Vụ xã bán đất khống ở Thanh Hóa: Giải quyết hậu quả thế nào?

Chính quyền cấp xã đã đề xuất phương án giải quyết việc mua bán đất cho người dân cách đây gần 30 năm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên môi trường TP Sầm Sơn, đề xuất của địa phương không có căn cứ để giải quyết. Trong khi đó, các chuyên gia lại có những cách nhìn nhận khác nhau.

Những người dân mua đất cách đây gần 30 năm đang đi "tìm đất"

2 phương án giải quyết

Ông Đặng Ngọc Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hùng (TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa) cho biết, việc mua bán đất của UBND xã với người dân diễn ra đã 28 năm, người dân cũng thường xuyên đơn từ, phản ánh đến các cấp chính quyền. Đây cũng là vấn đề nhức nhối của địa phương nhiều năm qua. UBND xã cũng không lẩn tránh trách nhiệm mà cũng tìm phương án giải quyết với mục đích đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người mua đất. Tuy nhiên, thẩm quyền của UBND xã có hạn, vì vậy địa phương mong muốn tỉnh, cũng như TP. Sầm Sơn sớm có phương án xử dứt điểm.

Theo ông Vũ, việc các hộ mua đất có phiếu thu tiền, có biên bản giao đất nhưng không giao đất thực tế. Vì vậy, UBND không thể hỗ trợ thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người mua. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, họp bàn, UBND xã Quảng Hùng thống nhất đề xuất 2 phương án giải quyết cho người mua đất.

Phương án thứ nhất, UBND xã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND TP. Sầm Sơn xem xét, bố trí cho phép lập quy hoạch đất ở vùng ven biển để giao đất cho các hộ đã mua. Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 80ha đất ven biển, trong khi mới giao cho Công ty Văn Phú khoảng 24ha. Như vậy, địa phương còn hơn 50ha đất ven biển, trong khi số đất người dân đã mua khoảng 20ha. Vì vậy, trên địa bàn xã vẫn còn quỹ đất, nếu được lập quy hoạch xã có thể giao cho người mua đất. Tất nhiên, để được giao đất thì người mua sẽ phải nộp thêm tiền để giải phóng mặt bằng và nộp bao nhiêu thì cần đánh giá, tính toán cụ thể.

Phương án thứ hai là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án vào địa phương. Khi đó, doanh nghiệp sẽ bồi thường bằng tiền để trả cho các hộ đã mua đất. Nếu không đủ, UBND xã cũng trích một phần nguồn thu để hỗ trợ bồi thường cho các hộ mua đất. Bởi nguồn thu từ bán đất trước đây cũng đã được địa phương đầu tư vào điện điện, đường, trường, trạm. "Địa phương cũng muốn ổn định, thu hút doanh nghiệp nên đề xuất các phương án giải quyết dứt điểm vụ việc. Quan trọng là UBND tỉnh, UBND TP. Sầm Sơn có đồng ý các phương án đưa ra hay không thôi", ông Vũ nói.

Ôn Lê Văn Thắng, nguyên cán bộ địa chính xã Quảng Hùng, cho biết UBND xã chỉ bán trên sơ đồ, chứ không giao đất trên thực địa.

TP Sầm Sơn nói "bất khả thi"

Trước 2 phương án mà UBND xã Quảng Hùng đề xuất, ông Trịnh Thanh Liêm, Phó Trưởng phòng Tài nguyên môi trường TP. Sầm Sơn cho biết, trước đó Đoàn Thanh tra của tỉnh cũng đã xem xét các phương án tháo gỡ. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó, bởi lẽ việc mua bán đất là có, nhưng không có đất trên thực địa. Do đó, không phải là mua bán trái thẩm quyền nên không thể áp dụng Luật đất đai 2013 để xử lý, giao đất cho người dân. Nếu như, người dân đã được nhận đất thì sẽ áp dụng theo quy định này.

Đối với phương án bồi thường bằng tiền cũng không có cơ sở. Bởi không có căn cứ nào để trích tiền ngân sách bồi thường cho người mua đất. "Khi nhận được đơn của người dân, chúng tôi cũng đã giải thích các quy định của nhà nước. Đồng thời, hướng dẫn các hộ mua đất kiện đòi bồi thường ra tòa. Khi đó, tòa án các cấp sẽ đánh giá các yếu tố, thiệt hại của người mua. Nếu tòa ra phán quyết như thế nào thì các đơn vị liên quan sẽ thực hiện như vậy, kể cả bồi thường và mức bồi thường", ông Liêm nói.

Trước các thông tin mà dư luận phản ánh về việc mua bán đất trái thẩm quyền ở các xã ven biển, UBND TP. Sầm Sơn cho biết cũng nhận được nhiều đơn thư của người dân. Ví như, với trường hợp bà Nguyễn Thị Oanh (ở Hà Nội) đã mua 400m2 đất ở xã Quảng Hùng năm 1994 và được cấp phiếu thu tiền (8 triệu đồng) cùng biên bản giao đất. Bà Oanh đề nghị TP. Sầm Sơn cấp sổ đỏ cho gia đình bà. Sau khi nghiên cứu, UBND TP. Sầm Sơn đã có trả lời chi tiết.

Cụ thể: Theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 23, Nghị Định 43/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013, thì nhà nước chỉ xem xét cấp sổ đỏ cho những hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch; Nhà nước xem xét bồi thường, hỗ trợ về đất khi nhà nước thu hồi đất đối với đát được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 theo Điều 11, Nghị Định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Trường hợp của gia đình bà Oanh mua đất được UBND xã Quảng Hùng cấp biên bản giao đất và phiếu thu tiền nhưng không có đất trên thực địa. Do đó, UBND TP. Sầm Sơn không có cơ sở để giải quyết đối với trường hợp giao đất trái thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai 2013.

UBND TP. Sầm Sơn đề nghị bà Oanh liên hệ làm việc với UBND xã Quảng Hùng. Trường hợp hai bên không thống nhất được thì khởi kiện ra tòa án nhân dân các cấp để đòi quyền lợi cho gia đình.

Với những khó khăn trên, ông Liêm cho rằng, đến thời điểm này không thể đưa ra chính sách chung cho tất cả các hộ mua đất dù đã nghiên cứu. Ngoài cách giải quyết tại tòa, địa phương cũng ko có hướng giải quyết tốt hơn.

Về vấn đề đất của người dân đã mua nằm trong dự án của Công ty Văn Phú, ông Liêm cho biết, Đoàn kiểm tra cũng đã xác minh và kết luận, không xác định được đất của hộ nào nằm trong dự án của Công ty. Hơn nữa, TP. tiếp nhận các xã của Quảng Xương sát nhập vào khi dự án của Công ty Văn Phú đã được hoàn thành giải phóng mặt bằng và tiếp tục triển khai xây dựng.

Chuyên gia nói gì về hướng giải quyết vụ bán đất khống?

Phân tích về góc độ pháp lý, luật gia Trần Nhật Minh (Chi hội Luật gia, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, trong vụ việc này cả người mua và người bán đều sai. Cụ thể, theo Luật đất đai thời điểm đó thì quỹ đất để bán phải được HĐND cấp huyện phê chuẩn; UBND huyện lập quy hoạch và công bố công khai cho người dân. Số tiền bán đất thu được sẽ được nộp vào kho bạc nhà nước. Tuy nhiên, tại các địa phương ở TP. Sầm Sơn, UBND cấp xã/phường tự ý bán đất là sai. Còn người dân, biết rõ là UBND xã không được phép bán đất, không được giao đất trên thực địa nhưng vẫn mua là sai.

Luật gia Trần Nhật Minh cũng cho biết, vụ việc này đã được phát hiện đã lâu. Tuy nhiên, các cấp chính quyền huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) không xử lý mà đùn đẩy trách nhiệm cho TP. Sầm Sơn sau khi sát nhập địa giới hành chính.

Về phương án xử lý, Luật gia Trần Nhật Minh cho rằng, người dân chỉ có thể đến UBND xã/phường lấy lại tiền mua đất cộng với khoản lãi ngân hàng qua các thời kỳ tính từ năm 1994 đến nay. Trường hợp người dân khởi kiện hành chính sẽ rất khó, bởi trong vụ việc này không có quyết định hành chính cũng như hành vi hành chính. Còn nếu khởi kiện để đòi đất thì không được chấp nhận, bởi lẽ đất thực tế không có và UBND xã cũng không có thẩm quyền giao đất, bán đất.

"Trường hợp UBND xã không chấp nhận giải quyết dân sự bằng cách trả tiền cho người thì cơ quan tố tụng cần phải khởi tố hình sự. Bởi trong vụ việc này có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai hoặc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", luật gia Trần Nhật Minh nhận định.

Về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, không có gì là khó giải quyết, quan trọng là người mua và bán có chấp nhận hay không mà thôi.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, Luật Đất đai 2003 đã đưa ra quy định, việc bán đất trái thẩm quyền nhưng có chứng cứ về việc nhà nước đã thu tiền, ở bất kỳ mức độ nào thì đều phải thừa nhận đấy là hợp đồng mua bán hợp pháp. Bởi vì, đấy là một phía là nhà nước, trong trường hợp này UBND xã là đại điện cho nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, đến Luật đất đai 2013 thì có "bẻ" lại, tức không thừa nhận những cái mua đất trái thẩm quyền. Thế thì theo Luật Đất đai 2013, các hợp đồng mua bán đất của UBND xã với người dân vô giá trị.

Có ý kiến cho rằng, UBND xã bán đất, có biên bản và phiếu thu nhưng không giao đất thì không phải là mua bán trái thẩm quyền. GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, nói như vậy là không đúng, bởi người mua đã có hợp đồng hẳn hoi. Hơn nữa, trong hợp đồng không có hành vi nào là gắn với giao đất. Do đó, theo Luật đất đai 2013, hợp đồng này là vô hiệu.

Theo Bộ luật Dân sự 2015, khi hợp đồng vô hiệu, các bên trả cho nhau những gì đã nhận. Ở đây, UBND xã phải trả lại tiền mua đất cho người dân cộng với lãi suất ngân hàng qua các thời kỳ theo quy định của ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Về câu hỏi, ai là người sẽ trả lại tiền cho người mua đất, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, việc này là do UBND xã tự giải quyết. Nếu người bán đất là lãnh đạo xã thì người đó phải chịu trách nhiệm. Nếu người bán lấy danh nghĩa là UBND xã thì UBND xã phải đứng ra trả tiền mua đất. Trong vụ việc này, UBND xã bán đất và cấp biên bản giao đất, phiếu thu tiền cho người mua. Hơn nữa, nếu số tiền bán đất đã dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng địa phương thì UBND xã có trách nhiệm trả lại tiền cho người mua cộng với lãi suất ngân hàng, GS. Đặng Hùng Võ nói.

Linh Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vu-xa-ban-dat-khong-o-thanh-hoa-giai-quyet-hau-qua-the-nao-20220601162232709.htm