Vùng đồng bằng sông Hồng: Khắc phục tình trạng chia cắt, 'khép kín' theo địa giới tự nhiên và hành chính

Các đại biểu tham dự Hội nghị của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng đều nhấn mạnh yêu cầu đồng thuận, nhất trí và đề xuất hàng loạt giải pháp để tăng cường liên kết vùng, khắc phục tình trạng chia cắt, 'khép kín' theo địa giới tự nhiên và hành chính.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng phải có được vai trò điều phối, phân bổ các nguồn lực phát triển của vùng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng phải có được vai trò điều phối, phân bổ các nguồn lực phát triển của vùng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 20/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, việc ra mắt Hội đồng điều phối vùng ĐBSH đã giúp ông giải tỏa được điều băn khoăn từ khi thông qua Luật Quy hoạch, trong đó quy hoạch vùng được xác định là một cấp quy hoạch rất quan trọng, nhưng không biết ai là người có vai trò và trách nhiệm quản lý, điều hành.

Hoạt động của Hội đồng cũng sẽ giúp khắc phục được những vấn đề bất cập do không phối hợp được với nhau giữa các tỉnh trong vùng, dẫn đến những mâu thuẫn, chồng chéo không phối hợp được với nhau trong phát triển, nguồn lực phát triển đã hạn hẹp lại bị xé lẻ.

Ông cho rằng, để Hội đồng thực sự có vai trò điều phối sự phát triển của vùng, thì điều quan trọng nhất là Hội đồng phải có được vai trò điều phối, phân bổ các nguồn lực phát triển của vùng. Muốn vậy, Hội đồng vùng phải nắm được 2 khâu: Một là quy hoạch phát triển vùng, hai là nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch, quan trọng nhất là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng. Sự thành công của Hội đồng điều phối vùng là sự đồng thuận, nhất trí cùng hành động để tạo các đầu tầu kéo cả đoàn tầu cùng phát triển tiến lên.

Tham luận về các giải pháp chính sách phát triển trung tâm kinh tế biển và tam giác động lực vùng ĐBSH, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp để xây dựng các cơ chế, chính sách, đề án trọng tâm, trọng điểm hoàn thiện thể chế tạo đột phá cho phát triển vùng.

Cụ thể, phối hợp với Hải Phòng cùng với Bộ TN&MT xây dựng Đề án phát triển khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á và là động lực phát triển của vùng.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương trong vùng ĐBSH để cùng Bộ Tài chính về xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách để khuyến khích nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu; cho phép địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án vùng, liên vùng.

Tỉnh cũng sẽ xây dựng các đề án tạo đột phá cho phát triển, gồm đề án phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, đề án thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại Móng Cái.

Ông đề nghị, cần cho phép "cơ chế mở" để các địa phương vùng ĐBSH có thể sử dụng ngân sách của mình để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường Quốc lộ, cũng như ưu tiên đầu tư các tuyến đường huyết mạch có tính chất kết nối vùng, liên vùng nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng, như đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, Quốc lộ 4B, tuyến đường sắt Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân. Cùng với đó, đầu tư hạ tầng kết nối để các địa phương trong miền núi phía Bắc "có biển" qua các cửa ngõ Quảng Ninh, Hải Phòng...

Cần xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; giữ vững chủ quyền an ninh biên giới trên đất liền, trên biển đảo.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp để xây dựng các cơ chế, chính sách, đề án trọng tâm, trọng điểm hoàn thiện thể chế tạo đột phá cho phát triển vùng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp để xây dựng các cơ chế, chính sách, đề án trọng tâm, trọng điểm hoàn thiện thể chế tạo đột phá cho phát triển vùng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hậu cần sau cảng (logictics, tiếp vận…) của vùng ĐBSH.

Tỉnh đề xuất sớm nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng và triển khai ga liên vận quốc tế tại Cẩm Giàng, Hải Dương để đưa hàng hóa tiếp cận sâu vào lục địa Trung Quốc thông qua tỉnh Vân Nam, gắn với các cảng biển như cảng Đình Vũ... để thuận tiện cho lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng vào các tỉnh trong vùng.

Chủ tịch tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Bộ KH&ĐT, VCCI quan tâm giới thiệu các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm để khảo sát, phát triển trung tâm logistics tại tỉnh Hải Dương, nhất là khu vực các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Thanh Hà nhằm khai thác lợi thế nút giao với đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; trung tâm logistics tại thị xã Kinh Môn để khai thác lợi thế kết nối với Quốc lộ 5 và kết nối với sông Cấm ra cảng biển Hải Phòng.

Đồng thời, các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và phát triển logicstis; đặc biệt là các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ có tính chất đặc thù của từng vùng phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong vùng có thể tham gia vào chuỗi giá trị các doanh nghiệp FDI.

Trong tham luận gửi hội nghị, UBND tỉnh Thái Bình đánh giá đẩy mạnh liên kết vùng là xu thế khách quan tất yếu, là yêu cầu bắt buộc, là nhiệm vụ quan trọng và là cơ hội to lớn để đẩy nhanh tiến trình phát triển của tỉnh, theo kịp các tỉnh bạn trong khu vực, góp phần khắc phục hiệu quả tình trạng chia cắt, "khép kín" theo địa giới tự nhiên và hành chính.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tỉnh Thái Bình đã xác định một trong 3 đột phá chiến lược là: "Tập trung xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối của tỉnh với các trung tâm kinh tế Duyên hải Bắc bộ… Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh".

Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng các kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, đề ra các nhiệm vụ giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh gắn với mục tiêu phát triển vùng logistics, trong đó, chú trọng các nội dung thúc đẩy Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định-Ninh Bình.

Thái Bình đang tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối trọng điểm có tác động quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh và thúc đẩy liên kết vùng.

Dự kiến trong 3 đến 5 năm của nhiệm kỳ, các hạ tầng kỹ thuật giao thông quan trọng như tuyến đường bộ ven biển qua các tỉnh Duyên hải Bắc bộ, tuyến đường Thái Bình-Hà Nam, đặc biệt tuyến đường cao tốc đi qua Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình sẽ hoàn thành, tạo nên mạng lưới giao thông liên kết vùng hoàn chỉnh, giúp rút ngắn khoảng cách từ Thái Bình đến các tỉnh lân cận và Thủ đô Hà Nội, rút ngắn thời gian đến sân bay Cát Bi (Hải Phòng), đến cảng Lạch Huyện và các cảng biển nước sâu trong vùng, hình thành trục phát triển xuyên suốt, tạo không gian và động lực phát triển mới, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm.

Đặc biệt, tỉnh đã tập trung xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình toàn diện, đã và đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đến nay, các dự án đã được chấp thuận đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình là 188 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư 99.142 tỷ đồng. Riêng Khu công nghiệp Liên Hà Thái chỉ trong vòng gần 3 năm kể từ khi thành lập đã giải phóng mặt bằng được gần 600 ha đất và thu hút được 8 dự án FDI, 1 dự án đầu tư trực tiếp trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 754 triệu USD (dự kiến đến hết quý III/2023 đạt số vốn đăng ký đầu tư hơn 1 tỷ USD).

Tỉnh Thái Bình đề nghị có cơ chế xử lý các vướng mắc đối với các công trình, dự án liên quan đến 2 tỉnh (sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ cho địa phương khác để đầu tư công trình, dự án), hỗ trợ cho các địa phương từ nguồn ngân sách Trung ương để triển khai một số công trình giao thông kết nối liên vùng và có hướng dẫn cụ thể để xử lý các vướng mắc đối với các dự án BT chuyển tiếp và tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án BOT chuyển tiếp (điều chỉnh tăng tỉ lệ vốn góp của Nhà nước so với hợp đồng đã ký kết và vượt quá 50%).

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị Hội đồng vùng xem xét việc xây dựng đề án thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSH, kết nối với các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị Hội đồng vùng xem xét việc xây dựng đề án thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSH, kết nối với các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, vùng ĐBSH có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đứng đầu cả nước. Số tổ chức nghiên cứu và phát triển của vùng chiếm trên 50% của quốc gia; có trên 150 cơ sở giáo dục trình độ đại học trở lên; có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; hơn 500 tổ chức khoa học công nghệ công lập và ngoài công lập, sàn giao dịch công nghệ thiết bị. Đầu tư ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016-2020 chiếm gần 30% toàn quốc. Đây cũng là địa bàn hoạt động của nhiều tập đoàn kinh tế lớn với các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.

Bộ trưởng đề nghị một số giải pháp về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch về cơ sở nghiên cứu khoa học; phát triển các khu công nghệ cao và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam… trong đó Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học; Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ về biển…

Đây là các định hướng mà Bộ đã đưa vào dự thảo Quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ công lập đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ trưởng đề nghị Hội đồng vùng xem xét việc xây dựng đề án thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSH, kết nối với các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, nhất là Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Hiện nay, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng 3 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại 3 vùng (Bắc, Trung, Nam) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương trong vùng cũng cần quan tâm, đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới, các di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các khu văn hóa tín ngưỡng lớn, di sản văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng của vùng.

Hà Văn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/vung-dong-bang-song-hong-khac-phuc-tinh-trang-chia-cat-khep-kin-theo-dia-gioi-tu-nhien-va-hanh-chinh-102230720113157571.htm