Vượt qua dông bão - Chúng ta cần bóng tối để nhìn thấy các vì sao

Ánh sáng giúp soi rọi đường đi; nhưng nhờ bóng tối mà ta nhìn thấy được các vì sao (Augustine 'Og' Mandino)

Ở tuổi mười lăm, tôi tự nhận mình là chuyên gia thắt dây giày cho cha mình. Tôi sẽ cúi người xuống, áp dụng phương pháp buộc tai thỏ và cứ thế thắt cho tới khi nào xong thì thôi. Mỗi lần tôi đứng dậy, môi cha lại giật giật như thể ông đang thấy bức bối chuyện gì đó, rồi lại chùng xuống thành một đường thẳng. Ông há miệng, cố gắng bật ra thành tiếng, nhưng không một âm thanh nào phát ra.

Tôi gật đầu khích lệ cha và cắn lưỡi mình cho đến khi bật máu. Không gian tĩnh lặng bao trùm, chỉ còn những tiếng rên rỉ rời rạc bất lực. Cuối cùng, cha vẫn phải dùng đến cử chỉ: vỗ nhẹ vào ngực rồi vẫy tay với tôi. Tôi cố nở một nụ cười với cha, nét mặt cứng đờ.

“Con cũng rất yêu cha”, tôi thì thầm, cố nén tiếng khóc nghẹn nơi cổ họng. Bầu không khí im lặng nặng nề bao trùm chúng tôi, ngập tràn cả tình yêu lẫn nỗi buồn.

Ngày trước, cha tôi từng là một huấn luyện viên bán hàng của một tập đoàn lớn, phụ trách dạy kỹ năng thuyết trình. Cha từng đi khắp thế giới trong những chuyến công tác và thường tham gia thi đấu quần vợt vào cuối tuần. “Cuộc sống thật tốt đẹp”, ông hay nói thế với ánh mắt rạng ngời.

Mọi thứ thay đổi vào năm thứ hai khi tôi học trung học. Một cơn đột quỵ bất ngờ đã để lại cho cha tôi những di chứng thần kinh và thể chất nghiêm trọng. Ngoài tổn thương thùy trán vĩnh viễn, ông còn không thể cử động nửa người bên phải. Tuy nhiên trong những di chứng đó, nặng nề nhất chính là việc cha tôi mất khả năng nói chuyện. Cơn đột quỵ đã gây ra “hội chứng bất lực ngôn ngữ”, làm suy yếu khả năng giao tiếp và hiểu ngôn ngữ. Tôi còn nhớ rõ tiên lượng của bác sĩ ngày hôm đó: “Khả năng phục hồi gần như là không có”.

Trước đó, tôi đã biết rằng hội chứng bất lực ngôn ngữ không làm ảnh hưởng đến trí tuệ. Thế nên giờ đây cha tôi như đang bị giam cầm trong chính cơ thể của mình, không thể làm và diễn đạt chính xác những gì ông muốn. Tôi cảm nhận được nỗi thất vọng và bất lực khôn xiết của cha.

Hội chứng bất lực ngôn ngữ cũng khiến cha tôi nói năng vô ý. Đôi khi ông khóc khi xem phim hài và bật cười khi chứng kiến một câu chuyện buồn. Tôi thường thấy hết sức xấu hổ mỗi khi cha con tôi cùng đến những nơi công cộng. Cha tôi sẽ vung vẩy cây gậy trong tay như một món vũ khí và hét lên những câu vô nghĩa nhưng vô hại với những người qua đường. Dù biết rõ những hành động này là di chứng không mong muốn của cơn đột quỵ, tôi vẫn thấy khó chịu vô cùng. Tôi ghét những ánh nhìn chằm chằm và những lời xì xầm xung quanh mình, dù cha tôi dường như chẳng hề để ý.

Một buổi chiều, tôi về nhà và thấy cha đang xem một đoạn video cũ. Đoạn phim quay lại cảnh cha con tôi chơi quần vợt, đánh bóng qua lại và cùng chạy nhảy trên sân. Những niềm vui từng có lúc giản đơn như thế giờ đã trở thành chuyện bất khả. Tôi chăm chú nhìn hình ảnh cha con tôi trên màn hình, không thể dứt mắt khỏi những ký ức buồn vui lẫn lộn đó.

Chúng tôi cùng xem đoạn phim trong im lặng cho đến khi tôi không thể kìm nén nỗi đau thêm được nữa. Mọi cảm xúc tôi chôn giấu trong lòng trước nay đều vỡ òa trong giây phút đó. Tôi run rẩy, òa khóc và thổn thức trong lúc từng đoạn phim lướt qua. Con tim tôi như vỡ tan và nhói lên đau đớn khi tôi nghĩ về những việc cha con tôi mãi mãi không thể làm cùng nhau nữa. Môi cha mấp máy khi ông thấy tôi khóc. Rõ ràng cha đang có điều muốn nói, nhưng lực bất tòng tâm. Hai cha con tôi ngồi đó, bất lực trước nỗi đau của nhau. Dù cử động rất khó khăn, cha đã nhích lại gần rồi siết nhẹ bàn tay tôi. Tôi ngẩng lên nhìn cha, ngỡ ngàng khi cử chỉ nhỏ bé đó lại có thể truyền tải nhiều ý nghĩa đến vậy.

Cả hai chúng tôi đều không nói nên lời, vì những lý do rất khác nhau. Cha tôi có thể bị đột quỵ thêm lần nữa bất cứ lúc nào. Tương lai không có gì đảm bảo. Tôi cảm thấy mình bị nhấn chìm trong nỗi sợ hãi, cho cả gia đình và cho cha. Giữa muôn vàn bất trắc, cuộc đời này có thật sự đáng sống không? Câu hỏi đó đeo bám tôi dai dẳng, phủ một màu u ám lên những trải nghiệm diễn ra trong suốt tuổi thanh xuân của tôi và những tháng ngày hạnh phúc khác.

Cuối cùng, tôi đã tìm thấy câu trả lời của mình. Trong một lần gia đình tôi đến Tahoe du lịch cuối tuần, cha tôi nhìn thấy một nhóm người đang lướt sóng trên hồ. Trước đây, cha và tôi cũng từng lướt sóng với nhau, nhưng đó đã là chuyện của nhiều năm trước.

“Con và cha!”, ông vất vả nói thành lời.

Trên chiếc phao bơi, chúng tôi bập bềnh trên mặt nước, mắt dán vào vầng mặt trời đang khuất dần nơi đường chân trời. Ngay khi tia sáng hồng cuối cùng tắt đi, cha quay sang nhìn tôi với ánh mắt quen thuộc. “Cuộc sống... tốt”.

Có thể đó là vì nụ cười rạng rỡ của cha, hay vì một cơn gió ấm áp vừa thổi tới, hoặc ánh hoàng hôn rực rỡ đang bao trùm lấy hai chúng tôi, nhưng trong khoảnh khắc quý giá đó, tôi đã hiểu chính xác những gì cha muốn nói.

“Dạ”, tôi thì thầm đáp lại. “Cuộc sống đúng là rất tốt đẹp”.

Lúc đó tôi còn chưa biết rất nhiều thứ. Tôi đã không hình dung được cha đã cố gắng đến thế nào để khôi phục lại những gì ông đã mất, rằng cha đã nỗ lực ra sao để lấy lại một phần khả năng giao tiếp của mình. Tôi đã không hiểu hết những việc cha đã làm để truyền cảm hứng cho tôi, giúp tôi dũng cảm đối mặt với những nỗi sợ trong đời. Tôi cũng đã không ngờ được rằng mình sắp mất ông mãi mãi.

Khi hội chứng tự miễn tái phát, cha phải nhập viện và gánh chịu một loạt các cơn đột quỵ nghiêm trọng khác. Chỉ sau một tháng, ông rơi vào hôn mê sâu và qua đời. Mọi chuyện xảy ra hết sức đột ngột.

Tôi vẫn ao ước cha con tôi có thể nói chuyện với nhau lần cuối. Điều an ủi lớn nhất mà tôi có được là những lời cha nói trên điện thoại không lâu trước khi qua đời - “Cuộc sống thật tốt đẹp.” Chỉ là mấy chữ đơn giản, một câu nói thường gặp, nhưng chính bằng thái độ sống lạc quan, không để bệnh tật làm lu mờ những ngày tháng còn lại của mình, cha đã thổi vào những chữ đơn giản ấy một ý nghĩa đích thực.

Một buổi tối khi cha đã chìm vào hôn mê, tôi ngồi bên cạnh giường ông cho đến khi mọi người đều rời khỏi phòng. Sau đó, tôi cúi xuống thì thầm vào tai cha. Tôi bộc bạch với cha nỗi sợ hãi của tôi khi phải đối mặt với câu hỏi oan nghiệt nhất: Nếu cha không bao giờ tỉnh lại thì sao? Ngay khi vừa bật ra câu hỏi này, tôi đã biết được câu trả lời.

Tôi siết chặt tay cha lần cuối và rời khỏi bệnh viện. Trên đường về nhà, tôi dừng lại và ngẩng lên nhìn bầu trời đêm tháng 8. Vòm trời đen như nhung với những đốm sáng rải rác đây đó mở rộng trước mắt tôi. Tôi đứng yên đó một lúc, thành kính chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh lấp lánh ấy.

Chúng ta cần bóng tối để nhìn thấy các vì sao, đó không phải là một sự thật vô cùng đẹp đẽ sao?

Hạ Vĩ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vuot-qua-dong-bao-chung-ta-can-bong-toi-de-nhin-thay-cac-vi-sao-207919.html