WHO khẳng định đã báo động cao nhất về dịch COVID-19 từ đầu năm 2020

Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Maria Van Kerkhove trong cuộc họp báo về dịch COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 6/4/2020 - Ảnh: AFP/TTXVN

Gần một năm kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chính thức được tuyên bố là một "đại dịch toàn cầu", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8/3 xác nhận tổ chức này đã "báo động ở mức cao nhất" để kêu gọi hành động từ tất các nước trên thế giới ngay từ đầu năm 2020.

Trong một cuộc họp báo ngắn ngày 8/3, khi được hỏi liệu WHO lẽ ra nên dùng từ "đại dịch" sớm hơn hay không, bà Maria Van Kerkhove, phụ trách kỹ thuật của WHO trong ván đề dịch COVID-19, nói rằng WHO đã ra thông báo "Một vấn đề y tế công khẩn cấp gây lo ngại quốc tế" ngay từ ngày 30/1 năm ngoái. Bà Maria cho rằng thông báo trên thực chất là sự báo động mức cao nhất, hay "mức độ cao nhất mà WHO có thể thực hiện theo luật quốc tế”.

Vào ngày 30/1/2020, WHO đã tuyên bố sự bùng phát dịch bệnh, sau đó được gọi là COVID-19, là vấn đề y tế công khẩn cấp gây lo ngại quốc tế sau hai ngày thảo luận bởi một nhóm chuyên gia quốc tế.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình các vấn đề y tế khẩn cấp của WHO, nói rằng mức độ hành động cũng là "cao nhất có thể" theo thỏa thuận chung giữa các nước thành viên WHO.

Ông cũng cho biết thêm rằng có một thỏa thuận pháp lý chính thức giữa 194 nước thành viên WHO, được nhất trí năm 2005, rằng các nước có thể thỏa thuận với nhau thế nào là mức độ báo động cao nhất về các vấn đề y tế khẩn cấp để đưa ra hành động tập thể ứng phó với đại dịch.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 8/3 cảnh báo EU có thể có thêm những biện pháp cứng rắn liên quan đến việc cấm xuất khẩu vắcxin phòng COVID-19 sau khi Italy chặn lô hàng vận chuyển vắcxin tới Úc hồi tuần trước.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trả lời phỏng vấn tạp chí Tuần Kinh tế (WIWO) của Đức, Chủ tịch EC von der Leyen đã lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích hãng dược phẩm AstraZeneca, đồng thời bảo vệ cho lệnh cấm xuất khẩu vắcxin của EU. Bà nêu rõ: "EU sẽ không tiếp tục là vật tế thần nữa. Trong thời gian từ tháng 12/2020-3/2021, AstraZeneca mới chỉ bàn giao cho EU dưới 10% lượng hàng đã đặt”.

Theo bà, do AstraZeneca chậm tiến độ giao hàng nên hồi tháng 1/2021, EC đã thông qua cơ chế xuất khẩu minh bạch, theo đó, các công ty phải đăng ký xuất khẩu vắcxin sang các nước thứ 3 và phải được các quốc gia thành viên chấp thuận cùng với sự tham vấn EU.

Cơ chế xuất khẩu của EU đã gây tranh cãi trong khối, do nhiều ý kiến lo ngại điều này có thể ảnh hưởng tới vấn đề tự do thương mại của EU. Tuy nhiên, theo Chủ tịch EC, cơ hội xuất khẩu sẽ rộng mở nếu các công ty giữ đúng hợp đồng đã ký kết.

Bà cho biết 95% đơn hàng xuất khẩu cho đến nay thuộc về sản phẩm của BioNTech/Pfizer, loại vắcxin sản xuất tại châu Âu vốn đã được chuyển tới hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Về lý do chậm trễ trong việc giao vắcxin cho EU, theo Chủ tịch EC, AstraZeneca đã không sản xuất đủ vắcxin trước khi được phê duyệt như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Bà cũng thừa nhận châu Âu chưa quan tâm đầy đủ tới việc xây dựng các cơ sở sản xuất và đánh giá thấp quy trình sản xuất. Bà cũng cho rằng để đẩy nhanh việc phê duyệt vắcxin, EC sẽ phải rút ngắn quy trình theo cơ chế phê duyệt khẩn cấp, song đây sẽ là tiến trình phức tạp liên quan tới pháp lý.

Trong khi đó, các nhà sản xuất vắcxin khác đang nỗ lực để có thể cung cấp vắcxin cho EU. Theo Chủ tịch EC, sau giai đoạn trục trặc ban đầu, các công ty BioNTech và Pfizer đã có quy trình sản xuất ổn định và đang nỗ lực để đạt mục tiêu giao hàng trong quý I/2021 cho EU.

Bà von der Leyen cũng bày tỏ kỳ vọng EU có thể nhận được 100 triệu liều mỗi tháng từ tháng Tư tới, với tổng cộng khoảng 300 triệu liều vào cuối tháng Sáu, khi năng lực sản xuất của các công ty được nâng cao cũng như việc có thêm vắcxin được EU cấp phép sử dụng.

Theo các số liệu chính thức, EU với số dân khoảng 446 triệu người đến nay đã nhận được tổng cộng 51,5 triệu liều vắcxin. Hiện có 3 loại vắcxin đã được EU cấp phép sử dụng, gồm vắcxin của BioNTech/Pfizer, AstraZeneca và Moderna.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Hà Lan sẽ tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa và giới nghiêm.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 8/3, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo nước này sẽ kéo dài lệnh phong tỏa và giới nghiêm thêm 2 tuần cho đến cuối tháng 3 này và chỉ khi số ca lây nhiễm giảm, Hà Lan mới có thể tính tới việc nới lỏng đáng kể.

Ông Rutte cũng cho biết kể từ ngày 16/3 tới, Hà Lan sẽ dần nới lỏng một số hạn chế, trong đó các cửa hàng đáp ứng một số điều kiện nhất định có thể tiếp nhận tối đa 50 khách.

Vào dịp lễ Phục sinh, các quán càphê và nhà hàng có thể mở cửa khu vực ngoài trời. Thủ tướng Rutte cũng khuyến cáo người dân Hà Lan nên hạn chế đi du lịch nước ngoài ít nhất cho tới ngày 15/4.

Trong khi đó, Áo đã lần đầu tiên phong tỏa cả một thành phố lớn do số ca nhiễm mới COVID-19 tăng mạnh. Thành phố lớn bị phong tỏa là Wiener Neustadt ở bang Niederösterreich. Theo đó, kể từ ngày 9/3, ai muốn ra khỏi thành phố với 45.000 dân này bắt buộc phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Giới chức TP Wiener Neustadt, cách thủ đô Vienna khoảng 50km về phía nam, cho biết các biện pháp trừng phạt những người cố tình rời khỏi thành phố mà không có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được bắt đầu thực hiện từ ngày 13/3 tới.

Khoảng 300 binh sĩ được đề nghị triển khai giám sát các quy định này. Việc kiểm soát được thực hiện cho tới khi chỉ số lây nhiễm giảm xuống dưới 200. Hiện chỉ số 7 ngày/100.000 dân ở Wiener Neustadt lên tới 563, trong khi theo quy định, nếu chỉ số vượt quá 400 sẽ phải áp đặt những hạn chế đi lại.

Sau nhiều lần phong tỏa không mấy hiệu quả, Áo đã thay đổi chiến lược phòng dịch, theo đó sẽ mở cửa trở lại quy mô lớn với điều khiện các khu vực có số ca lây nhiễm cao phải chịu phong tỏa, cô lập. Chỉ số lây nhiễm 7 ngày/100.000 dân ở Áo hiện là 185,2.

Sau một năm vật lộn với đại dịch, nước Mỹ lần đầu tiên cán mốc tích cực với số người được tiêm chủng đã vượt qua số người bị nhiễm COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại New York, số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 8/3/2021 ghi nhận 31 triệu người Mỹ đã được tiêm vắcxin của một trong hai hãng Pfizer và Moderna.

Cũng theo dự báo, số người Mỹ được chủng trong thời gian tới sẽ tăng rất nhanh với sự góp mặt của vắcxin Johnson & Johnson. Tính tới thời điểm này, số người Mỹ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 là khoảng 28 triệu người.

Trao đổi với Newsweek, Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm của Mỹ khuyến cáo rằng dù đã đạt được thành tựu như vậy nhưng đây chưa phải là lúc nước Mỹ có thể nới lỏng các biện pháp phòng ngừa cộng đồng bởi giữ được số ca nhiễm ở mức thấp sẽ là mấu chốt giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Các loại vắcxin hiện nay có thể bảo vệ con người tránh được tình trạng bệnh nặng khi nhiễm COVID-19 đồng thời hạn chế lây lan virus cho người khác mà chưa được tiêm phòng.

Tuy nhiên, giới khoa học cũng chưa thể biết rõ mức độ gây lây nhiễm virus của những người đã được tiêm sẽ như thế nào cho nên vẫn khuyến cáo những người đã tiêm vắcxin cũng không nên quá thoải mái tham gia các cuộc tụ họp đông người.

Theo kế hoạch, nước Mỹ sẽ tiêm xong cho khoảng 70-85% người dân vào cuối mùa Hè này hoặc đầu Thu, thế nhưng Tiến sĩ Fauci cũng cảnh báo nước Mỹ có thể lại phải đối mặt với một làn sóng gia tăng nhiễm nữa.

Ông khuyến cáo nước Mỹ nên nới lỏng các biện pháp hạn chế từ từ và tuyệt đối không nên dừng đeo khẩu trang; đồng thời cho rằng quyết định của thống đốc bang Texas và Mississippi bãi bỏ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang là "không thể hiểu được”.

Theo số liệu mới nhất, nước Mỹ có 682 người tử vong và 40.336 ca nhiễm mới trong ngày 7/3. Một tuần vừa qua số ca nhiễm mới ở mức gần 60.000 ca mỗi ngày, giảm khoảng 12% so với 2 tuần trước đó.

Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra hướng dẫn mới, theo đó những người đã được tiêm phòng COVID-19 đủ liều có thể được tụ tập trong nhà cùng với những người khác cũng đã được tiêm phòng mà không cần phải đeo khẩu trang.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn thông báo của Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết, những người đã được tiêm chủng đầy đủ cũng có thể gặp những người chưa được tiêm phòng ở một hộ gia đình khác ở trong nhà mà không cần đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách nếu những người đó không có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng.

Những người đã được tiêm phòng đầy đủ mà tiếp xúc với người mắc COVID-19 cũng sẽ không cần phải làm xét nghiệm hoặc cách ly, trừ khi họ xuất hiện các triệu chứng hay sống trong một môi trường đông đúc như viện dưỡng lão hoặc cơ sở cải tạo.

Tuy nhiên, CDC tiếp tục khuyến cáo những người đã được tiêm chủng đầy đủ đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội ở nơi công cộng hoặc trong các cuộc tụ họp trong nhà có sự tham gia của nhiều người từ nhiều hộ gia đình.

Hướng dẫn mới không áp dụng cho các cuộc họp với những người có các bệnh lý tiềm ẩn khiến họ có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng hơn. Cơ quan y tế này cũng tiếp tục khuyến cáo người dân không nên tham dự các cuộc tụ họp đông người và không nên đi du lịch trong nước hoặc nước ngoài.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 2 giờ sáng 9/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận tổng cộng 29.704.563 ca mắc COVID-19, trong đó có 537.976 trường hợp tử vong và 13.112 người đang nguy kịch. Đến nay, nước này đã có 20.337.959 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 8/3 nhận định nền kinh tế Mỹ khó có thể tăng trưởng “quá nóng” trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, đồng thời khẳng định có đủ công cụ để điều chỉnh tăng trưởng của nền kinh tế.

Trả lời câu hỏi trong một cuộc phỏng vấn về khả năng nền kinh tế trở nên “quá nóng” trong môi trường lạm phát và tỉ lệ lãi suất cao, bà Janet nhấn mạnh: “Tôi thực sự không nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra. Chúng tôi không mong đợi mức lạm phát không mong muốn”.

Theo bà Yellen, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi theo hình chữ K với một phân khúc bắt đầu phục hồi sau suy thoái do đóng cửa, trong khi phân khúc khác lại tiếp tục giảm. Sự phục hồi hình chữ K đã tồn tại trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, tuy nhiên hiện nay nó tồi tệ hơn.

Ngoài ra, bà Yellen cũng phản bác quan điểm cho rằng dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỉ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất, được Thượng viện thông qua và sẽ trở thành luật, là quá lớn để nền kinh tế có thể hấp thụ mà không bị phát triển quá nóng.

Bà cho rằng gói cứu trợ là cần thiết để vực dậy nền kinh tế trở lại như trước khi đại dịch xảy ra. Trong trường hợp nó gây ra lạm phát thì sẽ có những công cụ để giải quyết và vấn đề đó sẽ được giám sát chặt chẽ.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, tối 8/3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra thông điệp khẩn về tình hình dịch COVID-19 lây lan nghiêm trọng tại Campuchia, theo đó toàn bộ các cuộc tụ tập đông người phải bị hủy bỏ.

Trong thông điệp bằng âm thanh gửi qua các phương tiện truyền thông, Thủ tướng Hun Sen cho biết tới 9 giờ tối 8/3 đã phát hiện gần 50 ca nhiễm COVID-19. Những trường hợp mới phát hiện ở thủ đô Phnom Penh, Sihanoukville, Kandal và Prey Veng.

Ông nhấn mạnh, đây chưa phải là kết quả cuối cùng vì cơ quan chức năng vẫn đang kiểm tra các mẫu xét nghiệm. Trong số những người lây nhiễm này có cả cảnh sát, công chức và một số nghệ sĩ.

Người đứng đầu chính phủ Campuchia kêu gọi ngừng toàn bộ các cuộc tụ tập đông người không cần thiết. Ông cũng chỉ đạo các bộ, ban ngành và cơ quan Campuchia ngừng làm việc, hoặc giảm 90% số nhân viên làm việc trong vòng 7 ngày; các doanh nghiệp tư nhân cần giảm số người làm việc hoặc làm việc từ nhà; người dân nên ở trong nhà, nếu ra ngoài phải mang khẩu trang.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253102/who-khang-dinh-da-bao-dong-cao-nhat-ve-dich-covid-19-tu-dau-nam-2020.html