Vượt vũ môn - Bài 5: Nỗ lực vượt khó của các PMU giao thông

Hoàn thành 475 km đường cao tốc, giải ngân hơn 90.000 tỷ đồng vốn đầu tư công (đạt hơn 96% kế hoạch) là những kỷ lục vô tiền khoáng hậu của Bộ GTVT đạt trong năm 2023...

Thành quả đó là sự nỗ lực rất lớn của các chủ đầu tư, ban QLDA thuộc Bộ GTVT trong việc đưa ra các cách làm mới, giải pháp mới để thúc tiến độ thi công, đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn ở các dự án quy mô lớn, nhất là cao tốc Bắc - Nam.

Thi công đêm tại cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Biến điều không thể thành có thể

Những ngày đầu năm 2024, trong căn phòng nhỏ tại trụ sở Ban QLDA Thăng Long, ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp của đơn vị này thở phào nhẹ nhõm khi khối lượng giải ngân của đơn vị đã nằm trong tầm kiểm soát, đảm bảo hoàn thành kế hoạch được Bộ GTVT giao trong năm 2023.

"Tính từ đầu năm đến hết ngày 31/12/2023, Ban QLDA Thăng Long đã giải ngân được 8.810 tỷ đồng trong tổng số 9.580 tỷ đồng số vốn được giao, đạt 92% kế hoạch. Đến hết thời điểm giải ngân năm 2023 (kết thúc vào ngày 31/1/2024), dự kiến số vốn giải ngân đạt 98% kế hoạch vốn được giao của năm 2023, vượt chỉ tiêu so với yêu cầu của Bộ GTVT đề ra", ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, sản lượng giải ngân trong năm 2023 của Ban QLDA Thăng Long chủ yếu tập trung ở 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, gồm: Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng. Trong đó, hai dự án Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây đã được khánh thành, đưa vào khai thác từ ngày 29/4/2023.

"Có những thời điểm tưởng chừng việc thông xe, đưa hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây vào khai thác đúng ngày 29/4/2023 là điều không thể bởi cách đó chỉ vài tháng khối lượng công việc của hai dự án còn rất lớn, công trường ngổn ngang, bộn bề. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực, giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Bộ GTVT và Ban QLDA Thăng Long nên hai dự án đã được đưa vào khai thác đúng kế hoạch", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, trong đó hai dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây triển khai trong thời điểm còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Đại dịch Covid-19, giá nguyên vật liệu biến động, nguồn đất đắp khan hiếm..., đặc biệt là giá bỏ thầu các gói thầu xây lắp của các dự án thấp hơn so với mặt bằng giá thực tế. Những bất lợi, thách thức này khiến nhiều nhà thầu càng làm càng lỗ. Tuy nhiên, việc hoàn thành đúng tiến độ hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây vào ngày 29/4/2023 đã minh chứng cho những nỗ lực rất lớn của các nhà thầu.

"Các nhà thầu ở hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây đã quyết tâm rất cao, họ làm mà không xác định lợi ích tài chính, không lấy hiệu quả kinh tế ra để đong đếm, tất cả vì nhiệm vụ chính trị, bằng mọi cách phải hoàn thành tiến độ và chất lượng hai dự án. Do đó, nhiều nhà thầu đã "cầm chắc" bị lỗ nhưng vẫn huy động toàn bộ máy móc, thiết bị, nhân sự làm ngày làm đêm, tăng ca, tăng kíp để đạt được mốc tiến độ", ông Sơn giãi bày.

Cầu Mỹ Thuận 2 kết nối với đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Lãnh đạo "cắm chốt" ở dự án, văn phòng làm việc như... công trường

Để "tiếp sức" cho các nhà thầu, Ban QLDA Thăng Long đã huy động nhân sự, nỗ lực tối đa, tạo điều kiện tốt nhất để "bơm" vốn cho các đơn vị thi công. "Chúng tôi đã tập trung huy động tối đa nhân sự làm hồ sơ thanh toán, nghiệm thu để giải ngân kịp thời nhằm đảm bảo cho nhà thầu có đủ vốn xoay vòng. Chúng tôi hiểu rằng, khi nhà thầu làm đã bị lỗ mà còn không có nguồn tiền xoay vòng thì không thể đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra", ông Sơn chia sẻ và cho biết, để giải ngân nhanh chóng cho các nhà thầu, Ban QLDA Thăng Long thực hiện thanh toán theo phiếu giá bình quân mỗi tháng/lần.

"Công tác rà soát chủ yếu tại công trường, khi các phiếu thanh toán được ký và chuyển từ công trường về trụ sở Ban, chúng tôi huy động tối đa lực lượng nhân sự để hoàn thiện thủ tục chỉ trong từ 1 đến 2 ngày là hồ sơ ra đến kho bạc để giải ngân ngay cho các nhà thầu", ông Sơn thông tin.

Theo ông Sơn, trong giai đoạn cuối của hai dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long đều trực tiếp "cắm chốt" nhiều tháng ở hiện trường để kiểm tra, đôn đốc tình hình thi công và thường xuyên làm việc trực tiếp với lãnh đạo các nhà thầu, liên tục yêu cầu các nhà thầu phải báo cáo tiến độ sản lượng hàng ngày làm cơ sở để đánh giá mức độ đáp ứng kế hoạch đặt ra, nếu không phải có phương án bù đắp ngay.

"Bất kỳ phát sinh nào cần phải xin ý kiến đều được tổ chức họp bàn để xử lý ngay. Lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long thường xuyên ở công trường để kịp thời có phương án giải quyết hoặc báo cáo Bộ GTVT về phương án xử lý vượt thẩm quyền. Đây là một trong các giải pháp quan trọng để hai dự án hoàn thành, đưa vào khai thác từ ngày 29/4/2023", ông Sơn chia sẻ.

Một dự án cao tốc khác cũng khiến không nhiều người tin rằng có thể hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2023 là Mỹ Thuận - Cần Thơ. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 4.826 tỷ đồng, được khởi công từ đầu năm năm 2021, kế hoạch hoàn thành trong năm 2023. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các nhà thầu tại dự án phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, từ vướng mắc chậm bàn giao giải phóng mặt bằng, tác động bởi đại dịch Covid-19 đến giá cả nguyên vật liệu tăng cao, đặc biệt là dự án này có khối lượng xử lý nền đất yếu rất lớn, thời gian gia tải kéo dài trong khi nguồn vật liệu cát lại rất khan hiếm.

Thậm chí, trước thời điểm hoàn thành khoảng 2 tháng, trên tuyến vẫn còn nhiều đoạn đường chưa được dỡ tải. Tuy nhiên, bằng các giải pháp quyết liệt và sáng tạo của chủ đầu tư (Ban QLDA Mỹ Thuận), dự án đã vượt qua mọi thách thức, hoàn thành đưa vào khai thác từ ngày 24/12/2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.

Chia sẻ bí quyết với Tạp chí GTVT, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận nói: "Trước thời điểm hoàn thành dự án nhiều tháng, chúng tôi yêu cầu các nhà thầu quyết tâm huy động mọi nguồn lực, tập trung tối đa máy móc, thiết bị, nhân sự để tổ chức thi công "3 ca 4 kíp", làm xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, tại dự án này, chúng tôi chỉ đạo các nhà thầu phải chung sức đồng lòng, nhà thầu làm nhanh sẽ tương trợ cho nhà thầu làm chậm, đảm bảo mốc tiến độ hoàn thành, đủ điều kiện để thông xe, đưa vào khai thác phục vụ nhân dân đi lại trong dịp cuối năm 2023".

Nam Hải - Ánh Minh

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/vuot-vu-mon-bai-5-no-luc-vuot-kho-cua-cac-pmu-giao-thong-183240122101933752.htm