Vui - buồn đánh giá cuối năm học

Vì chỉ tiêu học sinh giỏi, giáo viên phải đi xin điểm tốt, hoàn thành tốt các môn học cho học sinh. Làm sao để đánh giá, khen thưởng học sinh được thực chất và xứng đáng?

Một tiết học của cô trò Trường Tiểu học Thanh Xuân A (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Một tiết học của cô trò Trường Tiểu học Thanh Xuân A (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Băn khoăn vì đánh giá vẫn phụ thuộc điểm số

Theo Thông tư số 27 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh (HS) tiểu học, để đạt được mức hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt, HS đều phải đạt tốt ở 9 môn học và 13 năng lực phẩm chất. Riêng mức hoàn thành xuất sắc, bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học (Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh) phải đạt 9 điểm trở lên. Mức hoàn thành tốt bài kiểm tra chỉ cần đạt 7 điểm trở lên.

Điều này có nghĩa là điểm số vẫn quyết định việc xếp hạng cuối năm mà không phải là đánh giá của GV qua cả quá trình học tập của HS. Trong khi lẽ ra cô giáo là người theo dõi sát nhất sự tiến bộ của mỗi em. Việc này cũng không đúng với tinh thần xếp loại HS tiểu học của Thông tư 22 trước đây và nay là Thông tư 27, đó là: Không căn cứ vào điểm số để đánh giá, xếp loại mà căn cứ vào cả quá trình học tập của HS.

Chị Phùng Thị Loan (huyện Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, bản thân là 1 giáo viên (GV) dạy THCS, chị rất rõ năng lực của con mình ở mức độ nào. Khi cô giáo thông báo con đạt HS xuất sắc lớp 2, chị đã rất ngạc nhiên vì con làm tính chậm, chữ viết cũng đẹp nhưng thường xuyên viết chậm nhất lớp, cô giáo nhiều lần trao đổi cùng phụ huynh rèn con thêm ở nhà. “Cô giáo nói rằng điểm trên bài thi cuối kỳ của con được 9, như vậy phù hợp với kết quả đánh giá hoàn thành xuất sắc nên cô cũng vui vẻ đánh giá con ở mức cao nhất” - chị Loan cho hay.

Làm đẹp học bạ vì nhiều lý do

Với áp lực chạy đua vào trường điểm, trường chất lượng cao bậc THCS có chọn lọc đầu vào từ vòng hồ sơ dự tuyển, nhiều phụ huynh đã vạch sẵn con đường phải hoàn thành xuất sắc cả 5 năm học để đủ điều kiện dự tuyển. Nhiều GV chủ nhiệm lớp 5 bậc tiểu học tại Hà Nội chia sẻ, họ luôn gặp áp lực phải xin điểm cho HS. Theo đó, GV bày tỏ nỗi khó xử vì trong 1 lớp hơn 50 HS, không phải cứ HS học tốt môn Toán, Tiếng Việt cũng đồng thời phải giỏi cả Tiếng Anh, Tin học hay Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục… Vì thương HS, cả nể với phụ huynh nên dù nhà trường không yêu cầu chỉ tiêu HS giỏi, GV chủ nhiệm cũng phải nhờ thầy cô bộ môn can thiệp để các em này đạt hoàn thành tốt môn học, không làm mất đi cơ hội được xét tuyển.

Việc làm đẹp học bạ dù xuất phát từ nguyện vọng của phụ huynh hay thành tích của GV, nhà trường… vẫn luôn là một câu chuyện nóng hổi. Vừa qua, trên một diễn đàn mạng xã hội có nhiều GV tham gia, chia sẻ của một GV dạy Thể dục khối tiểu học đang nhận được sự quan tâm của nhiều đồng nghiệp và độc giả. Nhà giáo này viết: “Bài kiểm tra cuối kỳ khối 4 là ném bóng rổ nhưng cả lớp chỉ chưa đến 10 em ném trúng, dù tạo điều kiện để các em kiểm tra lại đến 3 lần nhưng vẫn không trúng quả nào. Với khối 5, yêu cầu là HS nữ tâng cầu được 5 quả, nam 10 quả nhưng chỉ 3/52 HS/1 lớp miễn cưỡng đạt yêu cầu, tức là được 4 quả với nữ và 7-8 quả với nam. Tuy nhiên, cuối cùng xếp loại hoàn thành tốt môn học của lớp này là 18 em, thực sự khó xử và không công bằng với HS”.

Tâm tư này không phải là hiếm thấy khi việc xếp loại nhiều môn học hiện nay không phải do năng lực của HS mà là do GV chủ nhiệm can thiệp.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội chia sẻ, trước kia việc đánh giá HS quá lệ thuộc vào kiến thức, chữ nghĩa, điểm số và không quan tâm đến phát triển năng lực, phẩm chất, đặc biệt, chưa chú ý, tập trung vào việc khơi mở tiềm năng của người học. Hiện nay, với quan điểm giáo dục mới, vì sự tiến bộ của HS, đặc biệt với chương trình GDPT 2018 đã phần nào thay đổi những điều này, nhưng chưa thể ngay trong một thời gian ngắn.

Trước đó, quyết định dừng tuyển sinh lớp 6 hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam dù gây ra tiếc nuối với nhiều phụ huynh nhưng cũng nhận được ý kiến ủng hộ vì giảm bớt áp lực với HS, với GV vì không phải chạy đua làm đẹp học bạ. Ủng hộ quyết định này, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, về lâu dài, cần thay đổi theo hướng đảm bảo tất cả trường công lập đều có chất lượng tốt từ GV đến cơ sở vật chất, nhằm giảm áp lực khi phải đổ dồn vào một trường. Đặc biệt, việc tuyển sinh chuyển cấp cần thay đổi, không thể đặt ra điều kiện quá khắt khe từ học bạ đến thi tuyển, bởi điểm học bạ sẽ không đủ độ tin cậy và hiệu lực, đồng thời điểm số của các bài kiểm tra chỉ đánh giá được một phần chứ không thể đánh giá toàn diện năng lực HS.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vui-buon-danh-gia-cuoi-nam-hoc-10280392.html