WB khuyến nghị kéo dài chương trình hỗ trợ kinh tế đến năm 2024

Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 22/11 khuyến nghị, do tốc độ phục hồi kinh tế chậm, Chính phủ có thể cân nhắc kéo dài chương trình hỗ trợ kinh tế đến năm 2024.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục được cải thiện nhưng triển vọng vẫn còn bấp bênh. Ảnh minh họa

Sản xuất công nghiệp tiếp tục được cải thiện nhưng triển vọng vẫn còn bấp bênh. Ảnh minh họa

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam kỳ tháng 10/2023, cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,89% so với tháng trước, trong tháng 10 do xuất khẩu hàng hóa công nghiệp tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, triển vọng vẫn còn bấp bênh do PMI của Việt Nam tháng 10 vẫn nằm trong vùng suy giảm (49,6), tương tự như tháng 9 (49,7). Tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 10 gần như không thay đổi (ghi nhận -0,01% so với tháng trước), so với mức tăng trưởng của tháng 9 là 0,55% (so với tháng trước).

Sau khi chạm đáy ở mức 5% vào tháng 7, tăng trưởng doanh số bán lẻ đã ổn định ở mức khoảng 7% trong tháng 8, tháng 9 và tháng 10, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trước dịch Covid-19 là khoảng 13%. Chiếm gần 80% tổng doanh số bán lẻ, doanh số bán hàng hóa tháng 10 giảm 1,54% so với mức tăng 0,88% trong tháng 9.

Trong khi đó, doanh số bán dịch vụ của tháng 10 cũng giảm 2,74% so với mức tăng nhẹ 0,62% trong tháng 9, do doanh số bán dịch vụ du lịch giảm 11,3%. Tốc độ tăng trưởng của lượng khách quốc tế tiếp tục ở mức vừa phải trong tháng 10 sau khi kỳ nghỉ hè kết thúc, giảm từ 3,7% trong tháng 9 xuống còn 3,2% trong tháng 10.

Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tiếp tục phục hồi, tăng lần lượt 1,6% và 1,05% so với tháng trước, do nhu cầu từ các đối tác thương mại tiếp tục phục hồi dần. Tuy nhiên, cả xuất khẩu và nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm vẫn ở mức suy giảm so với cùng kỳ năm trước, giảm lần lượt là 6,9% và 12,4% so cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,6% trong tháng 10, do chi phí vận tải (+0.06%), trong khi lạm phát cơ bản giảm từ 3,8% trong tháng 9 xuống 3,4% trong tháng 10, thấp hơn mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%.

Tăng trưởng tín dụng vẫn chậm chạp, với mức tăng trưởng tín dụng trong tháng 10 chỉ đạt 9,3% so với cùng kỳ, so với mức 9,9% trong tháng 9. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra (14%) và mức trước đại dịch (12-15%). “Sự suy yếu kéo dài của khu vực đầu tư tư nhân và niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục là động lực chính khiến tín dụng tăng trưởng chậm”-WB nhấn mạnh.

Suy giảm hoạt động kinh tế tiếp tục có tác động bất lợi tới ngân sách Chính phủ. Thu ngân sách 10 tháng đầu năm 2023 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, do hoạt động kinh tế trong và ngoài nước chậm lại. Theo Bộ Tài chính, lũy kế 10 tháng thu từ nguồn trong nước (phần lớn là VAT) giảm 5,9% (so cùng kỳ) trong khi thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm 21,9% vào tháng 10 năm 2023. Mặt khác, chi tiêu công, tăng 11,4% (so cùng kỳ) trong tháng 10, phản ánh nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang trong trạng thái suy giảm. Giải ngân đầu tư công trong 10 tháng đầu năm tăng 35% (so cùng kỳ), tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 55,3% mức phân bổ ngân sách vốn hàng năm đã được Quốc hội phê duyệt cho năm 2023.

Từ những dữ liệu trên, WB kết luận, trong khi xuất khẩu đang dần phục hồi, tiêu dùng trong nước vẫn còn khá trầm lắng và tình trạng tín dụng tăng trưởng chậm tiếp tục phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư còn yếu. Chính phủ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tăng 35% so cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm. Tuy nhiên, những thách thức trong quá trình thực hiện vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến việc triển khai ngân sách đầu tư.

“Do tốc độ phục hồi kinh tế chậm, Chính phủ có thể cân nhắc kéo dài chương trình hỗ trợ kinh tế đến năm 2024 để cho phép các dự án đầu tư được triển khai đầy đủ. Việc chuẩn bị các dự án có chất lượng cao hơn – bao gồm thông qua các nghiên cứu khả thi tốt hơn và cải cách thủ tục đầu tư công sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện. Một lộ trình đầu tư mang tính chiến lược và được chuẩn bị tốt, tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng phục hồi và mang tính khu vực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững”- báo cáo WB khuyến nghị.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/wb-khuyen-nghi-keo-dai-chuong-trinh-ho-tro-kinh-te-den-nam-2024.html