Vụ thảm sát ở Hà Giang và nguy cơ 'trắng' bác sĩ tâm thần

Dư luận đang thực sự rúng động với sự bất an có thể thấy rõ, trước vụ thảm sát ở Hà Giang hôm 1.12 khiến 4 người tử vong. Sự bất an không phải chỉ ở những vụ thảm sát liên tiếp xảy ra mà ở chỗ đối tượng gây án là những người có tiền sử tâm thần.

Cơ quan công an tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ án. (Ảnh: Báo giao thông)

Nghi phạm Phù Minh Tuấn năm 2015 đã sát hại con ruột của mình. Năm đó, thay vì bị truy tố, xét xử và ngồi tù, Tuấn được đưa vào BV Tâm thần do xác định mắc bệnh tâm thần. Bệnh nhân này được cho về vào tháng 7.2016, và chỉ chưa đầy 5 tháng thì đến cuộc thảm sát ngày hôm qua.

Đến nay “Lời khai của nghi phạm đang rất lung tung, không đâu vào đâu cả vì bị tâm thần”.

Nếu nghi can được xác định tái phát bệnh cũ, kết quả có thể thấy trước là Tuấn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn xã hội, rơi tiếp vào nguy cơ của các vụ thảm sát từ cái vòng luẩn quẩn: Đưa đi chữa bệnh. Được thả. Và tiếp tục gây án... Nếu như ngay sau vụ thảm sát này, vấn đề điều trị và quản lý bệnh nhân tâm thần không được đặt ra một cách nghiêm túc.

Đã có rất nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra về những căn cứ để kết luận bệnh nhân đã khỏi bệnh, để trả về xã hội? Hay khả năng tái phát của những trường hợp từng có tiền sử như vậy!

Đó là những câu hỏi chính đáng khi vấn đề tâm thần ở Việt Nam chưa bao giờ được coi là hết nóng.

Chúng ta có những con số hết sức lạnh lùng vừa được công bố hồi cuối năm ngoái: Có tới 15% dân số, tức khoảng 13 triệu người rối loạn tâm thần các thể, 3 triệu trong số đó là rối loạn nặng.

Không phải ai tâm thần cũng gây ra cảnh hành hung, đâm chém. Nhưng rõ ràng, sự thiếu hụt cơ bản từ mối quan tâm, mức độ đánh giá tính chất, cho đến việc điều trị và cả nhân sự ngành y tế với những con số hiểm họa này là hoàn toàn chưa tương xứng.

Năm 2013, trước nguy cơ “trắng bác sĩ” ở các ngành lao, phong, pháp y, giải phẫu bệnh, tâm thần... Chính phủ đã phê duyệt một đề án miễn giảm học phí, ưu tiên các điều kiện nhập học... để hướng tới con số năm 2020 sẽ bổ sung 2.500 nhân lực cho 5 ngành này.

Nhưng đến tháng 8 vừa qua, một cảnh báo tiếp tục được đưa ra khi cả 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL chỉ có 152 bác sĩ đang làm việc tại 5 chuyên ngành hiếm trên, và “bi kịch” 50% trong đó sắp nghỉ hưu.

Rất rõ ràng, những thảm cảnh đau lòng do người tâm thần gây ra chỉ có thể hạn chế nếu tỉ lệ tâm thần trong dân cư giảm thiểu mà việc bắt đầu, phải là từ các bác sĩ.

Theo Đào Tuấn (Lao động)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/cafe-sang/vu-tham-sat-o-ha-giang-va-nguy-co-trang-bac-si-tam-than-138612