Vượt qua nỗi hổ thẹn độc hại

Nhiều người quá nghiêm khắc với bản thân, họ luôn tự trách mình vì những lỗi lầm trong quá khứ. Sự hổ thẹn độc hại này khiến con người chìm trong những cảm xúc tiêu cực.

Hãy học cách xua tan những cảm xúc tiêu cực để tìm lại năng lượng tích cực trong cuộc sống. Ảnh: Ybox.

Một trong những buổi hội họp trực tiếp mà tôi tham dự trước đại dịch Covid-19 là vào giữa tháng 2/2020 trong một chuyến đi tới California. Tại buổi gặp mặt đó, nhà Tâm lí học Eve Ekman đã nói một điều mà tôi thấy rất thú vị: “Một bộ não chứa đầy sự hổ thẹn sẽ chẳng thể học hỏi được gì”.

Hãy nhớ rằng, chúng ta đang hướng đến thay đổi về hành vi, và học hỏi chính là một thành phần quan trọng của nó. Tới giữa tháng ba, tôi bị phong tỏa ở nhà tại Barre, Massachusetts, có nhiều thời gian tĩnh tâm hơn, và vì thế tôi bắt đầu nghiên cứu kĩ hơn sự hổ thẹn có thể ngăn chặn việc học hỏi như thế nào.

Cuộc sống của chúng ta thay đổi khi chúng ta bắt đầu tự hỏi bản thân: Sở hữu một tâm trí không dễ dàng bị lấn át bởi những ý nghĩ có hại sẽ như thế nào?

Một tâm trí không xem nhẹ chúng ta dựa trên các hành động, lời nói, ý nghĩ, khát vọng, hay nỗi sợ, và cũng không khinh rẻ người khác vì những thứ đó. Một tâm trí hiểu được niềm vui của việc không gây hại cho ai, thế nhưng cũng tin rằng tình yêu và lòng trắc ẩn là những yếu tố tốt hơn là nỗi hổ thẹn hay sợ hãi để châm ngòi cho sự thay đổi.

Nadia Bolz-Weber một mục sư dòng Luther, và cũng là người sáng lập House for All Sinners & Saints ở Denver, Colorado - là người khởi tạo và dẫn chương trình podcast có tên là Confessional, trong đó bà mời những vị khách tới chia sẻ các câu chuyện về những thời điểm tồi tệ nhất của họ. Bà đã xuất bản nhiều cuốn sách, trong đó có Pastrix: The Cranky, Beautiful Faith of a Sinner & Saint (Tạm dịch: Nữ mục sư: Đức tin kì dị và tuyệt đẹp của một thành viên Sinners & Saints).

Năm 2021, bà cho ra đời Chapel, một dự án kéo dài một năm với vai trò là một nhà nguyện trực tuyến dành cho các cuộc trò chuyện chuyên sâu, cầu nguyện hàng ngày, và sinh hoạt cộng đồng. Khi tôi trò chuyện với Nadia năm 2021, bà nói với tôi về những hậu quả của sự hổ thẹn độc hại:

"Sự hổ thẹn khiến chúng ta không thể nói lên sự thật về những yếu điểm của ta. Nó ngăn cách chúng ta với sự thật về những lúc mà ta có thể chưa làm những điều cần thiết, hoặc làm điều gì đó mà lẽ ra mình không nên. Tôi luôn nhớ tới câu chuyện về Adam và Eve. Thật thú vị là họ che đậy cơ thể vì hổ thẹn trước sự trần truồng của mình, nhưng điều đó chỉ diễn ra sau khi họ lắng nghe một tiếng nói không phải của Chúa nói về mình.

Và rồi Chúa hỏi, “Này các con đang đi đâu thế?” Họ đáp, “Ồ, chúng con sợ hãi Người và vì chúng con trần truồng.” Rồi Chúa đáp, “Chờ đã, ai nói là các con trần truồng?”

Sự hổ thẹn luôn có nguồn gốc của nó, và cái đó không có gì là thiêng liêng; nó bắt nguồn từ những giọng nói tự xưng là của Chúa trong khi sự thật thì không phải thế, hoặc những giọng nói tự xưng là có quyền lực. Và vì thế tôi luôn luôn băn khoăn liệu câu chuyện đó có kết thúc khác đi nếu Adam và Eve đơn giản nói rằng, “Ồ phải, chúng con đã làm điều mà Người khuyên không nên làm và giờ chúng con đã hiểu rồi. Như vậy là đủ rồi chứ?” Và Chúa nói, “Phải rồi, vậy là xí xóa nhé.”

Nhưng họ đã không hề làm thế. Họ không thể đơn giản nói lên sự thật; họ phải đổ lỗi cho người khác, họ phải dối trá, họ phải lẩn trốn, tất cả những điều mà giờ chúng ta làm vì hổ thẹn. Sự hổ thẹn khiến chúng ta đổ lỗi lên mọi yếu tố bên ngoài; nó khiến ta không thể thừa nhận sự thật. Nếu sự tự do đến từ sự thật về bản thân chúng ta, sự hổ thẹn sẽ luôn luôn cản trở nó, cả tốt lẫn xấu.

Tôi tự hỏi về chuyện tha thứ cho bản thân, liệu nó có tương tự như vậy không: nếu tôi không thể tha thứ cho những lỗi lầm của bản thân hay những điều mình đã nói và làm, tôi chỉ nhìn nhận bản thân mình cố định như vậy mà thôi. Tôi không thể tiếp nhận những thông tin khác có thể là tích cực về con người mình".

Tôi rất trân trọng góc nhìn của Nadia về sự tha thứ, bởi vì đây là một khái niệm khó. Sylvia Boorstein đã có lần nói với tôi rằng, “Tha thứ không phải là ân xá.” Tuy thế, đây là cách nghĩ của phần lớn mọi người. Vì thế tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp một người quyết định bước tiếp nhưng không thích gọi đó là "tha thứ". Đối với các lỗi lầm của mình, ta có thể học cách hồi tưởng lại những lần mình hành động không đúng đắn mà không để nó đe dọa, phá hủy lòng tự tôn.

Sự hổ thẹn khiến chúng ta không thể thành thật, nhưng sự liên kết và gắn bó giúp chống lại sự hổ thẹn. Chúng ta có thể kết nối với điều này bằng cách thừa nhận sự hổ thẹn của chúng ta và chia sẻ nó. Sự hổ thẹn sẽ ngày càng lớn lên khi ta giữ kín cho bản thân, vậy nên chấp nhận câu chuyện và thừa nhận bản tính con người của chúng ta có thể giúp chữa lành, như thể nếu Adam và Eve đã nói: “Phải, chúng tôi đã phạm sai lầm.”

Sharon Salzberg/ Bách Việt Books và NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/vuot-qua-noi-ho-then-doc-hai-post1465605.html