Vụ thu hồi đất tại UBND phường Phương Liệt: Giới Luật sư nói gì?

Báo Xây dựng ngày 26/9 có bài viết “ 40 năm trông giữ đất, bị thu hồi không được đồng tiền công? ” phản ánh về việc: gần 40 năm gia đình bà Nguyễn Thị Gái sinh sống tại số 29J phố Phương Liệt (Thanh Xuân, TP.Hà Nội) bỏ công sức tôn tạo, trông nom mảnh đất để trồng rau cải thiện kinh tế và không có tranh chấp với ai. Tuy nhiên, gia đình bà Gái bỗng dưng bị mất trắng đất bởi một Thông báo của UBND phường Phương Liệt.

Quyền lợi của người dân cần cơ quan chức năng xem xét thỏa đáng

Sau khi bài viết được đăng tải, Báo Xây dựng đã nhận được ý kiến của độc giả và Luật sư bày tỏ ý kiến bức xúc của mình về cách hành xử của UBND phường Phương Liệt trong việc cưỡng chế, tháo dỡ công trình trên diện tích đất của gia đình nhà bà Gái là trái pháp luật.

Về vụ việc này, Cty Luật Trí Hùng &Cộng sự đã đưa ra quan điểm pháp lý như sau: Về nguồn gốc đất, Cty TNHH Trí Hùng &Cộng sự cho rằng có thể các văn bản, bản đồ trước năm 1992 không thể hiện đây là đất công, đất thuộc quy hoạch nên UBND phường không đưa ra làm căn cứ mà chỉ đến năm 1992 mới được thể hiện là đất công thuộc quy hoạch. Nếu như vậy bà Gái sử dụng và cải tạo đất từ năm 1972 tứ là trước khi có phê duyệt năm 1992. Như vậy khi tiến hành quy hoạch UBND thành phố cần phải xem xét đến hiện trạng sử dụng đất của bà Gái. Đồng thời do bà Gái sử dụng đất trước khi có quy hoạch nên không thể cho rằng bà Gái lấn chiếm, chiếm đất theo: Khoản 1 điều 64 Luật Đất đai: đ) Đất được Nhà nước giao để quản lý mà bị lấn, chiếm”. Do vậy không có cơ sở áp dụng Điều 92 Luật Đất đai 2013 để thu hồi đất mà không có bồi thường.

Mặt khác, diện tích đất của bà Gái được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì: Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 về hướng dẫn thi hành luật đất đai: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15/10/1993, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp sử dụng đất; việc sử dụng đất tại thời điểm nộp hồ sở đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đã sử dụng đất từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch thì được công nhận quyền sử dụng đất”.

Như vậy, nếu bị thu hồi đất bà Gái được bồi thường theo Điều 75 Luật Đất đai 2013: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp”.

Việc phá dỡ công trình nhà bà Gái, Cty TNHH Trí Hùng &Cộng sự có ý kiến như sau: Dù gia đình bà Gái có lấn chiếm đất hay không thì bản chất việc tháo dỡ của UBND phường Phương Liệt là cưỡng chế nên phải làm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012 và các Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính như sau: Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền. Trước khi tổ chức cưỡng chế, tổ chức ra quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân (tổ chức) vi phạm và các cơ quan cấp trên để cùng thực hiện (Điều 3). Đối với với quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trái phép phải được gửi đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế (Điều 5), UBND, Công an cấp xã nơi tiến hành các biện pháp cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế 5 ngày để phối hợp thực hiện (Điều 7).

Người ra quyết định cưỡng chế hành chính có nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế đó. Khi nhận được quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, các nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức, thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật thì hành vi cưỡng chế, tháo dỡ công trình trên diện tích đất gia đình bà Gái đang sử dụng của UBND phường Phương Liệt là trái pháp luật. Bà Gái có thể khiếu nại, khởi kiện hành vi này theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình.

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin./.

Thành Nam – Hồng Quang

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/vu-thu-hoi-dat-tai-ubnd-phuong-phuong-liet-gioi-luat-su-noi-gi.html