Vụ trưởng Nguyễn Văn Thạch: Tôi không ủng hộ cấm xe cá nhân!

"Tôi không ủng hộ việc cấm phương tiện cá nhân. Vấn đề là phải để người dân có sự lựa chọn việc di chuyển trong khuôn khổ những quy định chung", ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) nói.

LTS:Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết đang xin ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, tổ chức nghề nghiệp, chuyên gia và các đơn vị liên quan, để xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội”.

Đề án này đưa ra lộ trình hạn chế tiến dần đến cấm đối với xe máy trên một số tuyến trục chính và một số khu vực trong vành đai 3...

Trước đề xuất này, phóng viên Báo Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) để làm rõ thêm nhiều băn khoăn của độc giả.

PV: Ông đánh giá như thế nào về đề xuất trên của Sở Giao thông vận tải Hà Nội?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Thạch: Rõ ràng với số lượng và lưu lượng phương tiện cá nhân nhiều như hiện nay, thì phương án hạn chế phương tiện cá nhân tại các độ thị lớn, trong đó có Hà Nội cần phải được tính đến.

Tuy nhiên, việc này cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết. Mặt khác, đây không phải là vấn đề riêng của ngành Giao thông vận tải.

Vụ trưởng Nguyễn Văn Thạch

Còn chuyện cấm phương tiện cá nhân là không được. Bản thân tôi cũng không ủng hộ việc cấm phương tiện, mà nên tạo điều kiện cho người dân có sự lựa chọn trong khuôn khổ cho phép.

Khi các phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, thì người ta vẫn phải di chuyển bằng phương tiện cá nhân là điều dễ hiểu.

PV: Trước đó, chúng ta đã có rất nhiều phương án nhằm hạn chế/cấm phương tiện cá nhân, nhưng đều không mấy phát huy hiệu quả. Theo ông đâu là nguyên nhân?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Thạch: Cái chính dẫn tới việc tắc nghẽn ở Hà Nội hiện nay đó là việc phát triển cơ sở hạ tầng không theo quy hoạch, cộng với lượng lao động các tỉnh đổ về Hà Nội rất lớn, gây áp lực lên mạng lưới giao thông đô thị.

Hiện tại, nhiều dự án phục vụ nhu cầu sinh hoạt, ăn ở của người cứ mọc lên liên tục trong nội thành, dẫn tới việc nhiều tuyến đường nội thành tải vì phương tiện, đặc biệt trong giờ cao điểm.

Hà Nội với số lượng dân cư tập trung đông đúc, cơ sở hạ tầng còn bất cập như hiện nay, đến khi áp dụng việc hạn chế/cấm phương tiện cá nhân thì chưa chắc các phương tiện công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

PV: Theo ông, giải pháp nào để chống ùn tắc tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội?

Vụ trưởng Nguyễn Văn Thạch: Vấn đề đặt ra là chúng ta phải có phương án, lộ trình thực hiện cụ thể.

Khi phương án giao thông công cộng đáp ứng tương đối, cơ bản nhu cầu đi lại của người dân, khi đó mới hạn chế được phương tiện cá nhân. Đó là việc hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị, phát triển phương tiện công cộng…

Nếu không có lộ trình thực hiện, áp dụng thì người dân đi lại bằng gì? Trong xã hội phát triển, không nên cấm chuyện người ta đi lại.

Tiếp đó, có thể hạn chế phương tiện cá nhân thì nên áp dụng thuế, phí. Đây là nguyên tắc đã được rất nhiều nước áp dụng.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, người ta áp dụng việc giảm ùn tắc theo phương thức, hoàn thiện và cung cấp hệ thống giao thông công cộng là ưu tiên số một, nhằm phục vụ tốt nhu cầu người dân.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Nếu người dân không sử dụng phương tiện di chuyển công cộng, thì áp dụng biện pháp thuế và phí cho việc lưu hành xe cá nhân, tùy vào túi tiền, tùy vào mục đích chuyến đi.

Ví dụ, anh muốn di chuyển từ vành đại 3 tới trung tâm phố cổ, vì công việc, nhu cầu cần chủ động về mặt phương tiện, thời gian thì anh vẫn cứ đi, nhưng phải nộp phí.

Vấn đề là phải để người dân có sự lựa chọn việc di chuyển trong khuôn khổ những quy định chung, chứ không phải cấm tiệt.

Tiếp theo, nên thiết kế các bãi đổ xe tại các nhà ga, bến xe, thu phí ở mức phù hợp, nhằm khuyến khích người dân di chuyển bằng các phương tiện công cộng.

Việc quy hoạch giao thông phải gắn với quy hoạch hạ tầng đô thị. Nếu không thực hiện được điều này, thì chưa giải quyết được cái ngọn dẫn tới việc ùn tắc ở nội thành.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hoàng Anh (thực hiện)

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/vu-truong-nguyen-van-thach-toi-khong-ung-ho-cam-xe-ca-nhan-d100000.html