Vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác thi hành án

Trong 6 tháng đầu năm 2023, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc thực hiện công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gặp khó khăn, nhất là ở những vụ việc phức tạp, kéo dài. Để khắc phục khó khăn, những tháng còn lại của năm 2023, ngành thi hành án dân sự hai cấp sẽ tập trung nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được giao.

Những khó khăn trong công tác thi hành án dân sự

Năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; ban hành nghị quyết giao cụ thể nhiệm vụ thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các vụ án lớn, phức tạp. Mặc dù vậy, công tác thi hành án dân sự vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Thi hành án dân sự hai cấp quyết liệt trong giải quyết án từ đây đến cuối năm 2023. Ảnh: KIM NGỌC

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số việc phải thi hành 10.553 việc, trong đó có điều kiện thi hành 7.500 việc, thi hành xong 3.686 việc, đạt tỷ lệ 49,15% so với số có điều kiện thi hành, tăng 1,87% so với cùng kỳ. Như vậy, so với chỉ tiêu được giao là 82,8% thì còn 33,65%. Song song đó, tổng số tiền phải thi hành trên 2.120 tỷ đồng, có điều kiện thi hành 1.162 tỷ đồng và đã thi hành xong trên 145 tỷ đồng. Kết quả thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm có chỉ tiêu đạt còn thấp, cụ thể về tiền chỉ đạt 12,52% so với số có điều kiện thi hành, giảm trên 25 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc thi hành án gặp khó khăn là do còn quá nhiều thủ tục trong kê biên, bán đấu giá tài sản để thi hành án; tài sản kê biên bán đấu giá nhiều lần không người mua làm mất nhiều thời gian, công sức, chi phí kê biên, bán đấu giá nhưng không thu hồi được, làm chậm tiến độ giải quyết án so với chỉ tiêu đề ra. Thời gian qua, người dân có tâm lý e ngại khi mua tài sản liên quan đến thi hành án. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người phải thi hành án chưa cao, có trường hợp không tự nguyện thi hành án, cố tình trì hoãn, bỏ địa phương nhằm trốn tránh việc thi hành án, thiếu trách nhiệm, không hợp tác với cơ quan thi hành án. Theo thống kê, lượng án thụ lý ngày càng nhiều, số tiền thụ lý mới tăng cao, nhưng biên chế vẫn chưa đảm bảo và chất lượng công chức chưa đồng đều. Hiện nay, toàn tỉnh thiếu 16 chấp hành viên nên áp lực về mặt nhân sự ngày càng tăng, chất lượng giải quyết công việc từng lúc, từng bộ phận chưa cao.

Theo đồng chí Phạm Hoàng Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng, tính từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/3/2023, tổng số việc phải thi hành của đơn vị là 1.182 việc, có điều kiện thi hành là 856 việc, chiếm 72,41% trong tổng số phải thi hành; thi hành xong là 516 việc, tăng 147 việc so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ 60,28%, tăng 11,53% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết án, đơn vị còn gặp một số khó khăn. Từ nay đến cuối năm 2023, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng phấn đấu nâng cao chất lượng thi hành án dân sự, tỷ lệ thi hành xong trên 82,8% về việc và trên 45,8% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành.

Giải pháp đặt ra trong thời gian tới

Đồng chí Nguyễn Văn Uốt - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng cho biết, đơn vị đã khẩn trương giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho chi cục thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn sát với tình hình thực tế. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác năm 2023 theo yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, đặc biệt là các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính về việc, về tiền; kết quả theo dõi thi hành án hành chính. Tiến hành rà soát toàn diện các nội dung, nhiệm vụ kế hoạch công tác đầu năm, đề ra giải pháp thực hiện đảm bảo nội dung, lộ trình. Tiếp tục nâng cao nhận thức, kỹ năng quản lý, tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của đội ngũ công chức lãnh đạo từ Cục Thi hành án dân sự đến chi cục thi hành án dân sự; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo hướng rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành. Lãnh đạo thi hành án dân sự hai cấp cần kiểm tra, theo dõi sát sao, nắm bắt được công việc đã giao cấp dưới; đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là chấp hành viên. Tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ trong đợt phát động thi đua cao điểm giải quyết án. Bên cạnh đó, thi hành án dân sự hai cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, những án có giá trị lớn, “nhất là những án chuyển kỳ đang thi hành của năm 2022”; các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 6 tháng còn lại. Mặt khác, thi hành án dân sự hai cấp tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan trong công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới.

Với sự quyết tâm, nỗ lực và những giải pháp cụ thể sẽ giúp ngành Thi hành án dân sự Sóc Trăng vượt qua những khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/vuot-qua-kho-khan-hoan-thanh-tot-nhiem-vu-trong-cong-tac-thi-hanh-an-64759.html