Vững vàng nối bước tiền nhân

'Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời' ('Chiếu dời đô').

Ảnh: Vũ Long

Lời thiên định của Lý Công Uẩn đã được lịch sử Đại Việt chứng minh, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là hồn thiêng sông núi, nơi quyết định những thời khắc lịch sử trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Xuân Giáp Thìn 2024, ngẫm lời tiền nhân, dõi theo lịch sử, soi vào thực tế đương đại, thấy rằng những gì mà Hà Nội có được hôm nay chính là sự tiếp nối vững vàng tiền đề cho sự hình thành một Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại "mãi muôn đời".

Thủ đô Hà Nội tiếp tục vững vàng là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, năng động đổi mới, sáng tạo, góp phần thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Năm 2023, GRDP của thành phố Hà Nội tăng 6,27%, thấp hơn kịch bản đề ra nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung của cả nước (khoảng trên 5%). Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn là hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước có mức tăng trưởng khá (thành phố Hồ Chí Minh ước tăng 5,7%). Vốn FDI đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%; lượng khách du lịch đến thủ đô Hà Nội dự kiến đạt 24 triệu lượt khách. Nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Hà Nội là một trong ba thành phố của Việt Nam chuyển đổi số nhanh và sâu rộng, cũng là một trong những thành phố có nhiều cơ sở nghiên cứu, sản xuất về công nghệ lõi phục vụ chuyển đổi số...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu có tính lịch sử về phát triển kinh tế, Hà Nội đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mang tính tất yếu trên con đường đổi mới cao hơn, đồng bộ và toàn diện hơn. Trong đó, đáng lưu ý vẫn là tính bứt phá kinh tế của Thủ đô chưa tương xứng với tiềm năng và dư địa vốn có. Kinh tế Thủ đô, về cơ bản, vẫn chưa đủ nội lực để trở thành trung tâm kinh tế hiện đại ở khu vực ASEAN.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, làm cho Đảng bộ và hệ thống chính quyền Thủ đô ngày càng xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Hệ thống chính trị của Thủ đô ngày một được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Điều quan trọng nhất là sự đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, tổ chức xã hội theo các nguyên tắc Đảng, thể hiện tính chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân, điều hành xã hội theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, và tới đây là Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ sở chính trị, pháp lý để Thủ đô có thêm cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý phát triển trong thời kỳ tăng tốc, bứt phá. Mặc dù vậy, công tác xây dựng Đảng, chính quyền trên địa bàn Thủ đô còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trước hết là việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở cơ sở còn có nơi, có lúc, có cán bộ, đảng viên bộc lộ sự quan liêu, xa rời thực tế.

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội có sự khởi sắc, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị văn hiến ngàn năm linh thiêng, vừa hình thành những giá trị văn hóa đương đại. Hà Nội giờ đây không chỉ là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa mang hồn cốt dân tộc, mà điều quan trọng là đã “đánh thức” và đưa các giá trị đó vào cuộc sống đương đại. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội còn là chất xúc tác cho nguồn cảm hứng sáng tạo nhiều giá trị mới, là nhựa sống cho Việt Nam hội nhập với thế giới. Nhiều tác phẩm, công trình văn hóa nghệ thuật mang dấu ấn thời kỳ đổi mới được ra đời trên đất Thủ đô chính là nhờ một phần “men say” văn hóa chốn kinh thành ngàn năm văn hiến. Trên nền kiến tạo đã rõ nét tích cực ấy, cơ quan quản lý văn hóa và ban quản lý khu di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng như không gian văn hóa hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… có thể làm tốt hơn nữa việc tái hiện không gian kiến trúc lịch sử và nét đẹp văn hóa, nghệ thuật truyền thống, làm rõ hơn nét riêng có của đất và người Thăng Long - Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò hàng đầu về giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh, là trung tâm lớn nghiên cứu khoa học, công nghệ, nơi sáng tạo nhiều giá trị trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên địa bàn Hà Nội chỉ có 1 trường Đại học Đông Dương và 6 trường cao đẳng, một số trường phổ thông. Tháng 10-1954, khi tiếp quản Thủ đô, Hà Nội chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, 3 trường mầm non, 1 trường kỹ nghệ thực hành. Đến nay, toàn thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông với gần 2,2 triệu học sinh và gần 123.000 giáo viên. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, khang trang, hiện đại. Hà Nội luôn chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu về chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn, là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng đến tiến sĩ (với tổng số khoảng 150 trường, học viện, viện nghiên cứu); tiến trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng được mở rộng.

Hà Nội cũng là trung tâm lớn nhất cả nước về mạng lưới cơ sở y tế, có hơn 110 bệnh viện hoạt động trên địa bàn, trong đó có 41 bệnh viện công lập trực thuộc thành phố, 39 bệnh viện ngoài công lập, 31 bệnh viện trung ương, bộ, ngành; hơn 3.700 phòng khám tư nhân, 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Một số bệnh viện lớn có bề dày truyền thống, với đội ngũ thầy thuốc được đào tạo bài bản, một số chuyên khoa y cao đạt đẳng cấp quốc tế, là niềm tự hào của nền Y học Việt Nam.

Hà Nội là nơi tập trung tới 2/3 đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước, là đầu mối giao lưu, hợp tác nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ giữa Việt Nam với thế giới. Tính cả các cơ quan trung ương, 65% trong tổng số trí thức của cả nước có trình độ tiến sĩ trở lên làm việc tại Thủ đô; số văn nghệ sĩ, nghệ nhân chiếm khoảng 60%. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ hàng đầu của nước ta hội tụ tại Thủ đô là vốn quý cho đất nước và là nguồn lực vô giá giúp Thủ đô phát triển bền vững theo hướng văn hiến - văn minh - hiện đại, là cầu nối cho Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.

Đất nước đang rạo rực bước vào mùa xuân thứ 1014 năm kể từ khi đức vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, 94 năm có Đảng lãnh đạo, 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 70 năm Giải phóng Thủ đô, 38 năm đổi mới, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào và tuyệt đối tin tưởng rằng, cơ đồ dân tộc ngày càng tươi sáng, vóc dáng Thủ đô được mở rộng và vươn lên tầm cao mới. Lòng ta càng thêm trân quý, tự hào, nguyện cùng chung sức đồng lòng gìn giữ, dựng xây Thăng Long - Hà Nội vững bền, bình yên tươi đẹp, khỏe cả về vật chất và tinh thần như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xuân Giáp Thìn 2024

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/vung-vang-noi-buoc-tien-nhan-658198.html