Vụ vỡ hồ nước thải ở Bình Dương: Thống kê thiệt hại để yêu cầu bồi thường

Đã có 14 ha cây trồng trong vườn bị ngập, nhiều hộ nuôi cá trắng tay chỉ sau một đêm.

Sau khi hồ chứa nước thải chưa qua xử lý của Công ty San Miguel Pure Foods Việt Nam bị vỡ ngày 25-7, sông Cầu Đò-Thị Tính (huyện Bến Cát, Bình Dương) đang nhuốm một màu đen kịt, tanh tưởi. Nhuộm đen dòng Thị Tính-Cầu Đò Ngày 27-7, hai ngày sau sự cố vỡ hồ, nhiều người dân xung quanh bờ sông vẫn chưa hết lo lắng vì chưa bao giờ nước sông lại đen đặc như vậy. Dọc theo bờ sông là vô số xác cá chết bốc mùi tanh tưởi. Ông Trần Văn Tạ (xã An Điền, Bến Cát) bức xúc: “Từ xưa đến nay, nước sông Thị Tính có thể dùng để tắm, giặt, vậy mà bây giờ cả dòng sông bị nhuốm một màu đen quánh”. Theo ông Tạ, nguồn nước đen còn khiến các hộ dân dùng giếng khoan rất lo lắng vì sợ nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm. Tuy nhiên, bi kịch nhất là các hộ dân nuôi cá, nuôi ếch trong ao khi nhiều người lâm vào cảnh trắng tay. Anh Mai Bá Hùng (xã An Điền, Bến Cát) buồn rầu: “Tôi đã đầu tư hơn 60 triệu đồng tiền mua cá giống, vậy mà chỉ sau một đêm, toàn bộ vốn liếng đã tan thành mây khói. Thậm chí không ai dám vớt xác cá cho gia cầm ăn vì sợ bị nhiễm bệnh”. Chính quyền tích cực vào cuộc Sau khi sự cố xảy ra, chính quyền sáu xã bị ảnh hưởng trực tiếp đã đánh giá thiệt hại của người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Dương cũng phân tích mẫu nước đã lấy tại hồ chứa nước thải chưa qua xử lý của Công ty San Miguel Pure Foods Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã An Điền (huyện Bến Cát), cho biết: Xã đang cử cán bộ môi trường xuống các hộ dân kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại, sau đó tổng hợp báo cáo cho UBND huyện. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Cát, khẳng định: “Chúng tôi đang tích cực phối hợp với chính quyền để đánh giá thiệt hại của nông dân. Hội sẽ đại diện cho người dân yêu cầu Công ty San Miguel Pure Foods Việt Nam bồi thường”. Chiều 27-7, ông Huỳnh Công Du, Trưởng phòng TN&MT huyện Bến Cát, cho biết trong số các xã bị thiệt hại, xã Lai Hưng có 14 ha cây trồng trong vườn bị ngập. Ếch nuôi của các hộ ở xã Phú An cũng bị chết đồng loạt. UBND huyện Bến Cát đã chỉ đạo các xã bị ô nhiễm thống kê thiệt hại về kinh tế và môi trường. Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh cũng tiến hành theo dõi, kiểm tra các vật nuôi, nếu có dịch bệnh sẽ lập tức tiến hành tiêu độc, khử trùng. Cũng theo ông Du, hệ thống xử lý chất thải của Công ty San Miguel Pure Foods Việt Nam còn sơ sài. Trong các đợt kiểm tra trước, Sở NN&PTNT tỉnh đã yêu cầu khắc phục nhưng công ty vẫn không chấp hành.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/xa-hoi/view.aspx?news_id=263457