. Đây là tình trạng khá nặng. Dấu hiệu là xuất hiện vết bầm do các sợi cơ bị đứt nhiều hơn. Bệnh nhân có thể nghe tiếng "bựt" hay "rắc" tại chỗ bị thương, có cảm giác đau dữ dội.

Cách khắc phục ban đầu là tuyệt đối không vận động để tránh gây tổn thương cho vùng cơ. Cần băng ép, giảm chảy máu, sưng bầm và đau.

Đứt cơ: Đứt cơ là số cơ bị rách chiếm trên 75% bó sợi. Đây là chấn thương rất nặng. Khi cơ bị đứt hoàn toàn sẽ khiến máu bầm tụ nhiều ngày sau đó, khớp sưng nhiều và trở nên lỏng lẻo.

Xử lí ban đầu tuyệt đối không di chuyển, không vận động để tránh gây thêm tổn thương cho vết thương. Chườm đá để tránh sưng. Tuyệt đối không chườm nóng. Dùng kẹp cố định, rồi đưa cầu thủ ra cơ sở điều trị.

Chấn thương não: Chấn thương sọ não ảnh hưởng đến các chức năng của não. Các tác động thường là tạm thời, nhưng có thể dẫn tới nhức đầu và nhiều vấn đề về tập trung, trí nhớ, thăng bằng, phối hợp. Chấn động thường do một cú đánh, va chạm vào đầu.

Các triệu chứng phổ biến sau chấn thương sọ não kèm theo chấn động là đau đầu, mất trí nhớ và lú lẫn. Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp phải tình trạng tiếng ong ong trong tai, buồn nôn, nôn, mệt mỏi hoặc buồn ngủ, mờ mắt, nhầm lẫn, mất phương hướng, mất trí nhớ, chóng mặt, váng đầu...

Nếu có dấu hiệu hoặc triệu chứng tổn thương não, hoặc nghi ngờ chấn thương do chấn động dù không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, bác sĩ cần đưa cầu thủ ra khỏi sân để kiểm tra chi tiết hơn bằng phương pháp chẩn đoán chấn động.

PGS.TS.BS Võ Tường Kha - GĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam. Ảnh BSCC

Bóng đá được coi là môn thể thao "vua", ở Việt Nam đây cũng là môn thể thao được ưa chuộng. PGS.TS.BS Võ Tường Kha khuyến cáo, bất kể đá bóng chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều có nguy cơ gặp phải chấn thương.

Do đó, để giảm thiểu các chấn thương có thể xảy ra, người chơi cần lưu ý khởi động kỹ khoảng 30 phút trước khi tập luyện hoặc thi đấu, đặc biệt là ở các vị trí cơ háng, hông, gân kheo, gân Achilles và đầu gối.

Hạn chế chơi bóng trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như trời mưa, mặt sân trơn trượt. Sử dụng đồ thể thao phù hợp trước khi ra sân. Không cố gắng thi đấu vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ thể, nghỉ ngơi khi có dấu hiệu đau. Nếu bị chấn thương cần xử lý kịp thời, đến các cơ sở y tế có chuyên môn để điều trị.

Thu Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/world-cup-2022-xu-ly-ban-dau-chan-thuong-trong-bong-da-169221126095239523.htm