WHO: Biến thể Delta đe dọa những thành tựu chống dịch của thế giới

Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Bandung, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/7 cảnh báo thế giới đang đối mặt với nguy cơ đánh mất những thành tựu rất khó khăn mới giành được trong cuộc chiến chống COVID-19 do sự lây lan của biến thể Delta, nhưng khẳng định các loại vắc xin do WHO phê duyệt vẫn hiệu quả đối với dịch bệnh.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu, số ca mắc COVID-19 đã tăng 80% trong 4 tuần qua tại hầu hết các khu vực trên thế giới. Số ca tử vong tại châu Phi - nơi mới có 1,5% dân số được tiêm ngừa - đã tăng 80% trong cùng giai đoạn. Ông Tedros nói: “Các thành tựu khó khăn đang bị đe dọa hoặc đã bị mất, hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang bị quá tải”.

WHO cho biết biến thể Delta đã được phát hiện tại 132 quốc gia, trở thành chủng virus SARS-CoV-2 phổ biến trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, các vắc xin được cơ quan này phê duyệt vẫn tạo ra “sự bảo vệ đáng kể đối với khả năng bệnh trở nặng hoặc phải nhập viện do tất cả các biến thể gây ra, kể cả biến thể Delta”.

Chuyên gia của WHO về COVID-19, bà Maria van Kerkhove, cho biết biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với các biến thể đầu tiên của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Trung Quốc cuối năm 2019.

Chuyên gia này cũng lưu ý một số nước đã ghi nhận tỉ lệ nhập viện cao hơn nhưng chưa có số liệu cho thấy biến thể Delta gây ra tỉ lệ tử vong cao hơn ở các ca nhiễm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo biến thể Delta dễ lây nhiễm như bệnh thủy đậu.

Trong khi đó, Viện sĩ Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Alexander Chuchalin, Trưởng Bộ môn Nội tổng hợp Đại học Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Nga Pirogov (Đại học Y 2 Moscow) cho rằng như một quy luật sinh học, các chủng virus xuất hiện sau sẽ càng có khả năng lây nhiễm cao và nguy hiểm hơn đối với sức khỏe và tính mạng con người.

Ông khẳng định hiện trên thế giới chỉ có một giải pháp giúp có thể kiểm soát được quá trình lây nhiễm là tiêm vắc xin phòng ngừa. Giáo sư Chuchalin cho biết tiêm vắc xin không hề đảm bảo 100% là người được tiêm sẽ không mắc bệnh nữa song những người đã được tiêm vắc xin nếu có mắc thì bệnh cũng không phát triển đến mức trầm trọng, tức là hoàn toàn bảo vệ được tính mạng.

Theo Giáo sư Chuchalin, trong bối cảnh virus corona liên lục phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều biến chủng mới, cần có ý tưởng vắc xin mới để điều trị COVID-19. Giáo sư Chuchalin khẳng định hiện các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu để phát triển các thế hệ vắc xin mới. Theo ông, có nhiều dạng miễn dịch khác nhau ở con người, dạng thứ nhất là con người sinh ra kháng thể chống virus, dạng miễn dịch thứ hai là bản thân con người tự phát triển và tự có được khả năng miễn dịch, và dạng thứ 3 là miễn dịch niêm mạc, nghĩa là các niêm mạc sinh ra chất nhầy có thể chống virus.

Giáo sư Chuchalin khẳng định hiện một số nhà khoa học trên thế giới đang đi theo phương thức miễn dịch thứ 3 này để điều chế ra vắc xin mới. Cũng theo Giáo sư Chuchalin, cần có một biện pháp tổng thể để phục hồi cho những bệnh nhân sau mắc COVID-19 vì nhu cầu phục hồi sau COVID-19 sẽ ngày càng tăng lên trong bối cảnh các làn sóng dịch bệnh hiện nay.

Các nhà khoa học cũng đang cảnh báo thế giới đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới của đại dịch COVID-19, khi làn sóng dịch thứ ba đang tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của các biến thể mới dễ lây lan và có khả năng kháng vắc xin.

Thông tin từ WHO cho biết số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã tăng 8% và số ca tử vong tăng 21% chỉ trong 1 tuần. Trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 với biến thể Delta đã tăng trung bình lên 540.000 ca/ngày và gần 70.000 ca tử vong/tuần trên toàn cầu. Sự gia tăng này xảy ra trong các điều kiện tương tự như tại đỉnh dịch vào năm ngoái - thời điểm xuất hiện 4 biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao.

Giáo sư Nick Loman tại Đại học Birmingham (Anh) cho biết virus SARS-CoV-2 đã tiến hóa đáng kinh ngạc với khả năng xâm nhập vào tế bào người và thích ứng trên các vật chủ mới. Ông cho rằng không ai có thể tự tin dự đoán sẽ xảy ra chuyện gì trong tương lai. Các nhà virus học cho biết virus SARS-CoV-2 có thể đã phát triển thành nhiều biến thể nguy hiểm hơn, song cho đến nay chưa được phát hiện do mức độ lây nhiễm trong cộng đồng chưa đủ lớn.

Một nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Áo công bố ngày 30/7 cho thấy ngoài việc lây lan tại các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp, các chủng kháng vắc xin có nguy cơ xuất hiện cao hơn khi hơn 60% dân số của một cộng đồng được tiêm chủng và các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được dỡ bỏ.

Nghiên cứu cho biết việc hình thành một biến thể kháng vắc xin vào thời điểm đó có thể dẫn đến các vòng tiến hóa của biến chủng đó. "Những biến thể đáng quan ngại" theo phân loại của WHO, được đặt tên theo các chữ cái Hy Lạp Alpha, Beta, Gamma và Delta, đều xuất hiện vào nửa cuối năm 2020, mặc dù phải mất một thời gian để chúng lây lan rộng hơn. Danh sách "những biến thể cần quan tâm" tiếp theo, được cho là có khả năng lây lan hoặc kháng vắc xin cao hơn, gồm Eta, Iota, Kappa và Lambda.

Trong số các biến thể hiện nay, Delta có khả năng lây truyền cao gấp đôi so với Alpha được phát hiện lần đầu tiên ở Anh - biến thể có khả năng lây lan cao hơn 40% so với chủng virus lần đầu được phát hiện ở Trung Quốc. Trong khi đó, Beta, xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi, dường như có khả năng tái nhiễm bệnh cao nhất.

Các nhà khoa học cho rằng hiện chưa rõ virus SARS-CoV-2 có thể phát triển tới mức độ nào khi thích nghi với cộng đồng đã miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc đã mắc bệnh, và cảnh báo một số chủng virus corona, vốn đang chỉ gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh nhẹ, đã bắt đầu gây ra các bệnh nghiêm trọng hơn. Nhà dịch tễ học Kerkhove của WHO cảnh báo khi virus lây lan càng nhiều thì sẽ càng biến đổi. Delta sẽ không phải là biến thể cuối cùng và bảng chữ cái có thể không đủ để đặt tên cho các biến thể mới.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ tiếp tục lây lan mạnh tại khu vực Đông Nam Á, trong đó Indonesia là quốc gia đang có tỉ lệ lây nhiễm cao nhất. Bộ Y tế Indonesia ngày 30/7 thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 41.168 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 3.372.374. Tổng số bệnh nhân không qua khỏi đã lên tới 92.311 người sau khi ghi nhận thêm 1.759 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước này đến nay là 2.730.720 ca.

Theo trang thống kê worldometer.info, trong 7 ngày qua, Indonesia là nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao thứ 2 thế giới (297.867 ca), sau Mỹ (502.465 ca). Tuy nhiên, so với tuần trước đó, số ca nhiễm mới tại Indonesia đã giảm 3%.

Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ Indonesia đã áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp nhằm giảm số ca nhiễm mới trong ngày. Ngoài ra, Indonesia cũng đã đẩy mạnh việc truy vết các cá nhân có tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19 đã được xác nhận để có thể "chặt đứt" nguồn lây nhiễm.

Về tiêm chủng, đến ngày 30/7, đã có ít nhất 20,14 triệu người tại Indonesia tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin và số người được tiêm chủng mũi đầu tiên đã lên tới 46,80 triệu người.

Tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp tại Malaysia. Cơ quan chức năng nước này ngày 30/7 thông báo ghi nhận thêm 16.840 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 1.095.486 ca. Điều đáng lo ngại là trong số 16.840 ca nhiễm mới nói trên, có tới 16.823 ca được xác định lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại nước này đã lên tới 8.859 ca.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.580.824 ca nhiễm, trong đó riêng ngày 30/7 là 8.562 ca. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tử vong tại nước này cũng đã lên tới 27.722 ca sau khi có thêm 145 người không qua khỏi trong 24 giờ qua.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Philippines đã quyết định siết chặt lệnh phong tỏa ở mức cao nhất tại vùng thủ đô Manila từ ngày 6-20/8. Hiện vùng thủ đô Manila duy trì lệnh phong tỏa đã được tăng cường trước đó.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 30/7 ghi nhận thêm trên 17.345 ca bệnh mới (nhiều thứ 2 khu vực), trong khi số ca tử vong là 117 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 668 bệnh nhân mới và 25 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 8/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/261945/who--bien-the-delta-de-doa-nhung-thanh-tuu-chong-dich-cua-the-gioi.html