Vững tin ở vùng đất mới

Gần 5 năm rời quê vào Đồng Nai lập nghiệp, hàng trăm lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai hiện có công ăn việc làm ổn định tại các nông trường cao su thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Nhiều người đã xem Đồng Nai là quê hương thứ hai của mình.

Công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số miệt mài làm việc bên vườn cao su. Ảnh: L.Mai

Anh Tẩn Seo Thề, công nhân Nông trường Cẩm Đường (huyện Cẩm Mỹ) cho hay, với hy vọng cây cao su và vùng đất mới sẽ giúp công nhân có tương lai tươi sáng hơn, anh và nhiều lao động trẻ đã vượt qua quãng đường dài vào sinh sống và làm việc ở Đồng Nai.

* Cây cao su làm thay đổi đời sống công nhân

Hơn 3 năm nay, vợ chồng anh Tẩn Seo Thề - chị Lừu Thị Chư đã quen với cây cao su và cuộc sống nơi đây. Hàng ngày, anh Thề chở vợ đi làm trên những con đường đất đỏ quen thuộc, hai bên đường là những lô cao su xanh mướt.

Theo anh Thề, 3 năm trước, thấy em họ làm công nhân cao su ở Đồng Nai có thu nhập ổn định nên vợ chồng anh khăn gói từ Hà Giang vào làm công nhân. Lúc mới vào, khó khăn nhất là anh chưa quen với văn hóa và điều kiện sống nơi đây. Tuy nhiên, khi được lãnh đạo nông trường động viên, hỗ trợ, anh dần quen và thích nghi.

Hiện vợ chồng anh Thề trở thành nguồn động lực cho nhau để làm tốt công việc, hoàn thành sản lượng cạo mủ được giao hàng tháng. Nhờ đó, thu nhập dần cải thiện, bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Việc làm ổn định, môi trường sống thuận lợi nên vợ chồng anh quyết định gắn bó lâu dài với cây cao su.

“Ở quê, tôi và vợ chỉ biết làm rẫy, trồng lúa nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi gắn bó với cây cao su, cuộc sống đã thay đổi và ổn định hơn, tôi tiết kiệm được các khoản gửi về quê cho gia đình” - anh Thề bộc bạch.

Hiện lao động ngoại tỉnh tại Tổng công ty Cao su Đồng Nai có khoảng 800 người, chiếm 30% lực lượng lao động, chủ yếu đến từ các tỉnh Hà Giang, Lào Cai. Đây là lực lượng lao động quan trọng góp phần vào sự phát triển ổn định của tổng công ty.

Cũng với hy vọng thay đổi cuộc sống khó khăn, anh Hạng Seo Giàng và vợ rời quê hương Hà Giang vào Đồng Nai gắn bó với cây cao su 4 năm nay. Anh Giàng cho biết, cuộc sống ở quê rất khó khăn vì chủ yếu làm rẫy, trồng bắp kiếm sống; chăn nuôi không lời được bao nhiêu do không có kỹ thuật và nguồn vốn. Việc lựa chọn xa quê lập nghiệp ở vùng đất mới đã mang lại cho anh và gia đình một cuộc sống tươm tất, đầy đủ hơn. Dù thời gian đầu tiếp nhận công việc và môi trường sống mới, anh khá bỡ ngỡ nhưng hiện tại, anh Giàng đã quen phong tục, đời sống và xác định bám trụ với cây cao su và mảnh đất lành nơi đây.

Theo anh Giàng, một trong những động lực để anh và nhiều lao động trẻ gắn bó với cây cao su đến nay là luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tổng công ty đến nông trường qua việc hỗ trợ, chăm lo, tạo điều kiện đầy đủ từ nơi ăn, chốn ở đến đồ dùng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày và việc học tập cho các em nhỏ. Nhờ đó, anh Giàng có thêm tiền gửi về quê phụng dưỡng cha mẹ và sắm sửa đồ đạc cho gia đình.

“Từ khi có công việc ổn định tại Đồng Nai, tôi có thu nhập để phụ giúp cha mẹ ở quê và có nguồn tích lũy lo tương lai cho gia đình” - anh Giàng chia sẻ.

* Tạo điều kiện để công nhân gắn bó

Theo Giám đốc Nông trường Cẩm Đường Phan Quang Bá, những năm 2016-2019, nông trường đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, dẫn đến không hoàn thành kế hoạch sản lượng được giao. Nhờ chủ trương tuyển dụng lao động đồng bào miền núi phía Bắc của tổng công ty, đến nay nông trường đã đảm bảo nguồn lực khai thác mủ và lực lượng lao động đáp ứng được các yêu cầu công việc. Để công nhân yên tâm gắn bó, ngoài đảm bảo các chế độ chính sách, tổng công ty còn lo nhà ở đầy đủ tiện nghi, giúp họ có cuộc sống ổn định hơn.

Giám đốc Nông trường Cẩm Đường (huyện Cẩm Mỹ) Phan Quang Bá tặng quà tết cho công nhân

Hiện toàn Tổng công ty Cao su Đồng Nai có 4 khu nhà lưu trú đáp ứng nơi ở cho lực lượng lao động là người ngoại tỉnh. Tất cả các phòng ở đều được trang bị giường, chiếu, chăn, màn, quạt điện, nồi cơm điện, bình gas, bếp gas, nhà vệ sinh khép kín. Những năm qua, nhờ chế độ lương thưởng và an sinh tốt nên lực lượng lao động này ngày càng nhiều hơn. Ban giám đốc và các cấp Công đoàn tổng công ty luôn ưu tiên, tạo môi trường rèn luyện, phấn đấu cho những công nhân ngoại tỉnh có ý chí vươn lên, tinh thần học hỏi, trau dồi kỹ năng trong công việc và hoạt động đoàn thể.

Đối với những lao động mới, các nông trường quan tâm, hỗ trợ để họ hòa nhập nhanh với cuộc sống ở đây, tiếp nhận công việc hiệu quả. Cùng với đó, khuyến khích công nhân học tập nâng cao trình độ học vấn qua việc hỗ trợ học phí, tặng học bổng, quà khi công nhân tự học và tốt nghiệp. Tổng công ty quan tâm tổ chức các lễ hội văn hóa, giao lưu thể thao để công nhân tham gia. Từ đó, đời sống văn hóa tinh thần và vật chất ngày một cải thiện. Công nhân đều nêu cao đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong đời sống và hăng hái thi đua sản xuất.

Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Cao su Đồng Nai Nguyễn Thị Thanh Thúy cho hay, tổng công ty luôn ưu tiên các chế độ cho công nhân ở miền núi phía Bắc vào làm việc. Trong đó, quan tâm chăm lo toàn diện đúng như đã hứa ban đầu, nhất là về chỗ ở, điều kiện sống. Nhờ đó, họ yên tâm với công việc, nhiều người trở thành công nhân cạo mủ giỏi. Hiện có những công nhân là tổ trưởng Công đoàn, tổ trưởng sản xuất và tham gia nhiều hoạt động do Công đoàn và tổng công ty phát động.

Đến các lô cao su những ngày này mới thấy không khí làm việc hăng say của những lao động nơi đây. Họ háo hức, miệt mài làm việc quanh những gốc cây cao su. Từng đôi mắt chăm chú, tập trung, những đôi tay lành nghề thoăn thoắt xoay quanh thân cây… Với họ, mảnh đất mới không chỉ là nơi khơi dậy tinh thần phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống mà hơn hết, đời sống họ và gia đình đã được cải thiện rõ rệt.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202403/vung-tin-o-vung-dat-moi-4485bb9/