Vui sáng tháng Năm

Chào tháng 5, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đang ra sức thi đua lao động sản xuất với năng suất cao, an toàn và thu nhập tốt, lập nhiều thành tích kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, cũng là kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra trang sử mới của nước nhà.

Mỗi người Tuyên Quang luôn có niềm tự hào riêng bởi trong những năm tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang vinh dự được Bác Hồ chọn là nơi sống, làm việc với thời gian dài nhất ngoài Hà Nội. Khoảng thời gian gần 6 năm Bác ở và làm việc với 2 lần được chọn làm Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến đã cho thấy vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng của Tuyên Quang; đồng thời chứng tỏ lòng dân Tuyên Quang luôn thủy chung son sắt với Đảng, với cách mạng và Bác Hồ.

Rất nhiều làng bản ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang đều có di tích ghi dấu chân Bác Hồ. Có cả thảy 32 địa điểm. Trong đó, có 8 di tích thời kỳ tiền khởi nghĩa (từ tháng 5 đến tháng 8-1945), 16 di tích thời kỳ kháng chiến chống Pháp (tháng 4 năm 1947 đến tháng 5 năm 1954) và 8 di tích khi Người về thăm lại Tuyên Quang năm 1961. Nơi nào cũng lưu truyền những câu chuyện đẹp và cảm động về những ngày có Bác.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, dân tộc Tày ở thôn Lũng Trò, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn chia sẻ, khu vườn nhà ông có di tích về cây hoa Bác trồng. Người dân Lũng Trò ai cũng coi khóm hoa là vật quý, là kỷ vật thiêng liêng mà Bác Hồ để lại. Nhiều người đã đến lấy giống hoa về trồng ở nhà và nơi làm việc, để trông cây lại nhớ tới Người, tự rèn luyện bản thân và giáo dục các thế hệ con cháu phải học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ.

Thôn Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương vinh dự là nơi đón Bác Hồ từ Hà Nội trở lại đêm 2-4-1947. Đây là cuộc trở lại Tuyên Quang lần 2 của Bác và các cơ quan trung ương để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp suốt 9 năm trường kỳ. Ngày ấy Làng Sảo có người phụ nữ rất đẹp tên là Vi Thị Hồi, dân tộc Tày. Ngày cưới của bà với một trong những cận vệ của Bác Hồ, 2 vợ chồng vô cùng sung sướng, cảm động được nhận quà tặng của Bác. Món quà ấy khiến bà càng thêm niềm tin sắt son vào Bác Hồ, vào cách mạng, vừa tham gia đóng góp cho kháng chiến vừa tần tảo nuôi con để chồng đi biền biệt vì nhiệm vụ chung. Niềm vui sướng, tin yêu ấy vẫn nguyên vẹn đến nay.

Tháng 2-1951, thôn Phú An, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm nơi tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Thời gian này, Bác ở tại một gia đình đồng bào Tày trong thung lũng Khau Tao, thường mặc bộ áo chàm giống đồng bào địa phương, đồng cam cộng khổ với bà con. Ký ức về Bác Hồ những ngày tháng ấy vẫn được các thế hệ người dân Kim Bình lưu giữ như một niềm tự hào thiêng liêng, một động lực để giữ gìn lòng thủy chung son sắt với Đảng, với Bác kính yêu.

Tháng 3-1961, thay mặt công nhân toàn tỉnh, công nhân Nông trường Sông Lô, thôn Sông Lô 7, xã An Tường, thị xã Tuyên Quang vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Với tất cả tấm lòng tôn kính, vui mừng, công nhân nông trường vang tiếng hô không dứt “Bác Hồ muôn năm”, “Chúc Bác Hồ mạnh khỏe”. Lời Bác căn dặn phải chăm lo tốt hơn đời sống công nhân, nhất là con em công nhân phải được học hành đến nơi đến chốn năm ấy, chính là động lực lớn lao để Nông trường Sông Lô không ngừng phát triển. 4 năm sau ngày Bác về thăm, Nông trường được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Thành phố Tuyên Quang mấy năm nay đã thênh thang một quảng trường mang tên Bác. Bên sườn núi Thổ Sơn là ngôi đền thờ Bác, không đồ sộ mà rất trang nghiêm, gần gũi - đúng như tính cách của Người lúc sinh thời luôn giản dị, gần dân. Chính điện là đôi câu đối: Ánh sáng rực Tuyên Quang hồng nhật soi dài muôn dặm đất/Khí thiêng trùm Việt Bắc đẩu tinh định hướng triệu con người.

Ánh sáng rực Tuyên Quang đối với Khí thiêng trùm Việt Bắc. Hồng nhật đối với Đẩu tinh. Soi dài muôn dặm đất đối với Định hướng triệu con người. Cả ý và lời đều chuẩn chỉnh, kết tinh hàm súc nhất vai trò, vị trí cũng như tình cảm của Bác với Tuyên Quang cũng như tấm lòng dân Tuyên Quang với Bác Hồ.

Tự hào có Bác từ những ngày gian khó, người dân Tuyên Quang cũng tự hào vì truyền thống cách mạng son sắt, thủy chung. Vui sáng tháng Năm, tháng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 130 của Người, mỗi người chúng ta lại vô cùng nhớ những tháng ngày Người về Tuyên Quang lãnh đạo cách mạng Việt Nam làm nên những chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

Thay cho hoa rừng làm quà tặng sinh nhật Bác ở chiến khu năm xưa, mỗi người Tuyên Quang đang dâng Người những việc làm cụ thể, quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tháng Công nhân hãy là tháng lao động sáng tạo, năng suất, an toàn và thu nhập cao nhất để Tuyên Quang luôn xứng đáng với truyền thống lịch sử cách mạng, trở thành tỉnh khá, đời sống nhân dân được ấm no như Bác hằng mong muốn.

Ghi chép: Thu Hà

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/vui-sang-thang-nam-131799.html