Vùng triều “dậy sóng”

Sau nhiều năm cho Phân viện Kinh tế sinh thái (KTST) miền Trung tại Thanh Hóa (thuộc Viện KTST Hà Nội) “mượn” 20 ha đất làm dự án (D.A) nhưng không trả lại đất như cam kết ban đầu, 53.000 cây đước và gần 1 ha đất lâm nghiệp bị Nhà nước thu hồi để làm đường giao thông huyết mạch từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn không được đền bù.

Ông Trương Bá Tiện (người đội mũ) cùng con cháu cung cấp thông tin, tư liệu cho phóng viên. Ảnh: Văn Thanh

Uất ức vì bị phủi bỏ công sức khai hoang, nuôi trồng, quản lý, bảo vệ, quyền sở hữu, ông Tiện đã gửi đơn kêu cứu khắp các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Chủ tịch huyện cấp GCNQSDĐ

Vùng triều ngập mặn đê Trẹm có trong bản đồ 299 của Chính phủ, thuộc địa bàn xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia.

Trước năm 1970, vùng triều này được xây dựng đê Cá để ngọt hóa đưa vào canh tác nông nghiệp nhưng không thành.

Đến năm 1978, công trình ngăn mặn của huyện Tĩnh Gia được xây dựng xong, vùng triều này được đưa vào sản xuất nông nghiệp 2 lúa không ăn chắc.

Ngày 22/9/1993, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia có Quyết định số 107 chuyển đổi đất hoang, đất 2 lúa không ăn chắc qua nuôi trồng thủy sản theo D.A 327 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Trước đó, ngày 4/1/1993, căn cứ vào phân vùng quy hoạch, sử dụng đất và đơn xin nhận đất, nhận rừng của ông Trương Bá Tiện, thôn 5, xã Xuân Lâm, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia Nguyễn Văn Hoạt đã ký Quyết định số 16 giao cho ông Tiện 200 ha diện tích đất lâm nghiệp để phát triển sản xuất lâm nghiệp và lập vườn kinh tế gia đình (trong đó đất trồng rừng 195 ha, đất lập vườn 5 ha). Theo biên bản giao nhận đất rừng giữa Hạt Kiểm lâm và ông Tiện thì 200ha đất này thuộc lưu vực bãi bồi cầu Đồi, phía Bắc giáp ranh với xã Nguyên Bình; Nam giáp với đê xã Trúc Lâm; Đông giáp sông Lạch Bạng; Tây giáp đê Xuân Lâm.

Ngoài việc giao 200ha đất, ngày 15/4/1996, để phục vụ mục đích nuôi tôm theo Chương trình 327 của Chính phủ, ông Tiện tiếp tục được Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp 8,7ha. Tổng diện tích đất lâm nghiệp hộ ông Tiện được cấp là 208,7ha.

Sau khi nhận đất, với sức trẻ, nhiệt huyết, hoài bão, ông Tiện đã cùng gia đình vay vốn đầu tư, bỏ công sức lao động, mua con giống, cây giống để “đánh thức” vùng triều bằng đào đắp quai ao, đào mương xây cống nội đồng, trồng cây đước chắn sóng, nuôi tôm giống, cua biển, đóng góp nghĩa vụ cho chính quyền địa phương.

D.A “mượn” đất nhưng không trả

Sự việc sẽ không có gì để nói, nếu năm 1996, Phân viện KTST miền Trung tại Thanh Hóa không có Tờ trình gửi huyện và tỉnh Thanh Hóa xin cấp đất D.A để thực nghiệm kinh tế vùng triều ngập mặn xã Xuân Lâm.

Dựa trên cơ sở đã phê duyệt D.A nghiên cứu thực nghiệm phục hồi hệ sinh thái vùng triều ngập mặn gắn với nuôi trồng thủy sản xã Xuân Lâm, ngày 12/9/1996 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thát đã ký quyết định thu hồi đất 200.000m2 (20ha) đất của xã Xuân Lâm (khu đất này đã cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Tiện) giao cho Phân viện KTST miền Trung tại Thanh Hóa quản lý, thực hiện D.A, trong đó 11.300m2 (11,3ha) là đất ngoại đê (thuộc GCNQSDĐ 50 của hộ ông Tiện) và 87.000m2 (8,7ha) là đất nội đê (thuộc GCNQSDĐ 20 năm của hộ ông Tiện). Nội dung quyết định thu hồi đất cũng ghi rõ, phải đền bù thiệt hại cho chủ đất theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, lúc này chủ D.A là Phân viện KTST miền Trung tại Thanh Hóa chưa có tiền đền bù thiệt hại cho hộ ông Tiện. Chưa kể, hộ ông Tiện cũng chưa nhận đồng nào từ việc thu hồi tài sản ở khu vực đất này.

Theo tư liệu ghi lại bằng văn bản có chữ ký, đóng dấu xác nhận của cán bộ địa chính xã Xuân Lâm, Viện KTST Hà Nội và Phân viện KTST miền Trung tại Thanh Hóa, tổng số tiền hộ ông Tiện đầu tư, chi phí vào khu đất 20 ha này là 3,8 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện thuận lợi, triển khai kịp thời D.A, hộ ông Tiện đã đồng ý trích cho Phân viện KTST miền Trung tại Thanh Hóa “mượn” sử dụng 20 ha đất của gia đình đang quản lý. Các bên đã ghi nhận kiến nghị của hộ ông Tiện, quá trình thực hiện D.A có gì thay đổi mục tiêu, trách nhiệm của Viện KTST cùng Phân viện KTST miền Trung tại Thanh Hóa phải lập thủ tục trình UBND tỉnh Thanh Hóa xin trả lại nguyên trạng đất cho hộ ông Tiện, đảm bảo quyền lợi công dân theo luật định.

Mặc dù văn bản ký kết là vậy, thế nhưng đến nay UBND tỉnh Thanh Hóa lại thu hồi 20 ha đất thực hiện D.A giao lại cho chính quyền xã Xuân Lâm quản lý, gây bức xúc cho hộ gia đình ông Tiện.

Nhiều lần hộ ông Tiện đã gửi đơn đến các ban, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa nhưng đều nhận được những câu trả lời không thỏa đáng. Đặc biệt, mới đây thực hiện D.A đường giao thông Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thu hồi gần 1ha đất và khoảng 53.000 cây đước thuộc khu vực đất của hộ gia đình ông Tiện. Do không được nhận tiền đền bù, công chăm sóc, khai hoang, bảo vệ… người nhà ông Tiện đã ra ngăn cản, gây mất an ninh trật tự, đồng thời gửi đơn đến các ban, ngành chức năng kêu cứu. Vụ việc đang khiến vùng triều xã Xuân Lâm “dậy sóng”, các cơ quan chức năng cũng đau đầu về những rắc rối xung quanh việc cho “mượn” đất làm D.A nhưng đến nay đất lại được giao cho chính quyền địa phương quản lý.

Những tình tiết quan trọng của vụ việc sẽ được phóng viên đề cập, thông tin đến bạn đọc trong các số báo tiếp theo.

Văn Thanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/vung-trieu-day-song_t114c39n101573