Vùng hạ "cất cánh"

Khu công nghiệp Long Hậu (Cần Giuộc, Long An) hoạt động khá hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế trong vùng phát triển.

Vùng hạ, tỉnh Long An bao gồm 16 xã của hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc, với diện tích tự nhiên 22.913ha. Đây là vùng đất tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, khu vực kinh tế trọng điểm phía nam. Không chỉ thế, vùng hạ còn có tuyến quốc lộ 50 đi qua, là cửa ngõ thông thương ra biển và có nguồn nhân lực khá lớn nên có điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là tiếp nhận sự chuyển giao công nghiệp từ thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do giáp với biển, và có sông ngòi chằng chịt, vùng hạ thường xuyên bị ngập mặn, việc đi lại, làm ăn sinh sống của người dân nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Văn Mười, ấp Tân Đông, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc kể: "Những con đường liên xã ở vùng hạ Cần Giuộc trước đây chỉ là đường nhỏ, đất đen... Người dân phần lớn chỉ trồng lúa mùa nên thu nhập rất thấp". Số hộ đói nghèo của vùng chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn tỉnh (năm 1998, 1999 có hơn 2.000 hộ dân thuộc diện phải cứu đói từ ba đến chín tháng). Ngoài ra, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường thấp hơn mức bình quân chung của hai huyện Cần Đước, Cần Giuộc.

Sau ngày giải phóng, Nhà nước đã nỗ lực xây dựng nhiều công trình hạ tầng, tạo điều kiện phát triển sản xuất, nhưng những nỗ lực đó vẫn chưa thật sự khơi dậy tiềm năng phát triển đúng hướng của vùng. Từ thực tế đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/T.U về phát triển kinh tế - xã hội vùng hạ Cần Giuộc, Cần Đước với mục tiêu đến năm 2010 hình thành cơ cấu kinh tế của vùng là công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Nghị quyết ra đời đã góp phần nâng cao mức sống dân cư trong vùng lên mức trung bình của toàn tỉnh và củng cố vững chắc vị trí kinh tế an ninh - quốc phòng của tỉnh. Trong suốt 10 năm thực hiện Nghị quyết, với nguồn vốn cơ bản là từ dân, đồng thời phát huy các nguồn lực từ bên ngoài, vùng hạ từng bước khởi sắc, với nhiều công trình mang tính chiến lược đã hoàn thành. Giao thông, các công trình thủy lợi tại các xã vùng hạ được xây dựng và nâng cấp, mở ra nhiều cơ hội cho vùng trong việc thu hút các nhà đầu tư phát triển công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp từ thành phố Hồ Chí Minh.3 Riêng tại huyện Cần Giuộc, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, huyện đã tiếp nhận hơn 41 dự án đầu tư phát triển công nghiệp, dân cư, thương mại dịch vụ... với tổng diện tích sử dụng đất là 4.269 ha. Những đê bao ngăn mặn đã hình thành, tạo điều kiện cho người dân trong vùng thực hiện thành công chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao sản lượng.

Thành tựu nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Tỉnh ủy Long An về phát triển kinh tế - xã hội vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc chính là đã biến vùng đất phèn, nhiễm mặn này thành vùng đất đầy tiềm năng trong phát triển công nghiệp. Đến nay, nhiều khu, cụm công nghiệp đã hình thành và đang thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Thành lập từ năm 2006, khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc là một trong những khu công nghiệp hoạt động hiệu quả, không chỉ riêng vùng hạ. Đến nay, sau gần sáu năm hình thành, tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp Long Hậu đã chiếm tới 70%, thu hút 80 công ty đến đầu tư và tạo việc làm cho hơn 10 nghìn công nhân. Giám đốc tiếp thị và kinh doanh Công ty cổ phần Long Hậu Phan Nhiên Hảo cho biết, khi công ty quyết định đầu tư vào ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, vùng đất này chỉ là vùng đất nhiễm mặn, không có nước sạch, không có đường dành cho xe ô-tô. Người dân ở đây chủ yếu làm lúa mùa, năng suất thấp nên thu nhập rất bấp bênh. Khi thấy vùng đất này sản xuất nông nghiệp không mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Cần Giuộc quyết định quy hoạch để phát triển công nghiệp. Chỉ sau một thời gian ngắn, vùng đất nhiễm mặn Long Hậu đã mang bộ mặt khang trang hơn. Với diện tích 288 ha, khu công nghiệp Long Hậu không chỉ đầu tư cho sản xuất công nghiệp mà còn bao gồm nhiều dịch vụ tài chính. "Chiến lược phát triển của công ty chúng tôi là phát triển bền vững, bên cạnh mục tiêu về tài chính, chúng tôi còn thực hiện các mục tiêu mang tính phục vụ xã hội, cộng đồng". Chính vì thế, Công ty cổ phần Long Hậu đã xây dựng hệ thống nhà lưu trú, phòng khám đa khoa, siêu thị, trường mầm non, khu thể thao để phục vụ công nhân. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc Nguyễn Văn Thiệp cho biết, là địa phương phát triển công nghiệp sau một số địa phương khác trong tỉnh, nên huyện đã rút ra nhiều bài học trong việc thu hút các nhà đầu tư. Huyện không có chủ trương thu hút đầu tư một cách tràn lan mà chú trọng đến những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về kinh tế, sử dụng công nghệ cao và không ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Đó là quan điểm của tỉnh trong việc phát triển công nghiệp ở vùng hạ.

Để vùng hạ phát triển bền vững, bên cạnh ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp vùng hạ vẫn tiếp tục đầu tư theo hướng đi vào chiều sâu. Ngoài diện tích nuôi tôm đạt hiệu quả trong thời gian qua, vùng hạ đang phát triển mạnh về diện tích rau màu. Hiện Cần Đước và Cần Giuộc có hơn 7.000 ha chuyên canh rau màu, trong đó có 500 ha rau an toàn cung cấp cho hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh. Phát triển cây rau màu là một hướng phát triển mới cho nông nghiệp vùng hạ đang gặt hái nhiều thành quả.

Dù có sự phát triển vượt bậc trong những năm qua, vùng hạ vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới để phát triển đồng bộ hơn. Đó là công tác đào tạo nguồn nhân lực, bộ máy hành chính các cấp vẫn chưa đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển công nghiệp hiện nay. Công tác chuyển đổi nghề cho nông dân vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Là vùng đất thấp, tiếp giáp với biển, nên việc phát triển kinh tế - xã hội của các huyện vùng hạ cũng cần gắn với công tác phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu nhằm giúp cho vùng phát triển ổn định hơn, xứng đáng đóng vai trò động lực, góp phần tạo sự lan tỏa vùng trong phát triển công nghiệp, thương mại- dịch vụ của tỉnh.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/vung-h-c-t-canh-1.341090