Vùng nào có nhiều sân bay dân dụng nhất cả nước?

Việt Nam hiện có 22 sân bay dân dụng đang hoạt động, trong đó, có 12 sân bay quốc nội và 10 sân bay quốc tế. Một vùng kinh tế của nước ta chiếm hơn 40% tổng số sân bay của cả nước.

1. Vùng nào có nhiều sân bay dân dụng nhất cả nước?

Đồng bằng sông Hồng
Đông Nam Bộ
Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung
Đồng bằng sông Cửu Long

Chính xác

Cả nước có 22 sân bay dân dụng đang hoạt động, trong đó, 10 sân bay quốc tế gồm nằm tại các tỉnh, thành: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cần Thơ, Quảng Ninh.

Còn lại là 12 sân bay quốc nội: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Bình, Điện Biên, Thanh Hóa.

Như vậy, Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung là vùng có nhiều sân bay dân dụng nhất cả nước với 4 sân bay quốc tế, 5 sân bay nội địa. 9/14 tỉnh thành tại vùng này có sân bay.

2. Sân bay duy nhất nào thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc?

Điện Biên
Tuyên Quang
Liên Khương
Phù Cát

Chính xác

Cảng hàng không Điện Biên Phủ là sân bay ở TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Trước chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đây là sân bay dã chiến được thực dân Pháp xây dựng, giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp vận cho cứ điểm phòng thủ.

Đến năm 1958, vận tải hàng không dân dụng do quân đội Việt Nam đảm nhiệm chính thức được mở tại sân bay Điện Biên Phủ, tuy nhiên số lượng chuyến bay còn hạn chế.

Hiện tại, sân bay Điện Biên Phủ đã có nhiều cải tiến, phục vụ khách hàng có nhu cầu di chuyển Điện Biên – Hà Nội và một số đường bay quốc tế.

3. Tỉnh duy nhất nào có hai sân bay dân dụng đang hoạt động?

TP.HCM
Hà Nội
Kiên Giang
Khánh Hòa

Chính xác

Kiên Giang là tỉnh duy nhất nước ta sở hữu 2 sân bay gồm sân bay Rạch Giá, cách trung tâm TP Rạch Giá 7km về phía đông và sân bay quốc tế Phú Quốc, nằm ở phía nam đảo Phú Quốc.

Sân bay Rạch giá được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1950, khi trở lại chiếm đóng Nam Bộ. Chức năng chính của sân bay lúc bấy giờ là đảm bảo liên lạc hành chính giữa Sài Gòn và miền Tây Nam bộ.

Đầu năm 1960, sân bay tiếp tục được hoàn chỉnh xây dựng, phục vụ cho mục đích quân sự. Năm 1979, sân bay Rạch Giá được đầu tư, mở rộng, đón các chuyến bay thương mại.

Trong khi sân bay quốc tế Phú Quốc bắt đầu phục vụ các chuyến bay vào năm 2012, do Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam là chủ đầu tư xây dựng.

4. Nguồn gốc tên gọi của sân bay Tân Sơn Nhất đến từ đâu?

Ngọn núi
Con sông
Ngôi làng
Quận/huyện

Chính xác

Theo cuốn Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ, trước năm 1919, Tân Sơn Nhứt hay Tân Sơn Nhất là tên ngôi làng nằm trên gò đất cao ở phía bắc Sài Gòn, thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.

Đến năm 1920, thực dân Pháp lấy phần lớn diện tích làng Tân Sơn Nhứt để xây sân bay, sân bay được mang tên làng từ đó. Phần diện tích còn lại của làng hợp với làng Chí Hòa thành làng Tân Sơn Hòa.

5. Đâu là sân bay quốc tế đầu tiên của Việt Nam?

Sân bay Nội Bài
Sân bay Tân Sơn Nhất
Sân bay Lũng Cò
Sân bay Cam Ranh

Chính xác

Sân bay Lũng Cò thuộc chiến khu Việt Bắc (nay thuộc xã Minh Thanh, Sơn Dương, Tuyên Quang) là sân bay đầu tiên do quân dân ta thiết kế, xây dựng và điều hành. Đây cũng được xem là sân bay quốc tế đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Sân bay được xây dựng và sử dụng trong thời gian gần 2 tháng từ tháng 6 đến tháng 8/1945 với nhiệm vụ đưa đón quân đồng minh và vận chuyển thuốc men, vũ khí từ Côn Minh (Trung Quốc) sang Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Sân bay Lũng Cò mở ra thời kỳ mới cho hoạt động hàng không quốc tế.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vung-kinh-te-nao-co-nhieu-san-bay-dan-dung-nhat-ca-nuoc-2174062.html