'Vua Lear' và bi kịch của sự lựa chọn

Được viết cách đây hơn 400 năm nhưng 'Vua Lear' chưa bao giờ cũ về cả ngôn từ cho đến hành động kịch và nhất là thông điệp gửi đến khán giả.

Vở kịch 'Vua Lear' của Sân khấu Lệ Ngọc vừa được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội và rạp Kim Mã. Ảnh: Bình Thanh.

“Chân thực hả? Đem cái chân thực ấy đi mà làm của hồi môn!” - Vua Lear đã trút cơn giận thịnh nộ xuống đầu công chúa út Cordelia như thế để phần đời còn lại của ông phải trả giá...

Đó là tấn bi kịch kinh điển của Shakespeare được Sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục tái hiện với một phiên bản “Vua Lear” của riêng mình. Vở diễn được công diễn đến khán giả Thủ đô vào giữa tháng Tư.

Chuyện xưa không cũ

Vẫn cần phải ghi nhận những nỗ lực của một đơn vị xã hội hóa như Sân khấu Lệ Ngọc đã dũng cảm đặt chân vào lĩnh vực chưa khi nào dễ dàng như sân khấu rồi tiến đến việc dàn dựng những kịch bản kinh điển từ “Vụ án người đốt đền” của Grigory Gorin đến “Vua Lear” của Shakespeare. Tuy nhiên, nếu những vở diễn được dàn dựng thiếu chiều sâu, sáng tạo cũng như sự đầu tư cho vai diễn còn hời hợt thì cũng cần xem lại nỗ lực này vì nó dễ đem đến những phương hại cho khả năng cảm thụ cái hay, cái đẹp của một bộ phận khán giả. Nhất là, với các kịch bản kinh điển – khán giả còn ngại đọc và chưa từng đọc song lại được tiếp cận với một bản diễn thiếu sâu sắc để từ đó mặc định trong suy nghĩ và khi có cơ hội giao lưu với thế giới lại thể hiện góc nhìn hời hợt, thật buồn lòng thay…

Được viết cách đây hơn 400 năm nhưng “Vua Lear” chưa bao giờ cũ về cả ngôn từ cho đến hành động kịch và nhất là thông điệp gửi đến khán giả. Ngay khi cánh màn nhung vừa được mở ra, chỉ sau vài phút của những vui vẻ, thư giãn, xung đột kịch đã xuất hiện một cách mạnh mẽ, nhanh, cuốn khán giả vào 2 tuyến xung đột kịch cùng phát triển để cuối cùng gặp gỡ, tạo thành nút thắt chỉ có thể giải quyết bằng tấn bi kịch.

Trước tiên là xung đột của vua Lear với 3 cô con gái: Goneril, Regan và Cordelia được bắt đầu từ việc ông từ bỏ ngai vàng và chia giang sơn cho các con cai quản. Tuy nhiên, việc này được định đoạt qua lời nói chứ không phải bằng việc làm, nghĩa là 3 cô con gái phải bày tỏ tấm lòng mình với cha.

Đó cũng là khởi nguồn của tấn bi kịch khi người cha ấy chỉ chấp nhận lời nói tung hô, ngọt ngào của sự giả dối từ Goneril, Regan mà không chấp nhận lời nói có phần trái tai song được xuất phát từ tấm lòng chân thực của công chúa út Cordelia.

Tình huống xung đột này dường như hiển hiện ngay giữa cuộc sống đời thường hôm nay chứ đâu phải chỉ ở trong chốn cung điện cách đây mấy trăm năm. Vì thế, ở góc độ gia đình, “Vua Lear” rất xa xưa ấy vẫn có thể gặp gỡ và là nơi để khán giả hôm nay, từ các bậc làm cha mẹ cho đến những đứa con dần lớn khôn, trưởng thành, được dịp cùng chia sẻ và giãi bày những cảm xúc hỉ - nộ - ái - ố.

Song song với đó là xung đột của bá tước Gloucester với người con chính thức Edgar và người con ngoài giá thú Edmund. Xung đột này cũng được bắt đầu từ lòng cả tin, sự ngây thơ của Gloucester dành cho đứa con xảo quyệt, ranh ma Edmund để cuối cùng cũng rơi vào tấn bị kịch cay đắng.

Và sau những sự việc 2 người con gái lớn dùng lời nói giả dối để giành được phần thừa kế, quyền lực rồi họ đối đãi bạc bẽo với vua Lear hay đứa con ngoài giá thú Edmund sẵn sàng bán cả sinh mạng của cha cho kẻ độc ác để giành lấy danh lợi, tình ái thì khán giả, nhất là các bậc phụ huynh còn có thể soi vào đó để thấy rằng khởi nguồn của sự đau khổ, bất hạnh phải gánh chịu bắt đầu từ đâu!

Không chỉ dừng lại ở bi kịch gia đình mà “Vua Lear” còn phản chiếu bi kịch xã hội, bi kịch của thời đại. Rõ ràng, từ kịch bản này, sau những thương cảm trước nỗi bất hạnh của vua Lear, bá tước Gloucester vì sự lựa chọn chỉ ưa lời giả dối, điêu ngoa, gian manh thì còn có thể ngẫm ngợi rồi bật cười chua chát về thói xu nịnh ấy vẫn hiển hiện trong mọi mối quan hệ đời sống cũng như sự bị lãng quên khi con người trắng tay với quyền lực.

Chỉ trong tích tắc, lúc còn quyền lực, còn vương miện, vua Lear được kính trọng, tung hô nhưng lúc từ bỏ tất cả thì những kẻ được hưởng thụ không chỉ đều quay lưng, bỏ mặc mà còn toan tính lấy nốt mạng sống của ông.

Không rơi nước mắt sao được trước phân cảnh vua Lear đứng giữa đêm bão tố mịt mùng mà khóc cười cho cái sự đời đen bạc, cho cái sai lầm của cuộc đời mình. Sau những tháng năm oai dũng thống trị cả xứ sở hùng cường, sau phút giây từ bỏ quyền lực, ông chỉ còn lại tuổi già bệnh tật cô đơn và may thay chỉ còn anh hề điên cùng bá tước Kent trung thành đồng hành…

Dàn dựng những kịch bản kinh điển như 'Vua Lear' là nỗ lực rất lớn của Sân khấu Lệ Ngọc.

Tiếc vì chưa tới…

Kịch bản kinh điển “Vua Lear” của Shakespeare đã từng được dàn dựng ở Việt Nam với phiên bản của đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Bản diễn này đến giờ vẫn được nhiều người nhắc nhớ với niềm yêu thích đặc biệt.

Sau mấy thập kỷ, “Vua Lear” lại được Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng với phiên bản của đạo diễn, NSND Lê Hùng. Bản diễn này dài gần 2,5 tiếng đã là nỗ lực rất lớn từ việc biên tập một kịch bản văn học dài đến 5 hồi và nếu dựng nguyên bản thì cần đến một thời gian gấp đôi thậm chí gấp ba.

Cùng với đó, Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị nghệ thuật tư nhân với nguồn kinh phí hoạt động xã hội hóa hoàn toàn nên việc dàn dựng vở diễn từ kịch bản kinh điển đồ sộ nhất của Shakespeare như “Vua Lear” cũng là cố gắng rất đáng được ghi nhận.

Việc đầu tư trang phục chỉn chu và sát với bối cảnh của truyện kịch là điểm cộng cho Sân khấu Lệ Ngọc. Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc đối ngoại Sân khấu Lệ Ngọc, đây là một trong những nỗ lực rất đáng trân trọng của đơn vị với hành trình chinh phục những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, đồng thời đưa gần hơn đến khán giả Việt Nam các kiệt tác sân khấu thế giới.

Hình tượng vua Lear của Sân khấu Lệ Ngọc còn thiếu chiều sâu và sự thăng hoa trong sáng tạo. Ảnh: Bình Thanh.

Cũng vì, “kịch bản “Vua Lear” được viết cách đây hơn 400 năm nhưng đến hôm nay những thông điệp của vở diễn vẫn còn nguyên giá trị. Đó là giá trị đạo đức sống trong mỗi con người, trong mỗi gia đình và trong toàn xã hội”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, “Vua Lear” của Sân khấu Lệ Ngọc vẫn còn nhiều đáng tiếc vì chưa đạt tới chiều sâu về thông điệp của kịch bản gốc. Nhìn tổng thể, bản diễn này mới chỉ dừng lại ở những cố gắng minh họa cho đủ các tình tiết theo kịch bản gốc một cách bộn bề, cứ mê mải đến đuối sức.

Cũng vì thế mà vở diễn này chỉ có thể diễn tả được phần nào lớp nghĩa ở bề nổi - bi kịch của sự bất hiếu ở những đứa con: Goneril, Regan và Edmund.

Để rút ngắn kịch bản, nhiều lời thoại của vở diễn đã được lược và một số tình tiết được tổ chức, sắp xếp lại hoặc thêm thắt để tập trung cho thông điệp vở diễn muốn gửi gắm. Điển hình nhất là chi tiết Edmund trực tiếp rút kiếm đòi hành hình cha chứ không phải tiếp tục giấu mặt như trong kịch bản gốc. Cùng với đó là chi tiết bá tước

Ở phiên bản của Sân khấu Lệ Ngọc, gã Edmund trực tiếp rút kiếm đòi hành hình cha. Ảnh: Bình Thanh.

Gloucester đau đớn tự móc mắt để trừng phạt cho sự u mê của mình chứ không phải là do chồng của Regan thực hiện. Những thêm thắt này đã đem lại hiệu quả nhất định vì đẩy sự phẫn nộ của khán giả trước những người con bất hiếu lên đến đỉnh điểm cũng như thấy được lối nghĩ gần gũi “có mắt như mù” từ việc người cha tự trừng phạt mình.

Tuy nhiên, có một số chi tiết như Edmund gặp Edga van xin người anh cùng cha khác mẹ cho một vị trí chính thức trong gia đình hay công chúa Goneril chết ngay dưới mũi kiếm của Edga để cứu người tình Edmun chứ không phải cô ta tự sát như trong kịch bản…

Sẽ rất cần thiết nếu những chi tiết thêm thắt ấy logic với tiến trình vận động của vở diễn cũng như góp phần khắc họa đậm nét tính cách nhân vật. Nhưng sẽ trở thành khó chịu khi nó là những thừa thãi (Edmund gặp Edga để lừa phỉnh) và thiếu logic (Goneril lừ lừ lao vào mũi kiếm Edga).

Với chi tiết Edmund gặp Edga, rõ ràng trước đó anh ta có màn độc thoại bộc lộ bộ mặt thật của mình - bộ mặt của kẻ ích kỷ, ganh tị, cơ hội kia mà?

Với chi tiết Goneril chết thay cho người tình thì thật khó lý giải vì sao một mụ đàn bà tham lam tiền tài, danh vọng, lăng loàn, bán linh hồn cho quỷ dữ từ đầu đến cuối, hắt hủi cha và đầu độc em gái mà ngay sau đó lại có được tấm chân tình với người tình cũng là kẻ chẳng ra gì - đứa con bội phản Edmund ấy?

Còn cảnh nóng giữa Edmund và công chúa Regan cũng không đắt giá mà chỉ kéo thêm những rườm rà có phần dung tục.

Thêm nữa, một cái kết vội vàng với hình ảnh vua Lear mỏi mệt kéo tấm bè chở cái xác của công chúa Cordelia cùng đôi lời than thở chỉ đem lại cảm giác đáng thương mà không thực sự gieo vào lòng người xem những nỗi đau đời ngàn năm.

Như đạo diễn, NSND Lê Hùng chia sẻ với báo giới, ông muốn khai thác về chữ hiếu trong “Vua Lear”, ở đó có thể cha mẹ vì tuổi tác mà có những quyết định sai lầm nhưng phận làm con thì phải luôn lấy chữ hiếu làm đầu và phần nào vở diễn đã làm được để thỏa lòng cho một bộ phận khán giả.

Tuy nhiên, ở tầm vóc một kịch bản kinh điển như “Vua Lear” dường như nếu chỉ dừng ở đó thì thật uổng phí và có phần coi thường khả năng tiếp nhận, cảm thụ của khán giả hôm nay.

Cũng phải nói thêm, ở Việt Nam có không ít kịch bản, vở diễn lay động trái tim khán giả khi khai thác về chủ đề này. Điển hình như kịch bản “Nỗi đau lòng mẹ” của Lưu Quang Vũ từng được nhiều loại hình nghệ thuật (chèo, cải lương, kịch nói…) khai thác và đã lấy đi nước mắt của biết bao thế hệ khán giả năm xưa.

Nhưng, ở đó, nhân vật trung tâm là những con người ở tầng lớp bình dân trong xã hội nên giá trị biểu đạt dừng ở chữ hiếu là xuất sắc còn với “Vua Lear” thì đâu chỉ là câu chuyện con cái bất hiếu với cha hay một ông vua từ đỉnh cao quyền lực sau cú sốc ấy trở thành một người cha yếu đuối, mong manh, điên dại đến thế sao? Cách xây dựng nhân vật trung tâm như thế đã đánh mất phần nào những thông điệp sâu sắc được nhà viết kịch tài ba Shakespeare gửi gắm.

Đó là bi kịch và sự trả giá cho việc lựa chọn giả dối, lấy lời nói lọt lỗ tai làm chỗ dựa cho tương lai mà phũ phàng phủ nhận, phỉ báng lời nói chân thực nhiều khi khó nghe.

Đó còn là sự phơi bày về giá trị của miếng bánh quyền lực khi xung quanh nó luôn có một bầy lang sói (kể cả là tình thâm phụ tử), chúng rình và lao vào xâu xé bất cứ khi nào, bất chấp thủ đoạn nào. Trật tự xã hội bị đảo lộn và những nỗi đau nhân tình thế thái cũng bắt đầu từ đây…

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác khiến cho phiên bản “Vua Lear” của Sân khấu Lệ Ngọc chưa thực sự xứng với kịch bản kinh điển là diễn xuất. Tất nhiên, các nghệ sĩ (nghệ sĩ Văn Hải vai vua Lear, NSND Lệ Ngọc vai Goneril, NSND Thu Quế vai Regan, Hàm Hương vai Cordelia, NSND Tuấn Hải vai bá tước Gloucester, NSƯT Chí Kiên vai bá tước Cornwall, Tuấn Anh vai hề điên, Lâm Cương vai Edmund, Công Phùng vai Edga…) đã nỗ lực hết mình.

Nhưng ở khả năng nhất định, thì có những vai diễn (kể cả vai chính) chưa thể tròn vai khi thoại còn quên và vấp (dù nhiều lời thoại đã được Việt hóa) chứ chưa nói đến việc biểu cảm trong lời nói.

Những cử chỉ, hành động, biểu cảm đều cứng nhắc, khiên cưỡng và làm theo chứ không phải là sự hóa thân vào nhân vật để khán giả được đắm mình trong những giây phút thăng hoa của nghệ sĩ… Những bộ trang phục bắt mắt có thể đánh lừa giây phút ban đầu nhưng để che chắn cho cả vở diễn thì không đủ sức.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vua-lear-va-bi-kich-cua-su-lua-chon-post634315.html