Vui Xuân, đón Tết an toàn

Tết Nguyên đán đã cận kề, đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng sử dụng các phương thức, thủ đoạn tinh vi để mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép. Hiện lực lượng Công an toàn tỉnh đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng này.

Đối tượng Nguyễn Ngô Tuyên, sinh năm 2000 ở xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao cùng tang vật là pháo nổ do Tuyên tự chế bị cơ quan Công an thu giữ.

Chủ động đánh chặn từ xa

Mặc dù quy định nghiêm cấm sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ đã được thực hiện nhiều năm nhưng một bộ phận người dân, nhất là thanh, thiếu niên vẫn chưa chấp hành triệt để. Thực hiện cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ ngày 15/12/2023 đến nay, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 130 vụ/159 đối tượng vi phạm về pháo, thu 957,912kg và 17 quả pháo các loại; khởi tố 38 vụ/49 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 57 vụ/65 đối tượng, phạt tiền 385.250.000 đồng, phạt cảnh cáo 15 vụ/15 đối tượng. Riêng thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm ANTT dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ ngày 15/12/2023 đến 30/12/2023 đã bắt giữ 28 vụ/38 đối tượng, thu 144,68kg pháo, khởi tố 7 vụ/10 đối tượng.

Điển hình, hồi 14h15, ngày 21/12/2023, tại nhà Nguyễn Bá Cường, sinh năm 2006, ở khu 3, xã Minh Hạc, huyện Hạ Hòa, tổ công tác của Công an huyện đã phát hiện Cường có hành vi tàng trữ trái phép 32 quả pháo và ba túi nilon bên trong có các loại bột màu. Nguyễn Bá Cường khai nhận số pháo trên do Cường mua nguyên, vật liệu qua mạng về tự chế tạo, sản xuất. Hiện Công an huyện Hạ Hòa đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định.

Trước đó, hồi 1h00, ngày 15/12/2023, trong quá trình tuần tra, kiểm sát trên địa bàn xã Xuân Lũng, Công an huyện Lâm Thao kiểm tra xe mô tô nhãn hiệu Honda Dream, biển số 19S1-118.45 do Nguyễn Ngô Tuyên, sinh năm 2000, ở khu 12, xã Xuân Lũng điều khiển, phát hiện chở theo một thùng bìa cát tông chứa 197 khối hình trụ tròn, trọng lượng 52,3kg. Quá trình làm việc, Tuyên khai nhận số khối trụ trên là pháo nổ do Tuyên tự chế.

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, càng gần Tết Nguyên đán, các đối tượng sản xuất, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ, pháo lậu càng hoạt động mạnh. Nổi lên, có nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để bí mật liên lạc, giao dịch mua bán nguyên, vật liệu chế tạo pháo trên mạng, hướng dẫn nhau sản xuất và trao đổi, mua bán pháo nổ trái phép.

Cần hiểu đúng các quy định pháp luật

Thời điểm cuối năm, theo nhận định, việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo nổ trái phép có xu hướng gia tăng, không chỉ trên địa bàn tỉnh, nhiều đối tượng từ các địa phương khác có thể đến thực hiện hành vi vi phạm liên quan tới pháo nổ với thủ đoạn tinh vi. Theo đó, Công an các địa phương đang tăng cường cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng chốt chặn tại “điểm nóng”, điểm nghi vấn tập kết, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp tham gia mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trái phép trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân nhận thức đúng đắn về pháo; không tham gia, tiếp tay vận chuyển hàng cấm, nhất là mặt hàng pháo nổ.

Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật” (Khoản 1, Điều 17); “cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa” (Khoản 2, Điều 17).

Theo Nghị định trên, pháo hoa được hiểu là “sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Pháo hoa nổ là loại pháo cấm người dân sử dụng. Nếu nhân dân sử dụng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm.

Như vậy, loại pháo người dân được phép sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán là pháo hoa không gây ra tiếng nổ và là sản phẩm pháo hoa của Bộ Quốc phòng do Nhà máy Z121 sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 23 địa điểm được cấp phép đủ điều kiện bán sản phẩm pháo hoa này. Để vui Xuân, đón Tết an toàn, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về pháo nổ.

Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quoc-phong-an-ninh/vui-xuan-don-tet-an-toan/205933.htm