World Cup 2022: Sắc màu văn hóa hội tụ

Trước thềm World Cup 2022, cả nước chủ nhà Qatar và Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đều khẳng định: Mọi người đều được chào đón bất kể nguồn gốc, xuất thân, tôn giáo hay quốc tịch. Điều này có nghĩa là giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh không chỉ dành cho 32 đội tuyển mà còn là ngày hội của tất cả những người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới.

Các cổ động viên Nhật Bản ở lại sân vận động Khalifa để dọn rác sau trận đấu với đội tuyển Đức.

Sau chiến thắng lịch sử 2-1 của đội tuyển Nhật Bản trước Đức, rất nhiều người hâm mộ đến từ “xứ sở mặt trời mọc” đã nán lại sân vận động Khalifa không phải để ăn mừng thêm mà là thu gom rác thải, trả khán đài về tình trạng ban đầu. Họ sử dụng hàng trăm bao màu xanh và dọn dẹp kỹ lưỡng khu vực ghế ngồi. Tại giải đấu cách đây 4 năm, một nhóm cổ động viên (CĐV) Nhật Bản cũng đã ở lại thu gom rác sau trận thua đội tuyển Bỉ 2-3. “Ở lại dọn dẹp sau một trong những chiến thắng lớn nhất của họ tại World Cup. Vô cùng nể phục những CĐV Nhật Bản này” - FIFA đã đăng trên tài khoản mạng xã hội Twitter của họ.

Hành động đẹp của các CĐV Nhật Bản là một trong những điểm nhấn góp phần tạo nên sắc màu văn hóa tại giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh. Còn trên các khán đài, sự đặc sắc về văn hóa thể hiện rõ nhất qua trang phục. Các CĐV đến từ châu Phi, Nam Mỹ, Trung Mỹ và Caribe thường diện trang phục rực rỡ, bắt mắt, với mũ lông chim đặc trưng của người Mexico; sắc màu vàng xanh truyền thống của Brazil hay nghệ thuật tô vẽ, mô phỏng trang phục của thổ dân các nước châu Phi.

Trang phục ấn tượng của các cổ động viên Ghana.

Trong số các CĐV tới từ châu Á, nổi bật nhất là những bộ đồ Kimono, Cosplay hay gấp giấy Origami của các CĐV Nhật Bản. Các CĐV châu Á dù ít màu sắc rực rỡ nhưng cũng không khó để nhận ra qua những bộ trang phục hay mũ theo màu của quốc kỳ. Là quốc gia Hồi giáo, nước chủ nhà Qatar có những quy định tương đối khắt khe về trang phục, nhất là đối với phụ nữ, nhưng các CĐV vẫn luôn biết cách vừa tuân thủ quy định vừa sáng tạo những nét khác biệt, độc đáo.

Không chỉ trên các khán đài, Qatar cũng tạo nên những không gian văn hóa độc đáo để người hâm mộ trải nghiệm. Làng văn hóa Katara tại thủ đô Doha là một trong những địa điểm như vậy. Đây được coi là nơi kết nối mọi người thuộc mọi quốc gia, dân tộc thông qua văn hóa, nghệ thuật và di sản, với các sự kiện được tổ chức liên tục từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Đáng chú ý là trưng bày triển lãm hơn 340 con tem đến từ tất cả các quốc gia và khu vực tham dự Giải vô địch bóng đá thế giới kể từ năm 1930; giới thiệu một số hiện vật quý hiếm và đặc biệt của World Cup. Bộ sưu tập gồm phiên bản đầu tiên huy chương chính thức của World Cup, nhiều kỷ vật bằng vàng, bản in và quần áo được lưu giữ trong các giải đấu từ năm 1930 cho đến những năm 1970. Cùng với đó là triển lãm gốm sứ với 18 tác phẩm của các nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới…

Các cổ động viên của "cơn lốc màu da cam" Hà Lan.

World Cup 2022 cũng ghi nhận những kỷ lục thú vị của các CĐV. Đó là ông Héctor Chávez (Mexico) đã xem trực tiếp 10 kỳ World Cup liên tiếp và gần như xuất hiện ở mọi trận đấu của đội tuyển quốc gia; ông Pablo Garcia (Italia) mất 4 tháng để đi quãng đường 5.500km bằng xe đạp từ quê nhà tới Qatar… Tất cả thể hiện tình yêu bóng đá mãnh liệt và góp phần tạo nên một giải đấu bóng đá đầy sắc màu văn hóa.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/the-thao/202212/world-cup-2022-sac-mau-van-hoa-hoi-tu-b045f26/