Vượt mọi khó khăn, tạo sự an tâm cho bệnh nhân HIV/AIDS

Theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, mọi khó khăn trong công tác phòng, chống HIV đều được các nhân viên y tế nỗ lực vượt qua. Đồng thời, các cấp chính quyền luôn quan tâm sâu sát đến công tác này.

Người nhiễm HIV được điều trị kịp thời, cộng đồng chung tay hỗ trợ

Hầu hết người đã nhiễm HIV ở Khánh Hòa đều được điều trị một cách kịp thời nhất. Thế nên, đến nay Khánh Hòa đã ra khỏi danh sách là địa phương trọng điểm về dịch bệnh HIV.

Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, công tác phòng, chống HIV ở Khánh Hòa đã có nhiều chuyển biến tích cực

Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, công tác phòng, chống HIV ở Khánh Hòa đã có nhiều chuyển biến tích cực

Có được thành quả trên, ngoài sự nỗ lực, tận tụy của các nhân viên y tế dự phòng, còn có sự quan tâm chu đáo của các cấp chính quyền địa phương. Bởi vậy nên, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa đều được cấp thuốc điều trị HIV kịp thời, đúng phác đồ.

T.B.H. mới ngoài 20 tuổi ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết, do từng quan hệ với người có nguy cơ cao, gần đây lại thấy có một số triệu chứng nghi nhiễm HIV nên đi xét nghiệm. Khi biết chính xác mình đã nhiễm bệnh mà tuổi đời lại còn rất trẻ nên rất hoang mang. Tinh thần cũng vì thế mà sa sút, lo lắng không yên. Nghĩ về những ngày tháng sắp tới càng bấn loạn hơn. Đúng lúc này, H. tiếp cận được một số đồng đẳng viên và đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa để được tư vấn, điều trị. Do tải lượng vi-rút thấp, được phát hiện sớm nên các bác sĩ tư vấn điều trị thuốc ARV. Tuân thủ tốt phác đồ điều trị thì đời sống bình thường. H. như cởi bỏ được được sự nặng nề, dần lấy lại tinh thần.

Việc điều trị dự phòng được thực hiện tốt

Việc điều trị dự phòng được thực hiện tốt

Nhiều trường hợp khác cũng như H., mới phát hiện nhiễm HIV cứ nghĩ con đường phía trước như vực thẳm. Tuy nhiên khi được tư vấn, điều trị kịp thời thì sức khỏe được cải thiện rất tốt.

Để phát hiện sớm nhất người nhiễm HIV, công tác xét nghiệm rất được quan tâm ở Khánh Hòa. Hàng năm, toàn tỉnh có gần 40.000 lượt người được tư vấn và xét nghiệm HIV. Xét nghiệm để nắm rõ tình trạng bệnh của mình, từ đó có cách điều trị, phòng ngừa hợp lý.

Từ đầu năm đến hết tháng 10/2023, cũng đã có trên 35.200 lượt người ở Khánh Hòa được tư vấn và xét nghiệm HIV. Một số trường hợp được phát hiện dương tính đã được nhân viên y tế đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, ổn định lại sức khỏe, tâm lý.

Để thuận lợi cho người có 'H', Trung tâm Y tế công lập tại 8 huyện, thị xã, thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa đều tiếp nhận tư vấn và khám cho bệnh nhân HIV.

Trong nhiều năm qua, việc tăng cường bao phủ thuốc ARV đối với người nhiễm HIV cũng được các nhân viên y tế dự phòng ở Khánh Hòa chú trọng. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu vẫn cố gắng chuyển thuốc, cấp thuốc đầy đủ, kịp thời đến người bệnh. Đến hết ngày 30/9, số bệnh nhân đang duy trì phác đồ ARV bậc 1 sau 12 tháng bắt đầu điều trị ở Khánh Hòa là gần 1.200 người. Bên cạnh đó, số người điều trị PrEP (điều trị dự phòng HIV) ít nhất 1 lần trong năm là 470 người.

Nhiều chuyển biến tích cực trong phòng, chống HIV

Bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa chia sẻ, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các giải pháp truyền thông, tiếp cận trong cộng đồng được thực hiện đa dạng, phong phú.

Bên cạnh đó, người đã nhiễm HIV tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị bằng thuốc ARV của nhân viên y tế. Đến nay, thuốc ARV vẫn là giải pháp hiệu quả trong điều trị HIV. Từ nghiên cứu cũng như thực tiễn, thuốc ARV ngăn chặn sự nhân lên của vi-rút. Nếu duy trì điều trị tốt còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và tử vong liên quan tới HIV. Khi được điều trị ARV, người nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh, làm việc như người không nhiễm HIV và tự tin sống hòa nhập với cộng đồng mà không cần phải mặc cảm, tự ti.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa còn tổ chức tập huấn giám sát trọng điểm HIV và giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi cho 26 cán bộ y tế tham gia điều tra, phỏng vấn lấy mẫu tại Nha Trang, Ninh Hòa và Vạn Ninh. Tổ chức 22 buổi truyền thông nhóm về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam trong cộng đồng cho gần 400 người (18 người/buổi).

Nhân viên y tế luôn khuyến cáo dùng bao cao su khi quan hệ để phòng lây HIV (ảnh minh họa).

Nhân viên y tế luôn khuyến cáo dùng bao cao su khi quan hệ để phòng lây HIV (ảnh minh họa).

Năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cũng tiếp tục thực hiện Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS theo Quyết định số 02/QĐ-BYT ngày 03/01/2023 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện năm 2023 của dự án hỗ trợ kỹ thuật "Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2023".

Để đảm bảo chất lượng số liệu giám sát phát hiện HIV, Khoa Phòng - Chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cũng theo định kỳ triển khai rà soát số liệu người nhiễm HIV/AIDS và tử vong do AIDS, loại bỏ những trường hợp trùng lặp, bổ sung và cập nhật thông tin những trường hợp còn lại như mất dấu, chuyển đi, tử vong, những trường hợp không có thực tế. Đồng thời, những thông tin sau khi rà soát đã được cập nhật vào phần mềm HIV 4.0 và báo cáo Cục Phòng, chống HIV/AIDS kịp thời, chuẩn xác theo quy định. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng điều trị HIV/AIDS, kiểm soát tải lượng vi rút, xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi điều trị ARV luôn được chú trọng.

Hưng Đông

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vuot-moi-kho-khan-tao-su-an-tam-cho-benh-nhan-hiv-aids-169231128102717116.htm